CEO Ford cho rằng Trung Quốc đi trước Mỹ 10 năm về pin xe điện

Trung Quốc đang bỏ xa Mỹ tới 10 năm trong lĩnh vực pin xe điện, buộc Ford phải tìm cách tiếp cận công nghệ của đối thủ để duy trì năng lực cạnh tranh, theo CEO Jim Farley.

Muốn cạnh tranh với các hãng xe Trung Quốc, thậm chí vượt lên, Ford buộc phải tận dụng chính công nghệ của đối thủ, theo nhận định của CEO Jim Farley.

 Nhà máy pin BlueOval của Ford sẽ mở cửa vào năm 2026. Ảnh: Ford

Nhà máy pin BlueOval của Ford sẽ mở cửa vào năm 2026. Ảnh: Ford

Ford đang nỗ lực đối phó với thách thức từ ngành công nghiệp ô tô Trung Quốc, nhưng theo lãnh đạo của hãng, điều đó không thể thực hiện nếu thiếu chuyên môn kỹ thuật của chính Trung Quốc.

Trong cuộc phỏng vấn với The New York Times, CEO Jim Farley thừa nhận Trung Quốc đã bỏ xa Mỹ nhiều năm trong lĩnh vực sản xuất pin cho xe điện (EV). Để thu hẹp khoảng cách và tạo lợi thế, Ford phải tiếp cận công nghệ của Trung Quốc, tương tự cách các công ty Trung Quốc từng cần đến công nghệ Mỹ cách đây 20 năm.

"Cách chúng tôi cạnh tranh với họ là tiếp cận tài sản trí tuệ của họ, giống như cách họ từng cần công nghệ của chúng tôi trước đây. Sau đó, chúng tôi sẽ tận dụng hệ sinh thái đổi mới, sự sáng tạo của người Mỹ, quy mô lớn và mối quan hệ chặt chẽ với khách hàng để vươn lên trên toàn cầu", Farley chia sẻ với nhà báo Thomas L. Friedman của NYT. "Đây sẽ là một trong những cuộc đua quan trọng nhất để bảo vệ nền kinh tế công nghiệp của chúng ta".

Những gì Farley đề cập không phải là kế hoạch xa vời mà đang diễn ra ngay lúc này. Tổ hợp sản xuất pin BlueOval Battery Park của Ford hiện đang được xây dựng và dự kiến đi vào hoạt động năm 2026. Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ sản xuất hàng nghìn pin lithium iron phosphate (LFP) dựa trên công nghệ của CATL, hãng sản xuất pin hàng đầu Trung Quốc.

Trả tiền cho công nghệ Mỹ, nhưng từ Trung Quốc

Những thông tin về sự hợp tác này không mới, nhưng có một chi tiết ít người biết: công nghệ hóa học tiên tiến của CATL thực chất có nguồn gốc từ Mỹ. Theo một bài viết trước đó của Bloomberg, The New York Times chỉ ra rằng pin LFP ban đầu được các nhà khoa học tại Đại học Texas phát triển. Công nghệ này sau đó được thương mại hóa bởi A123 Systems LLC, một công ty khởi nghiệp từng nhận khoản đầu tư lớn từ chính quyền Tổng thống Obama.

Tuy nhiên, khi thị trường xe điện chưa kịp bùng nổ, A123 rơi vào khủng hoảng và phá sản. Công nghệ pin của họ, bao gồm cả quyền sở hữu trí tuệ, cuối cùng bị bán lại với giá rẻ cho một công ty Trung Quốc, khi đó là tập đoàn phụ tùng ô tô lớn nhất nước này.

Vào thời điểm đó, có thể nhiều người chưa nhận ra tầm quan trọng của xe điện, nhưng Trung Quốc thì có. Tesla cũng là một trong những hãng xe phương Tây sớm nhận ra xu hướng này. Các hãng ô tô lớn đều đã nghiên cứu xe điện vì họ biết rằng việc sản xuất với số lượng lớn là điều tất yếu để đáp ứng các tiêu chuẩn khí thải ngày càng khắt khe.

Nhìn lại từ thời điểm 2025, thật khó tin khi công nghệ quan trọng này không chỉ rời khỏi tay Mỹ mà còn rơi vào tay một trong những đối thủ lớn nhất. Theo Bloomberg, hiện Trung Quốc kiểm soát tới 83% sản lượng pin lithium-ion toàn cầu.

Ford phát triển xe điện giá rẻ để cạnh tranh với Trung Quốc

Ford đang nghiên cứu một mẫu xe điện cỡ nhỏ với giá dưới 30.000 USD nhằm đối đầu với làn sóng xe điện giá rẻ từ Trung Quốc, dù chúng chưa xuất hiện tại Mỹ nhưng đã bắt đầu gây ảnh hưởng ở nhiều thị trường nơi Ford có mặt. Hiện tại, thuế nhập khẩu cao đối với ô tô Trung Quốc giúp Ford tránh được sự cạnh tranh trực tiếp từ các hãng như BYD tại Mỹ.

Tuy nhiên, chính mức thuế này cũng làm tăng giá bán của các mẫu xe nhập khẩu từ Trung Quốc, bao gồm Lincoln Nautilus - một mẫu xe được lắp ráp tại Trung Quốc và xuất khẩu sang Mỹ.

Hải Hà (Theo Carscoops)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/ceo-ford-cho-rang-trung-quoc-di-truoc-my-10-nam-ve-pin-xe-dien-post333688.html
Zalo