TP. HCM đề xuất đầu tư hơn 21 nghìn tỷ đồng mở rộng QL13

QL13 có chiều dài 6,3 km dự kiến được TP. HCM đầu tư hơn 21.000 tỷ đồng để mở rộng lên 60 m và xây dựng đường trên cao 4 làn xe.

Phối cảnh đường trên cao 4 làn xe trên QL13

Phối cảnh đường trên cao 4 làn xe trên QL13

Ngày 11/2, Sở GTVT TP. HCM cho biết vừa trình UBND Thành phố báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án nâng cấp, mở rộng QL13 với tổng số vốn lên đến hơn 21.700 tỷ đồng theo phương thức đối tác công tư (PPP) và hợp đồng BOT (Xây dựng - Kinh doanh - Chuyển giao).

Cụ thể, theo đề xuất đoạn QL13 (TP. Thủ Đức) từ cầu Bình Triệu đến cầu Vĩnh Bình dài 6,3 km sẽ được mở rộng lên 60 m, đáp ứng 10 làn xe. Trong đó, trên tuyến sẽ xây dựng đường trên cao (cầu cạn) từ nút giao Bình Triệu đến nút giao Bình Phước, với vận tốc thiết kế 80 km/h. Bên dưới, đường song hành mỗi bên rộng 3 làn xe, tốc độ tối đa 60 km/h.

Tổng mức đầu tư dự án hiện được tính toán sơ bộ hơn 21.700 tỷ đồng, vốn nhà nước là hơn 14.700 tỷ đồng và hơn 7.000 tỷ đồng do nhà đầu tư huy động. Chi phí GPMB và di dời hạ tầng kỹ thuật hơn 15.200 tỷ đồng. Khoảng 15,6 ha đất sẽ bị thu hồi làm dự án, ảnh hưởng đến 1.155 hộ dân. Dự kiến nhà đầu tư được thu phí hoàn vốn trong 21 năm 4 tháng.

Dự án dự kiến trình cấp thẩm quyền phê duyệt chủ trương đầu tư trong quý I/2025. Các bước lập, thẩm định và phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự kiến từ quý I đến quý III/2025.

Giai đoạn GPMB dự kiến thực hiện từ quý III/2025 đến quý III/2026; bắt đầu thi công từ quý III/2026, năm 2028 dự kiến bàn giao và đưa công trình vào khai thác.

QL13 hiện hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm

QL13 hiện hữu thường xuyên xảy ra ùn tắc vào giờ cao điểm

QL13 là trục giao thông chính nối TP. HCM với các tỉnh Bình Dương, Bình Phước và khu vực Tây Nguyên. Hiện nay, mặt đường qua TP. Thủ Đức chỉ rộng 19 - 27 m, thường xuyên ùn tắc vào giờ cao điểm, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của TP. HCM và các tỉnh lân cận.

Trước đây, QL13 đoạn từ cầu Bình Triệu đến ngã tư Bình Phước thuộc dự án cầu và đường Bình Triệu 2, được triển khai theo hình thức BOT từ hơn 20 năm trước. Tuy nhiên, dự án sau đó không được triển khai do hợp đồng BOT bị hủy bỏ. Nhờ cơ chế đặc thù của Nghị quyết 98, TP. HCM có thể áp dụng lại hình thức BOT để cải tạo hạ tầng hiện hữu, trong đó có dự án nâng cấp QL13.

Thắng Khang

Nguồn GTVT: https://tapchigiaothong.vn/tp-hcm-de-xuat-dau-tu-hon-21-nghin-ty-dong-mo-rong-ql13-183250211145206563.htm
Zalo