Ngân hàng Việt tăng trưởng bứt phá: Còn thiếu gì để vươn tầm khu vực?

Những năm qua, ngân hàng Việt Nam tăng trưởng ấn tượng, nhiều nhà băng vươn tầm quốc tế. Tuy nhiên, bài toán chiến lược dài hạn vẫn thách thức. Trong kỷ nguyên số, mô hình hệ sinh thái không chỉ là cơ hội mà còn là hướng đi tất yếu để bứt phá.

Trong thập kỷ qua, dù không có ngân hàng mới, hệ thống ngân hàng Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh mẽ. Theo Ngân hàng Nhà nước, đến 9/2024, tổng tài sản ngành đạt hơn 21,4 triệu tỷ đồng (khoảng 839 tỷ USD), tăng hơn 3 lần trong 10 năm. Một số ngân hàng tư nhân như Techcombank, VPBank thậm chí tăng 5 - 6 lần.

Nhiều ngân hàng tham vọng vươn tầm quốc tế

Theo The AsianBanker, năm 2024, có 7 ngân hàng Việt lọt Top 500 ngân hàng lớn nhất thế giới. Ngoài nhóm ngân hàng có vốn chi phối bởi Nhà nước, 2 ngân hàng tư nhân lọt top cũng là Techcombank (thứ hạng 468) và VPBank (thứ hạng 481).

Nhiều ngân hàng Việt cũng đã nhen nhóm tham vọng vươn ra biển lớn, lọt top khu vực, thế giới. Chẳng hạn như Vietcombank đề ra đến năm 2025 và tầm nhìn đến năm 2030 là một trong 100 ngân hàng lớn nhất khu vực châu Á. Techcombank đặt mục tiêu vốn hóa 20 tỷ USD, nằm trong Top 10 ngân hàng tại Đông Nam Á. Trong khi đó, VPBank xác định chiến lược phát triển 5 năm (2022 - 2026) trở thành ngân hàng có vị trí vững chắc trong Top 3 ngân hàng lớn nhất Việt Nam và đạt quy mô thuộc Top 100 ngân hàng lớn nhất châu Á.

Tuy nhiên, xét riêng trong khu vực Đông Nam Á, chưa có ngân hàng Việt nào lọt Top 10 trong bảng xếp hạng tổng tài sản, lợi nhuận và còn cách vị trí khá xa so với các ngân hàng Singapore, Malaysia, Indonesia, Thái Lan. Dù điểm đáng mừng là tỷ lệ sinh lời như ROA, ROE của nhiều ngân hàng Việt thuộc nhóm cao vượt trội.

Mô hình hệ sinh thái mở ra tương lai mới cho ngân hàng Việt

Trở lại với bảng xếp hạng của The Asian Banker, những ngân hàng lớn nhất khu vực Đông Nam Á có thể kể đến như DBS (Singapore), UOB (Singapore), CIMB Group (Malaysia), Maybank (Malaysia)… Điểm chung của họ là sự hiện diện rộng lớn tại nhiều thị trường trọng điểm trên toàn cầu, đặc biệt nhiều ngân hàng đẩy mạnh mô hình hệ sinh thái, hợp tác phát triển với các doanh nghiệp lớn trên nhiều lĩnh vực.

Ngân hàng Việt đã có sự trở mình ấn tượng trong thập kỷ qua nhờ vào việc tập trung mảng "ngân hàng thương mại", đặc biệt là hoạt động cho vay. Các sản phẩm tín dụng, từ vay tiêu dùng, vay mua nhà, đến vay sản xuất kinh doanh, chiếm tỷ trọng lớn trong cơ cấu doanh thu của các ngân hàng. Mô hình này giúp các ngân hàng mở rộng nền tảng khách hàng và duy trì nguồn thu ổn định từ lãi suất.

Trong tương lai, khi hướng đến quy mô lớn hơn, đặc biệt là xứng tầm khu vực và thế giới thì mô hình kinh doanh của các ngân hàng Việt phải có sự thay đổi. Đó có thể là đa dạng hóa nguồn thu, thúc đẩy mảng “ngân hàng đầu tư”, phát triển mô hình hệ sinh thái có sự hợp tác hiệu quả với những tập đoàn lớn khác.

Mảng ngân hàng đầu tư đóng vai trò quan trọng trong nâng cao năng lực cạnh tranh quốc tế, mở ra cơ hội cho các ngân hàng Việt với các dịch vụ như bảo lãnh phát hành, M&A, quản lý gia sản, tư vấn trái phiếu, bảo hiểm… Các công ty quản lý quỹ như MBS (MB) hay Techcom Capital (Techcombank) đã góp phần lớn vào sự phát triển của ngân hàng mẹ. Tính đến 31/10/2024, Techcom Capital quản lý 10 quỹ đầu tư với tổng tài sản hơn 14.000 tỷ đồng.

Tăng trưởng hàng lần trong thập kỷ qua, các ngân hàng Việt thiếu điều gì để lọt Top khu vực?

Tăng trưởng hàng lần trong thập kỷ qua, các ngân hàng Việt thiếu điều gì để lọt Top khu vực?

Các ngân hàng có thể đổi mới mô hình cho vay để tăng trưởng bền vững, như hợp tác với doanh nghiệp bất động sản để cung cấp giải pháp vay mua nhà tích hợp. Điển hình là Techcombank hợp tác với Masterise và One Mount, giúp khách hàng mua nhà hưởng ưu đãi tài chính trọn gói, từ lãi suất vay thấp đến bảo hiểm tài sản. Nhờ tích hợp công nghệ và dữ liệu qua nền tảng OneHousing, giao dịch bất động sản trở nên nhanh chóng, thuận tiện.

Các ngân hàng hàng đầu khu vực và toàn cầu ngày nay đều phát triển theo mô hình hệ sinh thái tài chính. Tiêu biểu là DBS, ngân hàng tiên phong tại châu Á, kết hợp tài chính và phi tài chính. DBS hợp tác với PropNex, ERA Singapore để hỗ trợ vay mua nhà, liên kết với Shopify cung cấp dịch vụ tài chính cho doanh nghiệp trực tuyến. Trong mảng ngân hàng đầu tư, DBS Wealth Management quản lý hơn 275 tỷ USD (2023), cung cấp dịch vụ đẳng cấp cho khách hàng giàu có.

Tại Việt Nam, mô hình hệ sinh thái cũng đã hiện diện với những tên tuổi dẫn dắt như Vingroup, Techcombank, Sovico, Viettel, Doji, Thế giới di động… Những hệ sinh thái này được kỳ vọng sẽ góp phần thay đổi bức tranh tài chính ngân hàng ở Việt Nam - ngành được xem là huyết mạch của nền kinh tế.

Chưa bao giờ người dùng có yêu cầu về trải nghiệm liền mạch trên hàng loạt dịch vụ tài chính và phi tài chính như hiện nay. Với sự hỗ trợ của công nghệ và trí tuệ nhân tạo (AI), các ngân hàng sẽ không phải mất nhiều thời gian và chi phí như trước, trong khi khách hàng sẽ được hưởng lợi rõ rệt về giá cả nhờ sự hợp tác của các bên cung cấp.

Đối với ngân hàng, mô hình này mở ra cơ hội tăng trưởng doanh thu và thị trường nhanh hơn nhiều so với tự mình phát triển tất cả các dịch vụ, tiện ích cho khách hàng. Và hơn hết, sự tích hợp dữ liệu khách hàng trong hệ sinh thái cũng giúp ngân hàng hiểu sâu hơn về hành vi và nhu cầu của khách hàng, từ đó cải thiện trải nghiệm, nâng cao lòng trung thành và cá nhân hóa sản phẩm.

Bích Ngọc

Nguồn DNSG: https://doanhnhansaigon.vn/ngan-hang-viet-tang-truong-but-pha-con-thieu-gi-de-vuon-tam-khu-vuc-316236.html
Zalo