Hai ngân hàng cấp tập chốt trả cổ tức cuối năm, chuẩn bị tăng vốn đầu năm 2025

Hai nhà băng cấp tập chốt danh sách cổ đông để chia cổ tức bằng cổ phiếu khi chỉ còn 1 tuần nữa là khép lại năm 2024, đó là BIDV và LPBank. Sau các đợt phát hành này, vốn điều lệ của các ngân hàng tăng lên đáng kể, giúp gia cố bộ đệm vốn để mở rộng hoạt động tín dụng và tăng quy mô tài sản.

Ngày 24/12, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, mã: BID) chốt danh sách cổ đông để trả cổ tức bằng cổ phiếu, với tỷ lệ 21%, tương ứng mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ nhận thêm 21 cổ phiếu mới. Số cổ phiếu phát hành được lấy từ nguồn lợi nhuận còn lại sau thuế, sau khi trích lập các quỹ năm 2022.

BIDV và LPBank chốt danh sách trả cổ tức

Theo kế hoạch, BIDV sẽ phát hành hơn 1,197 tỷ cổ phiếu để chi trả cổ tức, với thời gian phân bổ dự kiến từ tháng 12/2024 đến tháng 1/2025. Sau đợt phát hành này, vốn điều lệ của BIDV dự kiến tăng tối đa thêm 11.981 tỷ đồng, từ mức 57.004 tỷ đồng lên 68.975 tỷ đồng.

Hai ngân hàng cấp tập chốt ngày trả cổ tức cuối năm, chuẩn bị tăng vốn đầu năm 2025.

Hai ngân hàng cấp tập chốt ngày trả cổ tức cuối năm, chuẩn bị tăng vốn đầu năm 2025.

BIDV cho biết, số vốn tăng thêm sẽ được sử dụng để bổ sung vốn kinh doanh, tập trung vào các hoạt động cốt lõi như tín dụng, đầu tư cơ sở hạ tầng, nâng cấp công nghệ, phát triển sản phẩm dịch vụ mới và mở rộng mạng lưới kinh doanh nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh. Tính đến hết quý III/2024, BIDV có tổng tài sản hợp nhất đạt trên 2,58 triệu tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm và tiếp tục giữ vững vị thế là ngân hàng có tổng tài sản lớn nhất thị trường.

Cùng với BIDV, Ngân hàng TMCP Lộc Phát Việt Nam (LPBank, mã: LPB) cũng thông báo ngày 30/12 sẽ là ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền nhận cổ tức bằng cổ phiếu. LPBank hiện là ngân hàng cuối cùng trả cổ tức trong năm 2024.

Theo đó, LPBank sẽ phát hành gần 429,7 triệu cổ phiếu để trả cổ tức, tương ứng với tỷ lệ là 16,8%. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá là 4.297 tỷ đồng. Nguồn vốn phát hành là từ nguồn lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tính đến ngày 31/12/2023 trên báo cáo tài chính kiểm toán năm 2023 của LPBank. Dự kiến sau khi phát hành, vốn điều lệ LPBank sẽ tăng từ 25.576 tỷ đồng lên 29.873 tỷ đồng.

Theo LPBank, việc phát hành cổ phiếu trả cổ tức không chỉ nhằm tối đa hóa lợi ích cho cổ đông mà còn giúp LPBank hiện thực hóa các mục tiêu tăng trưởng, tạo cơ sở để nâng cao khả năng cạnh tranh, đa dạng hóa các sản phẩm dịch vụ tài chính và mở rộng khả năng tiếp cận khách hàng. Đây là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển bền vững và mở rộng quy mô của LPBank trong thời gian tới.

Cuộc đua tăng vốn

Tính đến hết tháng 6/2024, hệ số an toàn vốn (CAR) cao nhất ngành vẫn nằm ở các ngân hàng tư nhân vừa hoàn thành đợt tăng vốn lớn như: VPBank, Techcombank, SeABank. Còn các ngân hàng có mức CAR thấp là các ngân hàng có tính chất nhà nước do việc tăng vốn còn gặp nhiều thủ tục khó khăn.

Nhóm ngân hàng quốc doanh vừa có nhiều động thái mới khi được tháo gỡ vướng mắc tăng vốn, đảm bảo tỷ lệ an toàn và củng cố dư địa cho vay. Theo đó, Agribank được chấp thuận bổ sung vốn điều lệ trong giai đoạn 2021-2030 tối đa 17.100 tỷ đồng. Cùng với đó, Vietcombank và Vietinbank cũng đang thực hiện những bước cuối cùng để trả cổ tức cho cổ đông.

Với việc được Quốc hội thông qua chủ trương, Vietcombank có thể sớm phát hành cổ phiếu để trả cổ tức, tăng vốn điều lệ thêm 27.666 tỷ đồng (gồm cả vốn của Nhà nước và cổ đông khác), tương ứng với tỷ lệ chi trả 49,5%. Sau khi phát hành, vốn điều lệ của Vietcombank sẽ đạt 83.557 tỷ đồng. Đây cũng là ngân hàng đang có lượng lợi nhuận giữ lại nhiều nhất trong hệ thống, khi được tăng vốn Vietcombank sẽ quay trở lại vị thế số 1 về vốn điều lệ trong ngành, tương đương quy mô của các ngân hàng lớn trong Đông Nam Á.

Còn Vietinbank cũng rục rịch tăng vốn khi đã nhận được ý kiến của Ngân hàng Nhà nước và Bộ Tài chính cho phép giữ lại toàn bộ lợi nhuận năm 2022 là 11.678 tỷ đồng để tăng vốn thông qua chia cổ tức bằng cổ phiếu, tương đương tỷ lệ 21,4%, đồng thời đề xuất được dùng toàn bộ lợi nhuận giữ lại 9.000 tỷ đồng của năm 2023 để tăng vốn, tương đương tỷ lệ 16,8%.

Trong các ngân hàng tư nhân, Sacombank hiện đang có tỷ lệ CAR thấp sau gần chục năm không chia cổ tức cũng như tăng vốn điều lệ. Ngân hàng này cần bổ sung vốn để tiếp tục duy trì hoạt động một cách bền vững hơn.

Cập nhật đến hết quý 3/2024, một số ngân hàng ghi nhận mức tăng trưởng CAR như: Techcombank (tăng 0,58%), ACB (tăng 0,06%), MSB (tăng 0,23%), MB (tăng 0,3%), TPBank (tăng 1%). Trong khi đó, VPBank ghi nhận sụt giảm 0,55% và OCB ghi nhận sụt giảm 0,9%.

Mặc dù là hai ngân hàng sở hữu hệ số CAR thuộc nhóm đầu các ngân hàng niêm yết, VPBank và Techcombank đều có tỷ lệ tài sản rủi ro tính theo rủi ro tín dụng trên tổng tài sản lớn hơn 100%.

Tính theo rủi ro tín dụng, cả hai ngân hàng này đều có một tỷ trọng cho vay mảng bất động sản lớn hơn trung bình ngành, khi quy đổi sang tài sản rủi ro sẽ làm tăng chỉ số lên cao hơn so với tài sản trên sổ sách.

Dù vậy, hai ngân hàng này vẫn có mức CAR cao, do đó vẫn có khả năng tiếp tục mở rộng tín dụng, đặc biệt vào các lĩnh vực có hệ số rủi ro tín dụng cao, mà không gây áp lực đáng kể lên yêu cầu vốn tối thiểu theo quy định.

Tuy nhiên, điều này cũng đòi hỏi VPBank và Techcombank phải duy trì kiểm soát chất lượng tài sản và quản lý rủi ro chặt chẽ để đảm bảo an toàn vốn trong dài hạn./.

Ánh Tuyết

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hai-ngan-hang-cap-tap-chot-tra-co-tuc-cuoi-nam-chuan-bi-tang-von-dau-nam-2025-167169.html
Zalo