Nhiều ngân hàng tổ chức ĐHĐCĐ trong quý I/2025
Ngay đầu năm 2025, nhiều ngân hàng như Nam A Bank, VIB, Vietcombank và Eximbank đều đã thông báo kế hoạch tổ chức đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) để thông qua những nội dung quan trọng.
Ngân hàng TMCP Nam Á (Nam A Bank - Mã: NAB) vừa thông báo ngày cuối cùng đăng ký tham dự Đại hội đồng cổ đông thường niên năm 2025 là ngày 24/2. Ngày giao dịch không hưởng quyền là 21/2/2025.
Đại hội dự kiến tổ chức vào sáng ngày 28/3/2025. Nam A Bank chưa công bố địa điểm tổ chức và nội dung cụ thể của đại hội.
Kết quả kinh doanh, năm 2024, Nam A Bank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt hơn 4.545 tỷ đồng, vượt 13,6% so với kế hoạch và tăng gần 38% so với cùng kỳ năm 2023.
Tính đến ngày 31/12/2024, tỷ lệ nợ xấu của Nam A Bank giảm còn 2,1%, đồng thời ngân hàng tăng cường trích lập dự phòng, nâng tỷ lệ bao phủ nợ xấu lên 60%. Tỷ lệ an toàn vốn hợp nhất (CAR) đạt 12,46%, cao hơn đáng kể so với mức tối thiểu 8% do Ngân hàng Nhà nước quy định.
Tổng tài sản của ngân hàng tính đến cuối năm đạt hơn 245.000 tỷ đồng, tăng gần 16,8% so với cùng kỳ năm 2023. Huy động vốn ghi nhận gần 179.000 tỷ đồng, tăng hơn 9% so với cùng kỳ năm trước.
![Vietcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong quý I/2025.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_365_51195827/cdfb32f808b6e1e8b8a7.jpg)
Vietcombank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường trong quý I/2025.
Tương tự, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank - Mã: VCB) mới đây cũng đã công bố nghị quyết phê duyệt tổ chức Đại hội đồng cổ đông bất thường năm 2025.
Theo đó, ĐHĐCĐ dự kiến được tổ chức vào ngày 7/3/2025 tại Vietcombank Tower, 198 Trần Quang Khải, Hoàn Kiếm, Hà Nội. Ngày đăng ký cuối cùng chốt danh sách cổ đông thực hiện quyền tham dự đại bất thường dự kiến là ngày 4/2/2025.
Thông tin công bố từ Vietcombank, nội dung chính của đại hội lần này tập trung vào công tác nhân sự. Cụ thể, Đại hội trình cổ đông phê duyệt tờ trình bầu bổ sung thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028, tờ trình về việc miễn nhiệm thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 theo đơn đề nghị để nghỉ hưởng chế độ hưu trí và các nội dung khác thuộc thẩm quyền đại hội (nếu có).
Trước đó, Vietcombank đã nhận được đơn xin từ nhiệm chức vụ Thành viên Hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2023-2028 của ông Nguyễn Mỹ Hào kể từ ngày 1/11/2024 để nghỉ việc hưởng chế độ hưu trí. Ông Hào đã giữ vị trí thành viên Hội đồng quản trị tại ngân hàng từ năm 2017.
Về tình hình kinh doanh, Vietcombank tiếp tục giữ vững vị trí quán quân toàn ngành ngân hàng về lợi nhuận. Theo báo cáo tài chính năm 2024, lãi trước thuế đạt 42.236 tỷ đồng, lãi sau thuế đạt 33.853 tỷ đồng, đây cũng là ngân hàng duy nhất đạt mức lợi nhuận trên 30.000 tỷ đồng năm 2024.
Tổng tài sản của Vietcombank tính đến cuối quý IV/2024 tăng 14% so với đầu năm, lên hơn 2 triệu tỷ đồng. Trong đó, cho vay khách hàng tăng 14% lên gần 1,45 triệu tỷ đồng. Về nguồn vốn, tiền gửi khách hàng chỉ tăng 9% so với đầu năm, lên hơn 1,51 triệu tỷ đồng. Đáng chú ý, tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước (KBNN) cuối năm ghi nhận 76.665 tỷ đồng trong khi đầu năm không có.
Ngân hàng TMCP Quốc tế Việt Nam (VIB - Mã: VIB) cũng đã thông báo 19/2/2025 là ngày đăng ký cuối cùng tham dự ĐHĐCĐ thường niên năm 2025.
ĐHĐCĐ thường niên năm 2025 của VIB dự kiến được tổ chức vào tháng 3/2025 tại TP HCM. Hiện ngân hàng vẫn chưa có thông báo về các nội dung, tờ trình được đưa ra thảo luận và thông qua tại ĐHĐCĐ lần này. Tuy nhiên, ngân hàng này vừa thông báo ngày đăng ký cuối cùng để thực hiện quyền đề cử, ứng cử bầu bổ sung một thành viên Hội đồng quản trị (HĐQT) nhiệm kỳ 2023-2027 là 13/12/2024. Do đó, nhiều khả năng cuộc họp ĐHĐCĐ thường niên 2025 sẽ bao gồm nội dung bầu bổ sung thành viên HĐQT.
Tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2024, lợi nhuận trước thuế tại VIB đạt 9.004 tỷ đồng, giảm 15,9% so với năm trước. Cả năm qua, nguồn thu nhập khác của ngân hàng và thu nhập từ chứng khoán đầu tư là 2 điểm sáng tích cực của nhà băng này khi tăng trưởng lần lượt 64,3% và 91,1%.
Tại ngày 31/12/2024, tổng tài sản của VIB đạt 493.158 tỷ đồng, tăng 20,3% so với cuối năm trước. Dư nợ cho vay khách hàng tăng 21,7%, đạt 324.010 tỷ đồng, chủ yếu từ bốn phân khúc trọng tâm: bán lẻ, khách hàng doanh nghiệp, SME và định chế tài chính.
Dư nợ bán lẻ đạt gần 260.000 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 80% tổng dư nợ, duy trì mức cao nhất ngành. Đặc biệt, hơn 90% khoản vay bán lẻ có tài sản đảm bảo, chủ yếu là nhà ở và đất ở, với pháp lý đầy đủ và tính thanh khoản cao, giúp rủi ro tín dụng tập trung ở mức thấp nhất trên thị trường.
![Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường tại Hà Nội để bàn về công tác nhân sự. Ảnh EIB.](https://photo-baomoi.bmcdn.me/w500_r1/2025_02_09_365_51195827/b8be45bd7ff396adcfe2.jpg)
Eximbank sẽ tổ chức ĐHĐCĐ bất thường tại Hà Nội để bàn về công tác nhân sự. Ảnh EIB.
Ngân hàng TMCP Xuất Nhập khẩu Việt Nam (Eximbank - Mã: EIB) cũng dự kiến tổ chức ĐHĐCĐ bất thường tại Hà Nội vào ngày 26/2/2025. Ngày đăng ký cuối cùng để cổ đông thực hiện quyền dự họp và biểu quyết là 26/12/2024.
Nội dung dự kiến của cuộc họp này là bầu bổ sung 3 thành viên Ban kiểm soát nhiệm kỳ 2020-2025 và thông qua sửa đổi, bổ sung Điều lệ ngân hàng.
Trước đó, tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11/2024, ông Ngo Tony, Trưởng Ban kiểm soát Eximbank đã bị miễn nhiệm theo đề xuất của một nhóm cổ đông nắm trên 5% vốn. Các cổ đông này cho rằng ông Ngo Tony đã có hành vi lạm dụng/lợi dụng chức vụ quyền hạn, vi phạm nghiêm trọng các quy định của Điều lệ Eximbank và Quy chế tổ chức và hoạt động của BKS Eximbank, gây ảnh hưởng nặng nề quyền lợi của cổ đông. Trong khi đó, ông Tony đã có thư kiến nghị gửi tới cơ quan thanh tra của Ngân hàng Nhà nước, nêu các dấu hiệu rủi ro của Eximbank.
Sau khi ông Ngo Tony bị miễn nhiệm, Ban kiểm soát của Eximbank chỉ có hai thành viên, gồm bà Doãn Hồ Lan và Phạm Thị Mai Phương.
Cũng tại ĐHĐCĐ bất thường ngày 28/11/2024, Eximbank đã thông qua việc miễn nhiệm 2 thành viên HĐQT là ông Nguyễn Hồ Nam và bà Lương Thị Cẩm Tú.
Ngày 10/1/2025, Eximbank có quyết định thông qua việc miễn nhiệm 2 Phó Tổng Giám đốc là ông Phạm Đăng Khoa và bà Lê Thị Mai Loan.
Ông Phạm Đăng Khoa được bổ nhiệm làm Phó Tổng Giám đốc Eximbank từ ngày 11/10/2024 và có đơn từ nhiệm từ ngày 30/12/2024, chỉ sau 2 tháng nhậm chức.
Bà Loan được bầu làm Thành viên HĐQT Eximbank tại phiên họp ĐHĐCĐ bất thường hồi tháng 2/2023. Sau đó, bà Loan được bổ nhiệm chức vụ Phó Tổng Giám đốc Eximbank Sau 2 tháng nhậm chức, bà Loan nộp đơn từ nhiệm khỏi vị trí này.
HĐQT Eximbank đã bổ nhiệm lại bà Lê Thị Mai Loan vào vị trí Phó Tổng Giám đốc kể từ ngày 25/05/2023. Đến tháng 1/2024, bà không còn là Thành viên HĐQT.
Hiện tại, Ban điều hành Eximbank có 5 thành viên gồm: Quyền Tổng Giám đốc (ông Nguyễn Hoàng Hải) và 3 Phó Tổng Giám đốc (ông Nguyễn Hướng Minh, ông Đào Hồng Châu, ông Nguyễn Hồ Hoàng Vũ), ông Lã Quang Trung giữ chức vụ Kế toán trưởng.
Tình hình kinh doanh, lũy kế cả năm 2024, thu nhập lãi thuần và lãi dịch vụ của Eximbank tăng lần lượt 29% và 110% lên 5.924 tỷ đồng và 1.080 tỷ đồng. Trừ đi thuế phí, Eximbank báo lãi sau thuế tăng 54% so với năm 2023 lên 3.327 tỷ đồng.
Tính đến ngày 31/12/2024, tổng tài sản của Eximbank đạt 239.768 tỷ đồng, tăng hơn 19% so với thời điểm đầu năm, chủ yếu tới từ dư nợ cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư tăng lần lượt 17,6% và 317% lên 163.386 tỷ đồng và 29.119 tỷ đồng. Nợ dưới chuẩn tại cuối năm 2024 của EIB đạt 4.189,8 tỷ đồng, tăng 12% so với đầu năm, tương đương 2,5% dư nợ cho vay khách hàng của Eximbank.