Xây dựng đô thị thông minh xứng tầm khu vực
Với tầm nhìn đến 2050 Thủ đô Hà Nội trở thành 'Nơi đáng đến và lưu lại, nơi đáng sống và cống hiến', Quy hoạch Thủ đô thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch Thủ đô) vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đã mang đến những tư duy hành động mới với quan điểm cốt lõi 'con người là trung tâm của sự phát triển'. Từ tâm thế này, đô thị Hà Nội với mô hình chùm đô thị trung tâm và các thành phố trong Thủ đô cũng đã được định hình theo các nhiệm vụ, chức năng đặc thù nhằm khai thác tiềm năng, lợi thế riêng.
Cấu trúc chùm đô thị
Trong suốt 70 năm qua, Hà Nội đã 4 lần điều chỉnh địa giới hành chính và 7 lần quy hoạch chung được phê duyệt, các quy hoạch được lập chính là những công cụ pháp lý quan trọng để chính quyền Thủ đô hoạch định chính sách, điều hành và quản lý mọi hoạt động phát triển kinh tế - xã hội, tổ chức không gian. Kế thừa các quy hoạch trước đó, trong định hướng Quy hoạch Thủ đô lần này, Hà Nội sẽ phát triển, khai thác hài hòa năm không gian: Không gian công cộng, không gian trên cao, không gian ngầm, không gian văn hóa-sáng tạo và không gian số. Trong đó, sông Hồng là trục xanh, trục cảnh quan trung tâm của Thủ đô, là không gian văn hóa di sản, du lịch và dịch vụ, kết nối vùng Thủ đô và vùng Đồng bằng sông Hồng.
Bên cạnh đó, hệ thống đô thị Thủ đô Hà Nội được tổ chức theo mô hình chùm đô thị, gồm đô thị trung tâm, các trục đô thị hướng tâm, các thành phố trong Thủ đô. Khu vực đô thị trung tâm sẽ được quy hoạch gồm khu vực nội đô lịch sử và các khu vực liền kề. Theo quy hoạch, khu vực nội đô lịch sử thực hiện bảo tồn, tôn tạo, chỉnh trang các khu vực phố cổ, phố cũ có giá trị kiến trúc để kiến tạo không gian phục vụ phát triển văn hóa, du lịch và kinh tế ban đêm. Trong lần điều chỉnh này, các đô thị đều được xác định lại quy mô nhằm thích ứng với gia tăng dân số và phân bố dân số phù hợp với thực tiễn. Đây là mô hình tạo nên mạng lưới đa trung tâm, đa cực, tạo cơ hội hình thành các trung tâm vùng, quốc gia và khu vực, là động lực để phát triển Thủ đô, đồng thời hạn chế phát triển lan tỏa tự phát.
Khu vực nội đô hiện hữu ngoài khu vực bảo tồn thực hiện cải tạo, tái thiết các khu chung cư cũ, khu nhà ở không bảo đảm an toàn thành các khu đô thị văn minh, hiện đại thông qua mô hình phát triển đô thị theo định hướng giao thông TOD (mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng), mô hình điều chỉnh đất đai… Khu vực đô thị trung tâm mở rộng hình thành các đô thị mới theo mô hình TOD kết hợp phát triển các mô hình đô thị 15 phút; phát triển đô thị sinh thái, chú trọng không gian công cộng, công viên cây xanh, mặt nước, hạn chế mô hình nhà phân lô thấp tầng.
Theo TS. KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội quy hoạch Phát triển đô thị Việt Nam, cùng với Quy hoạch chung và Luật Thủ đô mới được xác lập chính là cơ sở quan trọng để chính quyền Thủ đô xây dựng cơ chế ưu đãi mang tính đặc thù nhằm phát huy cũng như bảo tồn những giá trị truyền thống của Hà Nội.
Đô thị chức năng đặc thù
Với phương án tổ chức hoạt động kinh tế - xã hội được vận hành theo mô hình: 5 không gian phát triển - 5 hành lang và vành đai kinh tế - 5 trục động lực phát triển - 5 vùng kinh tế, xã hội - 5 vùng đô thị, các hành lang, vành đai kinh tế Thủ đô được hình thành trên cơ sở các tuyến hành lang kinh tế được xác định trong Quy hoạch tổng thể quốc gia. Năm trục động lực gồm trục sông Hồng; Trục Hồ Tây - Cổ Loa; Nhật Tân - Nội Bài; Hồ Tây - Ba Vì và trục phía Nam. 5 vùng kinh tế xã hội là vùng trung tâm, gồm khu vực nội đô lịch sử; Khu vực đô thị trung tâm và đô thị trung tâm mở rộng tại phía Nam sông Hồng, vùng phía Đông, vùng phía Nam, vùng phía Tây và vùng phía Bắc. Năm vùng đô thị được phát triển gồm: Vùng đô thị trung tâm, vùng thành phố phía Tây, vùng thành phố phía Bắc, vùng đô thị phía Nam và vùng đô thị Sơn Tây Ba Vì.
Đặc biệt, theo Quy hoạch chung, Thủ đô Hà Nội sẽ nghiên cứu để hình thành mô hình thành phố trong Thủ đô nhằm tạo các cực tăng trưởng, động lực phát triển mới, thúc đẩy sự phát triển lan tỏa và hài hòa giữa đô thị và nông thôn, tạo lập thể chế đặc thù để khai thác tiềm năng, lợi thế riêng có tại mỗi khu vực. Mô hình này bao gồm cả khu vực đô thị và nông thôn được quản lý phát triển theo các tiêu chuẩn, quy chuẩn đặc thù của đô thị Hà Nội.
Thành phố phía tây bao gồm vùng Hòa Lạc, Xuân Mai, là đô thị khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao của quốc gia gắn với Khu công nghệ cao Hòa Lạc. Ở đây sẽ phát triển các đô thị sinh thái, hiện đại có các dịch vụ công cộng đồng bộ, chất lượng cao, tạo môi trường hấp dẫn, thu hút các chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu đến sinh sống, làm việc.
Khu vực nông thôn được tổ chức theo ba mô hình tiêu biểu, gồm mô hình truyền thống, không nằm trong vùng đô thị hóa; mô hình nông thôn nằm trong vùng đô thị hóa và mô hình nông thôn làng cổ, làng nghề.
Khi được đặt trong mô hình thành phố, sự phát triển yêu cầu phải có sự kết nối chặt chẽ giữa hạ tầng và các cơ chế quản lý không gian kiến trúc giữa các điểm đô thị và khu vực nông thôn. Như vậy, khu nông thôn của Hà Nội nằm trong thành phố không theo tiêu chuẩn nông thôn như ở những vùng khác, mà khu vực này cần tuân theo tiêu chuẩn đô thị. Điều này sẽ tạo ra việc làm và các nguồn sinh kế cho người dân tại chỗ, theo mô hình của những người dân nông thôn.
Để thực hiện được các định hướng nêu ra tại đồ án quy hoạch, Luật Thủ đô sửa đổi cũng đã có những đề xuất chính sách đặc thù liên quan. Song để sớm trở thành hiện thực, cần sớm cụ thể hóa bằng các hướng dẫn triển khai và quyết liệt hơn trong tổ chức thực hiện.