Ngân vang đôi bờ ví, giặm

Mang theo hồi ức của cha ông, tôi tìm về những làng quê ví, giặm xứ Nghệ - Tĩnh, để lắng nghe và cảm nhận không gian đời sống văn hóa xưa - nay trên 2 miền quê hương đôi bờ sông Lam (Hà Tĩnh - Nghệ An).

 Tái hiện không gian diễn xướng xưa là một trong những việc làm của các CLB dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh nhằm bảo tồn di sản. Ảnh Đậu Hà.

Tái hiện không gian diễn xướng xưa là một trong những việc làm của các CLB dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh nhằm bảo tồn di sản. Ảnh Đậu Hà.

Một thuở vàng son…

Trong chộn rộn của những ngày Hà Tĩnh và Nghệ An chuẩn bị Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản”, tôi trở về những miền quê ví, giặm nổi tiếng một thời để lắng nghe những dư âm “vàng son một thuở”.

Nằm bên dòng sông Minh, một nhánh của sông Nghèn, làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) nổi danh là làng khoa bảng, sản sinh ra nhiều nhân tài cho đất nước thì đây cũng được xem là cái nôi của dân ca ví, giặm. Trong đó, hát ví phường vải Trường Lưu nức tiếng cả xứ Nghệ bởi những câu hát đầy trí tuệ, dí dỏm và những nghệ nhân tài danh.

 Đường vào làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) ngày nay.

Đường vào làng cổ Trường Lưu (xã Kim Song Trường, Can Lộc) ngày nay.

Hát ví phường vải Trường Lưu thịnh hành ở thế kỷ XVIII, XIX cho đến đầu thế kỷ XX. Trong đó, phát triển rực rỡ nhất là giai đoạn có sự tham gia của các bậc nho sĩ, trí thức. Nổi tiếng nhất và để lại nhiều cảm xúc, nhiều giai thoại nổi tiếng nhất là khoảng thời gian có sự tham gia của Đại thi hào Nguyễn Du cùng trai phường nón Tiên Điền (Nghi Xuân). Chính sự tham gia của đội ngũ nho sĩ, trí thức mọi miền đã làm nên không gian văn hóa ví, giặm đặc sắc của làng cổ bên dòng sông Minh.

Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Thị Hà - Chủ nhiệm CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường cho biết: “Ký ức tuổi thơ tôi vẫn ghi nhớ rất rõ hình ảnh những đêm trăng, làng vào vụ thu hoạch bông, bên xa quay sợi, người làng tôi vẫn tổ chức những buổi hát ví thâu đêm. Có lẽ vì thế mà ở làng tôi không mấy người không biết hát dân ca ví, giặm. Đi qua thăng trầm thời gian, những câu hát cổ vẫn âm thầm chảy giữa đời sống như một mạch ngầm bền bỉ, nuôi dưỡng cốt cách, tâm hồn người dân quê tôi. Giờ đây, tuy ví, giặm tồn tại trong đời sống ở những hình thức khác nhưng đội ngũ nghệ nhân luôn nâng cao ý thức trách nhiệm gìn giữ, phát huy những giá trị tốt đẹp, những đặc trưng riêng mà cha ông bao đời đã tạo nên”.

 CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường tập luyện bên sân Đình làng Trường Lưu.

CLB Dân ca ví, giặm xã Kim Song Trường tập luyện bên sân Đình làng Trường Lưu.

Men theo những tích xưa chuyện cũ, tôi trở lại làng Đan Du (Kẻ Dua) xưa, nay là các thôn Liên Miệu, Hòa Bình, Đan Trung (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh). Dẫu dáng dấp của những bờ tre gốc rạ, nơi các phường, hội hát ví một thời không còn nữa nhưng trong tôi vẫn dâng đầy những câu ví ngân nga thuở nào. Ấy là khi gặp lại câu chuyện, lời hát của các ông bà, các o trong tổ làm nón tại đây.

Ông Võ Xuân Trửa (SN 1950) - Chi hội trưởng Chi hội Người cao tuổi thôn Liên Miệu cho biết: “Làng Đan Du quê tôi có lịch sử hình thành từ hàng trăm năm trước với những nghề thủ công khá nổi tiếng, trở thành không gian diễn xướng của các màn đối đáp dân ca ví, giặm như làm nón, dệt vải… Ông bà tôi kể lại, cách đây hơn 100 năm, làng tôi có nhiều đội ví, phường ví. Trong đó, có o Nhẫn, người con gái tài danh nổi tiếng khắp xứ Nghệ với khả năng đối ví sắc bén lừng lẫy, khiến bao tao nhân, mặc khách mọi miền tìm đến thử tài”.

 Các bà, các o là thành viên tổ làm nón Đan Du ở thôn Liên Miệu (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) cùng ôn lại những câu ví o Nhẫn.

Các bà, các o là thành viên tổ làm nón Đan Du ở thôn Liên Miệu (xã Kỳ Thư, huyện Kỳ Anh) cùng ôn lại những câu ví o Nhẫn.

Cùng với làng Đan Du, Trường Lưu, Hà Tĩnh còn có những làng quê ví, giặm nổi tiếng, vang bóng một thời. Trong đó, phải kể đến như: làng Tiên Điền (Nghi Xuân), làng Kẻ Lù - Phù Lưu Thượng (nay là xã Hồng Lộc, Lộc Hà), làng Hương Nao (nay thuộc xã Tân Lâm Hương, Thạch Hà)… với ví phường nón, phường chè, phường củi, ví chợ Lù…

Ở bờ Bắc sông Lam (Nghệ An), câu ví, giặm ông cha cũng vọng về từ những làng quê cổ. Theo các tư liệu, Nghệ An có rất nhiều làng quê ví, giặm nổi tiếng như: làng Hoàng Trù, làng Sen (Kim Liên, Nam Đàn); làng Đại Định, Cẩm Thái (Thanh Văn, Thanh Chương); các địa phương như: Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên… đều có những làng có phường ví, giặm nổi tiếng.

Sông Lam với sự bồi đắp phù sa đã tạo nên những làng quê trù phú, thuận lợi cho nhiều nghề nông như: trồng dâu, nuôi tằm dệt lụa, nghề đan, nghề làm nón… phát triển. Từ đó mà hình thành nên các phường ví, giặm như: ví phường vải, ví phường nón, ví đò đưa…

 CLB Dân ca ví, giặm xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) biểu diễn tại Liên hoan Dân ca ví, giặm tỉnh Nghệ An năm 2023.

CLB Dân ca ví, giặm xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) biểu diễn tại Liên hoan Dân ca ví, giặm tỉnh Nghệ An năm 2023.

Ông Trần Đình Mười (72 tuổi), thành viên CLB Dân ca ví, giặm xã Đại Đồng (huyện Thanh Chương) cho biết: “Xã Thanh Văn chúng tôi trước đây, nay là Đại Đồng vốn nổi tiếng là miền đất ví, giặm. Thế hệ trước kể lại, có những giai đoạn người dân trong làng hát ví suốt ngày, suốt năm: Vụ thu hoạch bông, hái dâu, chăn tằm, quay tơ… mỗi vụ mùa đều rộn ràng câu hát. Dù thế hệ chúng tôi sinh ra trong thời kỳ đất nước chiến tranh, các phường ví, giặm không còn hưng thịnh nhưng câu hát của ông cha, những giai thoại về hát ví ở làng vẫn còn được nhắc đến rất nhiều. Đó là niềm tự hào để chúng tôi kế tục, phát huy di sản văn hóa quê hương”.

Vang mãi đôi bờ…

Sau thời gian mai một, từ hơn 10 năm nay, với sự nỗ lực trong công tác bảo tồn của 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh, dân ca ví, giặm được UNESCO vinh danh là di sản phi vật thể đại diện của nhân loại, các làng quê ví, giặm một thời dần được hồi sinh.

 Các bạn trẻ xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) nghe các bậc cao niên ôn lại truyền thống ví giặm làng Đan Du.

Các bạn trẻ xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) nghe các bậc cao niên ôn lại truyền thống ví giặm làng Đan Du.

Ông Nguyễn Duy Thành - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Thư cho biết: “Thực hiện chủ trương của các cấp, ngành về bảo tồn di sản, nhiều năm qua, chúng tôi luôn nỗ lực trong sưu tầm các làn điệu ví, giặm, nhất là các lời ví của o Nhẫn. Trong đó, xã đã phối hợp xuất bản cuốn “Kẻ Dua - Đan Du - vùng quê ví, giặm”, đồng thời thành lập CLB Dân ca ví, giặm xã Kỳ Thư. Cùng với nỗ lực xây dựng NTM, hiện, 6/6 thôn của Kỳ Thư đều có đội văn nghệ dân ca ví, giặm. Năm 2022, xã đã tổ chức thành công Liên hoan Ví, giặm o Nhẫn lần thứ nhất. Hằng năm, vào tháng Giêng đều tổ chức chương trình giao lưu ví, giặm… Ngoài bảo tồn và phát huy làng quê ví, giặm, mục tiêu của xã còn là xây dựng ví o Nhẫn và phường nón Kỳ Thư thành sản phẩm du lịch cộng đồng trong tương lai”.

Cùng với Kỳ Thư, nhiều làng quê ví, giặm xưa cũng đã tập trung cho việc bảo tồn câu hát ông cha thông qua việc thành lập các CLB dân ca ví, giặm, khuyến khích người dân tham gia sinh hoạt. Đến nay, toàn tỉnh Hà Tĩnh đã thành lập được 209 CLB dân ca ví, giặm thuộc các xã, phường, thị trấn.

 Cùng với tổ chức các kỳ liên hoan các CLB dân ca ví, giặm, việc Hà Tĩnh cùng Nghệ An phối hợp tổ chức các chương trình Festival di sản là những hoạt động góp phần giúp di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lan tỏa trong đời sống. Ảnh: Lễ hội di sản tại Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 ở TP Vinh (Nghệ An).

Cùng với tổ chức các kỳ liên hoan các CLB dân ca ví, giặm, việc Hà Tĩnh cùng Nghệ An phối hợp tổ chức các chương trình Festival di sản là những hoạt động góp phần giúp di sản phi vật thể đại diện của nhân loại lan tỏa trong đời sống. Ảnh: Lễ hội di sản tại Festival dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh năm 2023 ở TP Vinh (Nghệ An).

Với Nghệ An, bên cạnh thành lập, duy trì hoạt động các CLB dân ca ví, giặm tại các địa phương, tỉnh cũng đã có nhiều chương trình hành động để phục hồi không gian diễn xướng, tái hiện lại không gian văn hóa của ví, giặm trên những làng quê xưa. Trong đó, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Đề án phát huy giá trị di sản dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh giai đoạn 2021-2025. Đề án tập trung khôi phục không gian diễn xướng, trò diễn xướng trên sông Lam, diễn xướng phường Vải ở Nam Đàn, phường Chài vùng đồng bằng ven biển Cửa Lò, Nghi Lộc…

 Một chương trình tái hiện không gian diễn xướng xưa tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh; Internet.

Một chương trình tái hiện không gian diễn xướng xưa tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh, Nghệ An). Ảnh; Internet.

Từ năm 2022, Trung tâm Nghệ thuật truyền thống tỉnh Nghệ An đã tổ chức nhiều không gian diễn xướng và giao lưu dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh tại Quảng trường Hồ Chí Minh (TP Vinh). Các chương trình đã tái hiện những hình ảnh làng quê xứ Nghệ như cây đa, bến nước, sân đình, khung cửi, xe tơ… Tham gia không gian diễn xướng là các đội ví gồm thành phần là các nghệ nhân, trí thức, sinh viên, người dân, du khách… có niềm yêu thích với dân ca ví, giặm. Tại đây, người tham gia trực tiếp ứng tác đối đáp ví, giặm theo những chủ đề đưa ra. Chương trình không chỉ tạo nên một sản phẩm du lịch mà còn giúp người dân hiểu được những giá trị cốt lõi, vẻ đẹp độc đáo, bản sắc của di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Ví, giặm là thổ sản của người xứ Nghệ, hình thành và phát triển trong đời sống lao động, sản xuất từ hàng trăm năm nay. Việc nỗ lực bảo tồn và lan tỏa ví, giặm trong đời sống của các cấp, ngành 2 tỉnh Nghệ An và Hà Tĩnh là cách để câu hát, di sản văn hóa ông cha ngân mãi trên mỗi làng quê đôi bờ sông Lam.

Video: Người dân xã Kỳ Thư (huyện Kỳ Anh) ôn lại những điệu ví o Nhẫn làng Đan Du xưa.

Thiên Vỹ

Nguồn Hà Tĩnh: https://baohatinh.vn/ngan-vang-doi-bo-vi-giam-post276162.html
Zalo