70 năm Ngày đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc (1954 - 2024): Tình người nơi đất Bắc

Trong số hàng vạn đồng bào tập kết, có không ít người đã ở lại sinh sống, lập gia đình tại Thanh Hóa và coi đây là quê hương thứ hai của mình

Năm nay 92 tuổi nhưng ông Trần Văn Ấm đã có 70 năm sống trên đất Bắc, trong đó ông gần như gắn trọn đời mình với mảnh đất Thanh Hóa. Dù quê hương Quảng Nam vẫn luôn trong tim nhưng với ông, Thanh Hóa cũng là máu thịt khi gia đình, vợ con nay đều sinh sống ở đất này.

Ngày Bắc, đêm Nam

"Những ngày đầu mới ra Bắc, không đêm nào tôi nguôi nhớ quê nhà. Nhiều lúc nhớ bố mẹ, anh chị em lúc tiễn mình lên đường, nước mắt cứ trào ra. Ngày làm việc còn đỡ nhớ, đêm về nỗi nhớ cứ trào dâng. Bởi vậy, anh em chúng tôi thường có câu "ngày Bắc, đêm Nam" là vậy" - ông Ấm trải lòng.

Nỗi nhớ quê như phần nào được khỏa lấp khi tại nơi công tác ông Ấm quen biết và nên duyên vợ chồng với bà Xuân (quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An), rồi lần lượt có với nhau 5 người con (1 trai, 4 gái).

"Sau khi lấy vợ, gia đình tôi về Nông trường Bãi Trành làm việc. Thời bấy giờ, vùng đất này toàn rừng núi, cuộc sống rất khó khăn nhưng chúng tôi luôn nhận được nhiều tình cảm yêu thương, sẻ chia, đùm bọc của bà con nơi đây. Tình làng nghĩa xóm, tình cảm đồng chí, đồng đội luôn keo sơn, mật thiết" - ông Ấm kể.

Ông Trần Văn Ấm bên con gái cả Trần Thị Thanh hiện sinh sống tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Ông Trần Văn Ấm bên con gái cả Trần Thị Thanh hiện sinh sống tại xã Xuân Bình, huyện Như Xuân, tỉnh Thanh Hóa

Dẫu vậy, khi nhắc về quê nhà, ông vẫn trầm ngâm, khóe mắt rớm lệ. Ông bảo thời đó đất nước còn khó khăn, thông tin liên lạc không thuận lợi, vì thế khi mẹ và anh trai mất, ông cũng không biết để về chịu tang. "Sau ngày đất nước thống nhất, Quảng Nam có mời tôi về quê công tác. Khi đó, vợ chồng tôi đã sinh được 3 người con. Vì nhiều lý do và nặng nợ với mảnh đất này, tôi đã quyết định ở lại. Hằng năm, tôi vẫn cùng các con về thăm quê, hương khói cho tổ tiên để nhắc nhở con cháu nối mạch tình cảm cội nguồn" - ông Ấm chia sẻ.

Ông Hoàng Bá Nghiên (96 tuổi; quê gốc xã Điện Ngọc, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) sau khi tập kết ra Bắc cũng ở lại gắn bó với mảnh đất Thanh Hóa. Hiện ông đang sinh sống tại thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa.

Ông Nghiên tham gia cách mạng chống Pháp từ rất sớm. Tháng 10-1954, ông cùng đồng đội từ Quảng Nam, theo tàu thủy của Ba Lan ra Bắc và đóng quân tại phà Ghép, huyện Tĩnh Gia (nay là thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa). Tại Thanh Hóa, trong lúc làm nhiệm vụ, ông bị thương nhiều lần và theo đoàn an dưỡng về đóng quân tại huyện Hoằng Hóa.

Ông Hoàng Bá Nghiên sau khi đi khắp nơi đã quay về Thanh Hóa sinh sống cùng vợ con

Ông Hoàng Bá Nghiên sau khi đi khắp nơi đã quay về Thanh Hóa sinh sống cùng vợ con

Trên miền đất Hoằng Hóa, ông gặp và nên duyên với bà Lê Thị Tụng (thôn Tế Độ, xã Hoằng Phúc; nay là thị trấn Bút Sơn, huyện Hoằng Hóa) và có với nhau 5 người con (2 trai, 3 gái).

"Sau thời gian an dưỡng, sức khỏe ổn định, tôi chuyển về công tác tại Ban Nông nghiệp tỉnh Thanh Hóa. Tới năm 1968, theo yêu cầu của tổ chức, tôi trở lại chiến trường tham gia đánh Mỹ. Sau ngày miền Nam giải phóng, tôi tiếp tục tham gia nghĩa vụ quốc tế tại Campuchia" - ông Nghiên kể.

Năm 1982, ông Nghiên rời chiến trường, trở về Quảng Nam công tác, lúc về hưu ông quyết định trở lại Thanh Hóa để gần gia đình, vợ con. "Quảng Nam là nơi "chôn nhau cắt rốn", còn Hoằng Hóa là nơi nuôi dưỡng, hun đúc tôi nên người, là nơi có vợ con và những người thân thương gắn bó máu thịt nên tôi quyết định trở lại Thanh Hóa sống những năm tháng cuối đời" - ông Nghiên tâm sự.

Thủy chung, son sắt

Không chỉ ở lại gắn bó với mảnh đất xứ Thanh, những người con miền Nam tập kết ra Bắc còn cùng với người dân địa phương hăng say lao động sản xuất, tạo nên những vùng đất trù phú, rộn tiếng ca.

Đó là những vùng đất như Nông trường Thống Nhất (nay là thị trấn Thống Nhất, huyện Yên Định), Nông trường Lam Sơn (nay là xã Lam Sơn, huyện Ngọc Lặc), Nông trường Sông Âm (nay là xã Nguyệt Ấn, huyện Ngọc Lặc), Nông trường Yên Mỹ (nay là xã Yên Mỹ, huyện Nông Cống), Nông trường Bãi Trành (huyện Như Xuân), Lâm trường Phúc Do (xã Cẩm Tân, huyện Cẩm Thủy)…

Hình ảnh con tàu tập kết ra Bắc được xây dựng trên chính bến tàu năm xưa

Hình ảnh con tàu tập kết ra Bắc được xây dựng trên chính bến tàu năm xưa

Những nông trường, lâm trường này xưa kia đều là những vùng đất đầy gian khó nhưng nhờ bàn tay cần cù, chịu thương chịu khó của những người con hai miền Nam - Bắc mà ngày nay hình thành nên những nông trường, xóm làng trù phú, người dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Từ những mảnh đất này đã nở ra những bông hoa đẹp, sản sinh nhiều "hạt giống đỏ" ươm mầm cho phong trào cách mạng miền Nam, nhiều người sau này làm lãnh đạo các bộ, ban, ngành của trung ương, của các địa phương, nhiều nhà khoa học, văn nghệ sĩ, doanh nhân thành đạt... tô thắm thêm tình nghĩa keo sơn giữa hai miền.

Để lưu lại cho các thế hệ mai sau về một thời hào hùng của lịch sử dân tộc, tình đoàn kết Bắc - Nam thủy chung, son sắt và cũng để giáo dục truyền thống cách mạng, đáp ứng lòng mong mỏi của những người con phương Nam luôn hướng về tình người, tình đất miền Bắc năm xưa, ngày 28-8-2022, Ban Liên lạc đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc phối hợp với Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa triển khai xây dựng Dự án Khu Lưu niệm đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.

Khu lưu niệm được xây dựng ngay tại chính bến tàu tập kết năm xưa, gồm 3 phân khu, trong đó khu A khoảng 13.600 m2 là trung tâm với tượng đài hình con tàu và bức phù điêu lớn hình cánh cung. Công trình này sẽ khánh thành vào hôm nay, 27-10-2024, nhằm đúng ngày kỷ niệm 70 năm đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Hướng tới lễ kỷ niệm này, bắt đầu từ tháng 9-2024, tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức nhiều sự kiện, hoạt động, như cầu truyền hình kỷ niệm 70 năm Hiệp định Genève (1954 - 2024); hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu sắc nghĩa tình".

Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Thanh Hóa Lại Thế Nguyên khẳng định: Lễ kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc nhằm ôn lại 70 năm thắm đượm nghĩa tình của cán bộ và nhân dân hai miền Nam - Bắc; khẳng định niềm vinh dự và tự hào của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Thanh Hóa - nơi được Đảng, Bác Hồ tin tưởng lựa chọn là địa điểm đón tiếp, chăm sóc, nuôi dưỡng đồng bào miền Nam. Thông qua đó để tuyên truyền, giáo dục cho cán bộ, đảng viên và nhân dân Thanh Hóa về lòng yêu nước, lòng biết ơn các thế hệ cha anh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Bài học quý báu về sức mạnh đoàn kết

Tại hội thảo khoa học "Thanh Hóa với đồng bào, cán bộ, chiến sĩ và học sinh miền Nam tập kết ra Bắc - 70 năm sâu nặng nghĩa tình" do Tỉnh ủy Thanh Hóa tổ chức ngày 2-10, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định đây là hội thảo có ý nghĩa quan trọng trong chuỗi các hoạt động kỷ niệm 70 năm đón tiếp đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc; là dịp khẳng định những tình cảm sâu nặng của Đảng bộ, chính quyền, nhân dân tỉnh Thanh Hóa và nhân dân miền Bắc đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc.

Theo ông Nguyễn Trọng Nghĩa, 70 năm đã trôi qua nhưng tình cảm và trách nhiệm của nhân dân miền Bắc, trong đó có nhân dân tỉnh Thanh Hóa, đối với đồng bào miền Nam tập kết ra Bắc mãi mãi khắc ghi trong lịch sử dân tộc ta, khẳng định chân lý "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một"; là biểu tượng sinh động về nghĩa tình đồng bào, đồng chí yêu thương, đùm bọc lẫn nhau, sẵn sàng chia sẻ mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là bài học kinh nghiệm quý báu về sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 26-10

Bài và ảnh: Thanh Tuấn

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/70-nam-ngay-dong-bao-mien-nam-tap-ket-ra-bac-1954-2024-tinh-nguoi-noi-dat-bac-19624102619424686.htm
Zalo