Ngân hàng tăng lãi suất tháng cuối năm, áp lực năm 2025

Tháng cuối năm, hàng loạt ngân hàng điều chỉnh tăng lãi suất huy động nhằm hút tiền gửi, mức tăng phổ biến từ 0,1-1%. Lãi suất ngân hàng từ 8% được niêm yết tại nhiều ngân hàng.

Cuộc “đua” tăng lãi suất hút vốn

Các ngân hàng tăng lãi suất dịp cuối năm như Agribank, MB, VPBank, TPBank, Techcombank, VIB, MSB, Eximbank, SeABank, CBBank KienlongBank, IVB, và LPBank...

Các ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 12. Ảnh minh họa

Các ngân hàng tăng lãi suất trong tháng 12. Ảnh minh họa

Cụ thể, Agribank tăng lãi suất ở mức 0,5-1%/năm với các kỳ hạn ngắn dưới 12 tháng, đặc biệt trên kênh online. Với kỳ hạn trên 12 tháng, mức tăng lãi suất ở mức 0,1-0,2%/năm. MB tăng từ 0,3-0,4%/năm, Eximbank tăng 0,4-0,6%/năm, SeABank tăng 0,3-0,5%/năm, VPBank tăng 0,2%/năm tất cả kỳ hạn, VIB tăng 0,1-0,4%/năm…

Trước đó, một loạt các ngân hàng tăng lãi suất tiết kiệm gồm cả OCB, ABBank, BVBank… Trong số này, GPBank đang dẫn đầu với mức lãi suất 6,15%/năm cho kỳ hạn 18 tháng, tiếp theo là Dong A Bank và MSB với 6,1%/năm. ABBank và CB đồng loạt niêm yết mức lãi suất 6%/năm ở kỳ hạn 12 tháng. Theo các chuyên gia, tãi suất tiết kiệm liên tục được điều chỉnh tăng tại nhiều ngân hàng phản ánh nhu cầu vốn tăng cao nhằm phục vụ sản xuất và tiêu dùng trong giai đoạn cuối năm.

Trên thị trường, lãi suất đặc biệt đang được các ngân hàng áp dụng nhằm thu hút khách hàng lớn. PVcomBank hiện niêm yết mức lãi suất cao nhất, lên đến 9,5%/năm, áp dụng cho khách hàng gửi tiền từ 2.000 tỷ đồng trở lên. HDBank đưa ra mức 8,1%/năm cho kỳ hạn 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.

Ngoài ra, các mức từ 7-8%/năm cũng được niêm yết tại nhiều ngân hàng. Dong A Bank và MSB triển khai lãi suất đặc biệt lần lượt là 7,5%/năm và 7%/năm cho các khách hàng đáp ứng yêu cầu về kỳ hạn và số tiền gửi lớn… cho thấy sự cạnh tranh gay gắt trong nhóm ngân hàng thương mại cổ phần.

Dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiết kiệm có thể tăng nhẹ thêm, tùy thuộc vào kỳ hạn và chiến lược của từng ngân hàng. Theo số liệu mới nhất được NHNN công bố, đến ngày 13/12, tín dụng toàn nền kinh tế tăng khoảng 12,5% so với cuối năm 2023, cao hơn so với thống kê cuối tháng 11/2024 là 11,9%. Mức này cũng cao hơn so với mức tăng trên 9% cùng kỳ năm 2024. Do đó, các ngân hàng đã điều chỉnh lãi suất huy động, nhằm thu hẹp khoảng cách giữa số dư tiền gửi và dư nợ tín dụng. Chưa kể, một số ngân hàng đang gặp áp lực thanh khoản do tỷ lệ LDR (cho vay trên huy động) ở mức cao, buộc các nhà băng phải tăng cường huy động vốn để duy trì các chỉ số an toàn tài chính.

Năm 2025, nỗ lực giữ ổn định lãi suất

Các chuyên gia dự báo, tín dụng sẽ tăng mạnh vào những tháng cuối năm, vì vậy mục tiêu tăng trưởng 15% trong năm là hoàn toàn khả thi. Dù vậy, chi phí vốn cao và áp lực từ nợ xấu vẫn là những thách thức lớn, cản trở khả năng giảm lãi suất cho vay.

TS Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gia, cho rằng, xu hướng tăng nhu cầu tín dụng, tình hình nợ xấu, tỷ giá thời gian tới có thể tiếp tục gây áp lực lên lãi vay. Cùng với đó, chi phí đầu vào của ngân hàng đang tăng theo lãi suất huy động cuối năm khiến lãi suất cho vay có thể tăng theo.

Còn TS. Võ Trí Thành nhìn nhận, lãi suất huy động cũng như cho vay trước mắt sẽ tăng “một chút” theo chu kỳ kinh doanh, nhất là trong bối cảnh một số ngân hàng thanh khoản chưa tốt, cộng với việc đầu tư dài hạn của các DN chủ yếu vẫn dựa vào vốn vay ngân hàng.

Thực tế, lãi suất cho vay đã rục rịch tăng. Một số ngân hàng công bố lãi suất cho vay bình quân trong tháng 11 tăng so với tháng trước đó. Lãi suất cho vay bình quân tháng 11 của PGBank là 7,32%/năm, tăng thêm 0,25% so với tháng 10. Lãi suất cho vay bình quân tháng 11 của Eximbank là 6,89%/năm, tăng nhẹ so với mức 6,86%/năm trong tháng 10. Lãi suất cho vay bình quân đối trong tháng 11 với khách hàng cá nhân của Eximbank là 7,54%/năm và với khách hàng doanh nghiệp là 6,03%/năm. Lãi suất cho vay bình quân tại Việt Á Bank tháng 11 là 9,43%/năm, tăng thêm 0,17% so với tháng 10. Chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tháng 11 của Việt Á đạt 4,01%, tăng so với mức 3,95%/năm vào cuối tháng 10.

NHNN mới đây đã ban hành công văn số 9774/NHNN-CSTT về việc ổn định lãi suất tiền gửi, tiết giảm chi phí, phấn đấu giảm lãi suất cho vay. NHNN yêu cầu, tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các giải pháp, đơn giản hóa thủ tục cho vay, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quy trình cho vay,... để phấn đấu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ DN, người dân để thúc đẩy sản xuất kinh doanh, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Dựa theo diễn biến hiện tại, có thể thấy lãi suất cho vay khó giảm sâu trong ngắn hạn nhưng 2025 có khả năng duy trì ổn định theo mục tiêu ưu tiên của NHNN.

Báo cáo mới phát hành của VCBS cho rằng, NHNN cùng với định hướng “tiếp tục bám sát diễn biến thị trường trong nước và quốc tế, sẵn sàng hỗ trợ thanh khoản tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng cung ứng tín dụng cho nền kinh tế và kịp thời có giải pháp điều hành chính sách tiền tệ phù hợp”. “Do đó, chúng tôi kỳ vọng tốc độ lãi suất huy động sẽ tăng theo hướng nhích dần đều nhưng vẫn ở mặt bằng thấp so với giai đoạn trước Covid-19, chúng tôi dự báo mức lãi suất huy động sẽ tăng nhẹ từ 20 - 30 điểm cơ bản ở các kỳ hạn trung và dài hạn cho giai đoạn cuối năm 2024 và đi ngang trong năm 2025”- báo cáo của VCBS cho biết.

Các chuyên gia của Ngân hàng UOB đánh giá, ẩn số mới từ chính sách thuế quan của ông Donald Trump, rủi ro lạm phát và bối cảnh quốc tế hiện tại khiến NHNN có thể sẽ áp dụng cách tiếp cận hỗ trợ theo trọng tâm hơn vào các cá nhân và DN bị ảnh hưởng, thay vì triển khai một công cụ hỗ trợ rộng rãi trên toàn quốc như cắt giảm lãi suất. Do đó, khả năng cao NHNN sẽ tiếp tục giữ nguyên mức lãi suất điều hành hiện tại, đồng thời tập trung vào việc thúc đẩy tăng trưởng tín dụng và các biện pháp hỗ trợ khác.

Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng mới đây chia sẻ, việc điều hành lãi suất cho vay hiện gặp không ít khó khăn do áp lực từ thị trường quốc tế và tình hình trong nước. Biến động của USD thời gian qua cùng những căng thẳng về cung, cầu ngoại tệ đã khiến NHNN phải ưu tiên ổn định tỷ giá. Nếu lãi suất cho vay giảm mạnh, tỷ giá có nguy cơ tăng cao, gây mất ổn định kinh tế vĩ mô và tâm lý lo ngại cho nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, NHNN khẳng định sẽ tiếp tục chỉ đạo các ngân hàng tiết giảm chi phí hoạt động để giữ ổn định hoặc giảm nhẹ lãi suất cho vay, hỗ trợ DN và nền kinh tế.

Thảo Nguyên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/ngan-hang-tang-lai-suat-thang-cuoi-nam-ap-luc-nam-2025.html
Zalo