Ngân hàng lợi nhuận lớn, lãi suất cho vay vẫn neo cao
Mùa công bố báo cáo tài chính cho thấy bức tranh lợi nhuận của ngành ngân hàng năm 2024 có đến 80% ngân hàng thương mại (NHTM) niêm yết có lợi nhuận tăng trưởng mạnh so với năm 2023, lợi nhuận kỷ lục trong bối cảnh kinh tế vẫn còn khó khăn.
Lợi nhuận tăng kỷ lục
Thống kê báo cáo tài chính của 27 NHTM niêm yết trên sàn chứng khoán cho thấy, tổng lợi nhuận trước thuế trong năm 2024 là gần 300.000 tỷ đồng, tăng hơn 50.000 tỷ đồng so với năm 2023, tương đương tăng gần 18%.
Trong đó, 6 NHTM có mức lợi nhuận cao kỷ lục, vượt 1 tỷ USD. Dẫn đầu là 4 NHTM thuộc Big 4 (trong đó Agribank chưa lên sàn), gồm có Vietcombank lợi nhuận 41.279 tỷ đồng (tăng 3% so với 2023), VietinBank với 31.800 tỷ đồng (tăng gần 26%), BIDV là 30.006 tỷ đồng (tăng 12%) và Agribank khoảng 27.600 tỷ đồng (tăng 9%).
Tiếp đến là 2 NHTM tư nhân là MB 28.800 tỷ đồng (tăng 9,5%), Techcombank gần 27.600 tỷ đồng (tăng 21%). Ngoài ra, nhiều NHTM khác đạt lợi nhuận 10.000-20.000 tỷ đồng như LPB, ACB, VPB, HDB, Sacombank, TPBank… với mức tăng trưởng 5-85%, trong đó VPB tăng hơn 85%, LPB tăng 73%, HDBank tăng 23%, Sacombank tăng 30%...
Không chỉ các NHTM lớn và tầm trung, một số NHTM nhỏ cũng có mức tăng trưởng lợi nhuận “khủng” như: BVBank với mức tăng hơn 400%, Eximbank, Nam A Bank, Kienlongbank hơn 50%...
Lý giải lợi nhuận tăng mạnh trong năm 2024, một lãnh đạo MB cho biết, do tín dụng bán lẻ có sự tăng trưởng mạnh mẽ, ngân hàng cũng tích cực mở rộng danh mục tín dụng ngắn hạn nhằm nâng cao vòng quay vốn, quản lý rủi ro hiệu quả; gia tăng nguồn thu phí và đáp ứng yêu cầu của NHNN. Ngoài ra, lợi nhuận từ các hoạt động phi tín dụng ghi nhận mức tăng 18%, đạt 3.000 tỷ đồng, góp phần củng cố nguồn thu đa dạng của ngân hàng.
Tương tự, là ngân hàng có mức tăng trưởng lợi nhuận hơn 70%, chính thức gia nhập “Câu lạc bộ lợi nhuận 10.000 tỷ đồng” với mức lãi trước thuế gần 12.200 tỷ đồng trong năm 2024, lãnh đạo LPBank cho biết, ngoài chuyển đổi số toàn diện, cuộc cách mạng tinh gọn bộ máy đã giúp ngân hàng tiết giảm chi phí lớn và tăng trưởng tín dụng ấn tượng với mức tăng hơn 20% so với cùng kỳ 2023.
Trong khi đó, giải trình biến động lợi nhuận tăng trên 10% với HOSE, ông Nguyễn Thiên Hoàng, Phó Tổng Giám đốc BIDV, cho biết, lợi nhuận sau thuế riêng lẻ và lợi nhuận sau thuế hợp nhất quý 4-2024 năm 2024 tăng so với năm trước do ngân hàng gia tăng quy mô gắn với chuyển dịch cơ cấu hoạt động, kiểm soát tốt chất lượng tín dụng và quản lý chi phí hiệu quả.
Tháng 1-2025: TPHCM đạt tổng dư nợ tín dụng gần 3,95 triệu tỷ đồng
Ngày 13-2, ông Nguyễn Đức Lệnh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, thông tin, tính đến cuối tháng 1-2025, tổng dư nợ tín dụng trên địa bàn TPHCM đạt gần 3,95 triệu tỷ đồng, tăng 0,04% so với cuối năm 2024 và tăng 12,43% so với cùng kỳ. Tín dụng tháng 1-2025 tại TPHCM dù tăng trưởng thấp nhưng phản ánh xu hướng tích cực so với cùng kỳ 2 năm trước là đều tăng trưởng âm (tháng 1-2024 giảm 0,93% và tháng 1-2023 giảm 0,48%).
Để duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng tiếp theo cũng như hỗ trợ doanh nghiệp và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ông Lệnh cho biết, ngành ngân hàng thành phố sẽ tiếp tục tập trung thực hiện tốt chương trình kết nối ngân hàng - doanh nghiệp gắn với giải ngân gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; lĩnh vực xuất khẩu và tiêu dùng để đáp ứng tốt nhất nhu cầu vốn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tăng trưởng và phát triển.
NHUNG NGUYỄN
Xem xét mang lại lợi ích chung
Ngành ngân hàng lãi đậm trong bối cảnh theo Tổng cục Thống kê, năm 2024 có khoảng 100.000 doanh nghiệp (DN) tạm ngừng kinh doanh, tăng 12,4% so với năm trước; hơn 76.000 DN ngừng hoạt động chờ làm thủ tục giải thể, tăng 16,3% và gần 22.000 DN hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 20%. Trong khi đó, sự phục hồi khu vực DN vẫn yếu khi số DN được thành lập mới trong năm 2024 giảm gần 2% so với năm 2023…
Việc người dân, DN chưa vượt qua hết khó khăn sau dịch Covid-19 nhưng ngân hàng luôn lãi “khủng” được nhiều người nhắc đến như câu chuyện cần chia sẻ. Dù ngành ngân hàng cho biết lãi suất liên tục giảm nhiều năm qua nhưng không ít người dân và DN phải vay với mức lãi suất cao, nhất là các khoản vay cũ với người vay mua nhà.
Anh Minh Hoàng, lãnh đạo một DN xăng dầu tại TPHCM, thông tin, sau giai đoạn Covid-19 năm 2021-2022, nhiều DN xăng dầu điêu đứng. Đến năm 2023, lại gặp tình trạng xăng dầu chiết khấu 0 đồng nên nhiều DN rơi vào tình trạng thua lỗ.
“Hiện DN nhỏ như chúng tôi vẫn còn nhiều khó khăn, phải chật vật xoay vòng vốn để kinh doanh và duy trì hoạt động nhưng đang phải vay lãi suất ở mức gần 8%/năm. Đó là chưa kể sau khi đáo hạn, các ngân hàng đều yêu cầu phải tăng tài sản thế chấp mới được vay hạn mức cũ hoặc lăm le tăng lãi suất”, anh Hoàng chia sẻ.
Mặt khác, trong khi nhiều NHTM đưa ra mức lãi suất mua nhà rất hấp dẫn nhưng nhiều người mua nhà phản ánh hiện các khoản vay cũ cao ngất ngưởng. Theo anh Nguyễn Thành (quận Gò Vấp), năm 2021, anh vay mua căn hộ ở quận 8 tại TPBank, lãi suất lên đến 13-14%/năm.
“Tôi vay 70% giá trị căn hộ với thời hạn 15 năm, lãi suất hiện tại dù đã giảm nhưng vẫn gần 12%/năm, khiến tôi chịu không xiết. Trong tình hình khó khăn hiện nay, mức lãi suất cho vay mua nhà nên giảm ở mức 8-9% sẽ hợp lý hơn”, anh Thành đề xuất.
Tương tự, chị Hương Thi (quận 12) cho biết, năm 2020, vợ chồng chị vay 70% trị giá căn nhà cấp 4 tại quận 12 với mức vay 1,6 tỷ đồng, trả trong 25 năm tại ShinhanBank. Lãi suất ưu đãi 3 năm đầu cố định 8,7%/năm theo dư nợ giảm dần. Nhân viên ngân hàng cho biết sau đó lãi suất thả nổi nhưng không quá 10%, nhưng hiện nay, chị Thi đang trả lãi vay đến 11%/năm.
“Dù đã trả trước thêm 100 triệu đồng tiền gốc, giảm mức nợ còn hơn 1,23 tỷ đồng, nhưng mỗi tháng vợ chồng tôi phải trả tiền gốc và lãi gần 17 triệu đồng”, chị Thi cho hay. Hiện nhiều ngân hàng đưa ra mức lãi suất vay nhà 5-6%/năm trong thời gian đầu, chị cũng muốn xoay xở, mượn gia đình và bạn bè trả hết số nợ cũ để vay ngân hàng khác với lãi suất thấp hơn nhưng chồng chị hiện không còn thu nhập cố định nên không chứng minh được thu nhập để vay hạn mức hiện tại.
Thủ tướng PHẠM MINH CHÍNH:
Hy sinh một phần lợi nhuận để hỗ trợ nền kinh tế
Tại hội nghị giữa Thường trực Chính phủ với các NHTM ngày 11-2, về lợi nhuận ngân hàng, một lần nữa đã được Thủ tướng đề cập cùng yêu cầu: các NHTM hoạt động kinh doanh phải có lãi nhưng ngoài lợi nhuận, phải mang lại lợi ích chung cho đất nước. Theo đó, 1 trong 3 nhiệm vụ và 8 giải pháp Thủ tướng giao cho ngành ngân hàng trong năm 2025 được lưu ý là cần chia sẻ khó khăn với DN và người dân, thậm chí hy sinh một phần lợi nhuận của mình để giảm lãi suất cho vay, hỗ trợ nền kinh tế, người dân, DN, tạo sinh kế cho nhân dân.
Câu chuyện về lợi nhuận ngân hàng đã được đề cập nhiều lần. Trước đó, trong năm 2021 - giai đoạn dịch Covid-19, ngân hàng vẫn “ăn nên làm ra” với mức lãi suất cao ngất, bị nhiều ý kiến nhận định là phản cảm. Trong phiên họp đầu tiên của kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa 15, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội đề nghị Chính phủ làm rõ việc các NHTM lãi lớn năm 2023 trong bối cảnh DN khó khăn. Mặc dù ngành ngân hàng từng lên tiếng giải thích nhưng vẫn khó thuyết phục dư luận trước sự thật nói trên.
Theo các chuyên gia kinh tế, mặc dù ngân hàng cũng là DN, cũng lo mất vốn vì nợ xấu nhưng hiện DN, đặc biệt là các DN nhỏ vẫn rất khó khăn. Việc giảm lãi suất để chia sẻ với bên vay hết sức cần thiết; nhờ đó sẽ kích thích nền kinh tế phát triển, ngân hàng tiếp tục được hưởng lợi vì cho vay nhiều hơn. Đó chính là hành động có ý nghĩa làm giàu cho mình và đem lại lợi ích cho đất nước, như ngành ngân hàng luôn khẳng định: ngân hàng đồng hành cùng người dân và DN vượt qua giai đoạn khó khăn.
Kiến nghị giữ các nhà máy trong khu dân cư
Sở QH-KT TPHCM vừa báo cáo UBND TPHCM về định hướng các khu dân cư tại vùng nông thôn và hướng xử lý về quy hoạch đối với các khu vực, cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy riêng lẻ nằm ngoài phạm vi quy hoạch khu, cụm công nghiệp và xen cài trong khu vực đô thị, nông thôn nhằm phục vụ công tác lập điều chỉnh quy hoạch chung thành phố đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060.
Theo đó, hiện nay thành phố còn tồn tại các cơ sở sản xuất công nghiệp, nhà máy riêng lẻ nằm ngoài phạm vi quy hoạch các khu, cụm công nghiệp và xen cài trong khu vực đô thị, nông thôn (gọi tắt là cơ sở sản xuất phân tán), cần được xem xét cách thể hiện trong đồ án quy hoạch.
Cụ thể, có 2 nhóm đối tượng. Thứ nhất là các cơ sở sản xuất hiện hữu ở 14 quận, huyện có khoảng 1.186 cơ sở sản xuất có giấy phép hoạt động, được cấp giấy chứng nhận mục đích sử dụng đất là đất cơ sở sản xuất - kinh doanh. Thứ 2 là các cơ sở sản xuất đã có chủ trương của thành phố, đang xây dựng, dự kiến xây dựng.
Về pháp lý quy hoạch, các cơ sở sản xuất phân tán này không phù hợp định hướng, chức năng sử dụng đất được duyệt tại các pháp lý quy hoạch hiện hành. Tuy nhiên, UBND các quận, huyện kiến nghị xem xét giữ lại một số cơ sở sản xuất không gây ô nhiễm trên địa bàn để góp phần phát triển kinh tế, tạo việc làm cho người dân tại địa phương.
THANH HIỀN