Phân biệt các loại khoai phổ biến tại Việt Nam

Ngoài khoai tây, khoai lang quá quen thuộc, Việt Nam còn nhiều loại khoai khác nữa mà có thể nhiều bạn trẻ không biết cách nhận diện, phân biệt.

Khoai là nguồn lương thực quan trọng, mỗi loại có đặc điểm, hương vị đặc trưng, phù hợp với các công thức chế biến và khẩu vị khác nhau. Sự đa dạng này không chỉ làm phong phú thêm nền ẩm thực Việt mà còn đa dạng hóa nguồn dinh dưỡng.

Phân biệt các loại khoai phổ biến

Ngoài khoai lang và khoai tây, nhiều loại củ khác cũng được người Việt gọi là khoai. Chúng là loại thực phẩm cung cấp lượng tinh bột dồi dào, đồng thời chứa nhiều vi chất dinh dưỡng quý giá, là nguyên liệu cho nhiều món ăn ngon.

Khoai lang

Khoai lang có lớp vỏ mỏng với nhiều màu sắc khác nhau như tím, vàng, đỏ, hoặc trắng. Màu sắc ruột khoai cũng rất phong phú, mọi người thường dựa vào đó để đặt tên giống khoai như khoai lang trắng, khoai lang vàng, khoai lang tím.

Khoai lang thường có vị ngọt bùi, mềm, và thơm. Loại củ này chứa nhiều chất dinh dưỡng như vitamin A, C, và chất chống ôxy hóa. Khoai lang có thể được nướng, luộc, chiên, hầm hoặc dùng làm bánh.

Khoai lang có nhiều loại với màu sắc khác nhau. (Ảnh: Washington Post)

Khoai lang có nhiều loại với màu sắc khác nhau. (Ảnh: Washington Post)

Khoai tây

Khoai tây có lớp vỏ mỏng, trơn, thịt màu vàng hoặc trắng, tùy loại; kích thước củ đa dạng, có thể rất nhỏ hoặc rất lớn. Khoai tây có vị bùi, ít ngọt hơn so với khoai lang.

Khoai tây là nguồn cung cấp tinh bột dồi dào và nhiều vitamin C, vitamin B6. Ứng dụng của nó cực kỳ rộng, ngoài chiên, nướng, luộc thì còn được dùng làm món súp, hầm, nghiền, salad, chế biến mỳ, bánh...

Khoai tây là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Allrecipes)

Khoai tây là thực phẩm quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày. (Ảnh: Allrecipes)

Khoai môn

Củ khoai môn có kích thức lớn, vỏ màu nâu, có nhiều đường vân ngang. Dựa vào đặc điểm phần ruột, có thể thấy khoai môn cũng có rất nhiều loại như khoai môn tím, khoai môn trắng, khoai môn sáp vàng.

Khoai môn thường được sử dụng để nấu canh, hầm hoặc làm bánh. Khi nấu lên, khoai môn mềm mịn và có vị bùi bùi. Loại củ này cung cấp nhiều chất xơ, vitamin A, vitamin C, vitamin E, vitamin B6, folate và các khoáng chất như magiê, sắt, kẽm, phốt pho, kali.

Khoai môn có kích thước lớn, quanh vỏ có nhiều đường vân ngang. (Ảnh: Destined247)

Khoai môn có kích thước lớn, quanh vỏ có nhiều đường vân ngang. (Ảnh: Destined247)

Khoai sọ

Khoai sọ có kích thước nhỏ, hình bầu dục hoặc tròn, vỏ mỏng với nhiều vân nâu đen bên ngoài. Thịt bên trong có màu trắng ngà hoặc trắng xanh. Khoai sọ dẻo, có vị bùi, béo và thơm nhẹ đặc trưng. Nó thường được dùng để nấu canh, hầm với thịt hoặc làm bánh khoai.

Ngoài hàm lượng lớn xơ và tinh bột, khoai sọ còn giàu canxi, sắt, mangan, vitamin C, vitamin E…

Khoai sọ thường được dùng để nấu canh hoặc luộc. (Ảnh: Mountain Farmers)

Khoai sọ thường được dùng để nấu canh hoặc luộc. (Ảnh: Mountain Farmers)

Khoai mỡ

Khoai mỡ có vỏ màu nâu đen, thịt bên trong màu tím nhạt hoặc trắng. Kết cấu của khoai mỡ thường giòn và mềm mịn. Nó có vị ngậy, béo và hơi dẻo, thường không ngọt bằng khoai lang.

Khoai mỡ thường được nấu canh hoặc hầm với thịt, có thể dùng cho món xào hoặc chiên. Loại thực phẩm này cung cấp nhiều natri, kali, vitamin C...

Khoai mỡ có giá trị dinh dưỡng cao. (Ảnh: Vinmec)

Khoai mỡ có giá trị dinh dưỡng cao. (Ảnh: Vinmec)

Khoai từ (củ từ)

Củ khoai từ có dáng dài, vỏ sần sùi, nhiều lông, phần thịt trắng mịn hơi ngà. Loại củ này có vị ngọt nhẹ, thơm, dẻo, thành phần dinh dưỡng gồm rất nhiều khoáng chất và vitamin thiết yếu rất cần con người như: Vitamin C, vitamin B5, magie, mangan, kali, thiamine, folate...

Khoai từ thường được dùng trong món canh, súp hoặc luộc, nướng, tùy theo sở thích.

Khoai từ. (Ảnh: Pinterest)

Khoai từ. (Ảnh: Pinterest)

Khoai mỳ (củ sắn)

Khoai mỳ có thân dài, vỏ màu nâu thô ráp, ruột trắng. Cách chế biến đơn giản nhất là luộc chấm đường hoặc hấp với nước cốt dừa. Khoai mỳ cũng được dùng nấu xôi, chè, làm bánh hay xử lý thành bột dùng cho nhiều món ăn khác.

Khoai mì là loại củ quen thuộc với người Việt. (Ảnh: Shutterstock)

Khoai mì là loại củ quen thuộc với người Việt. (Ảnh: Shutterstock)

Khoai đao (củ dong riềng)

Khoai đao thường được gọi là dong riềng vì có hình dáng giống củ giềng nhưng kích thước lớn hơn. Vỏ khoai màu đỏ tía, phần ruột có màu trắng. Khoai đao có hàm lượng chất xơ lớn nên rất tốt cho hệ tiêu hóa, giúp cải thiện tình trạng táo bón. Nó cung cấp ít calo nên cũng có lợi cho người muốn giảm cân.

Các chất dinh dưỡng khác trong loại củ này gồm vitamin B9, phốt pho kali, sắt...

Củ dong riềng là nguyên liệu để sản xuất miến dong. (Ảnh: Vnras)

Củ dong riềng là nguyên liệu để sản xuất miến dong. (Ảnh: Vnras)

Khoai dong trắng (củ dong)

Củ khoai dong trắng thon dài, màu ngà vàng, phần thịt màu trắng và nhiều xơ. Nó có vị ngọt, thanh mát, thường được luộc ăn trực tiếp và sản xuất miến dong.

Củ dong có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: Pinterest)

Củ dong có nhiều lợi ích cho sức khỏe. (Ảnh: Pinterest)

Khoai sâm (củ sâm đất)

Khoai sâm, đặc sản nổi tiếng của Lào Cai, có hình dáng khá giống với khoai lang, ruột màu vàng nhạt hoặc màu trắng. Đây là loại củ nhiều nước, lượng tinh bột ít hơn các loại khoai khác, ăn sống sẽ có vị ngọt mát, luộc lên cũng ngọt ngào, dễ ăn. Khoai sâm có nhiều lợi ích cho sức khỏe như hỗ trợ hệ tiêu hóa, điều trị các bệnh về tim mạch, tiểu đường...

Củ sâm đất có hình dạng giống củ khoai lang. (Ảnh: Pinterest)

Củ sâm đất có hình dạng giống củ khoai lang. (Ảnh: Pinterest)

Nhật Thùy

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/phan-biet-cac-loai-khoai-pho-bien-tai-viet-nam-ar903814.html
Zalo