Ngăn chặn dịch tả lợn châu Phi qua biên giới dịp cuối năm

Tỉnh Tây Ninh đang triển khai hàng loạt giải pháp nhằm bảo vệ an toàn cho đàn lợn khoảng 410.000 con trước dịch bệnh tả lợn châu Phi có nguy cơ xâm nhập qua biên giới từ Campuchia và các tỉnh, thành lân cận.

Ảnh minh họa: TTXVN

Ảnh minh họa: TTXVN

Với đường biên giới dài gần 240 km giáp với Campuchia, Tây Ninh tập trung nâng cao năng lực thú y như tăng cường nhân lực và trang thiết bị theo Đề án Tăng cường năng lực hệ thống cơ quan quản lý chuyên ngành thú y để ngăn nguy cơ dịch bệnh từ biên giới.

Theo ông Nguyễn Đình Xuân, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tây Ninh cho biết, ngành nông nghiệp tỉnh Tây Ninh tăng cường kiểm soát vận chuyển trái phép. Các lực lượng ngành nông nghiệp phối hợp chặt chẽ với lực lượng biên phòng và công an để xử lý nghiêm hành vi buôn bán, vận chuyển gia súc không rõ nguồn gốc.

Theo đó, để phòng ngừa dịch bệnh đạt hiệu quả, các đơn vị cũng đã tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến người chăn nuôi áp dụng nghiêm các biện pháp vệ sinh sát trùng bằng vôi bột, hóa chất khu vực chuồng nuôi, khu vực xung quanh, chủ động tiêm vaccine cho đàn vật nuôi và triển khai các mô hình an toàn sinh học. Đặc biệt, đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống dịch trên phương tiện truyền thông ở các khu vực giáp biên giới.

Về phía Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, Chi cục trưởng Nguyễn Thị Hồng Loan cho biết, trước thực trạng một số tỉnh lân cận xuất hiện bệnh dịch tả lợn châu Phi, ngành chăn nuôi và thú y tỉnh Tây Ninh tập trung giám sát. Đồng thời, tăng cường khuyến cáo người chăn nuôi lợn cảnh giác, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, thực hiện khử trùng, tiêu độc chuồng trại, hạn chế tối đa việc người ra vào cơ sở chăn nuôi.

Tới đây, để bảo đảm an toàn cho đàn lợn nhất phục vụ thị trường dịp Tết, lực lượng chăn nuôi và thú y tỉnh Tây Ninh cũng tăng cường kiểm dịch nghiêm ngặt việc xuất, nhập lợn vào tỉnh Tây Ninh.

Theo bà Nguyễn Thị Hồng Loan, đối với lợn nhập từ các tỉnh vào Tây Ninh, ngoài giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định, chủ trang trại, cơ sở trong vòng 24 giờ phải khai báo số lượng (lợn con, lợn hậu bị, lợn đực giống…) đến Trạm Chăn nuôi và Thú y các huyện, thị xã, thành phố, nơi cơ sở đang hoạt động để phối hợp và giám sát.

Đối với lợn nhập trong tỉnh, cơ sở phải có phiếu xuất kho, phiếu cân và trong vòng 24 giờ phải khai báo số lượng để các Trạm Chăn nuôi và Thú y địa phương phối hợp và giám sát. Riêng đối với lợn xuất trong tỉnh phải có cán bộ thú y kiểm dịch tại gốc theo đúng quy định.

Cũng theo Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh, công tác kiểm soát giết mổ cũng đang được triển khai nghiêm ngặt. Đối với lợn hơi, khi nhập vào cơ sở giết mổ, nếu xuất trong tỉnh phải thể hiện rõ nguồn gốc, nơi xuất phát (giấy mua bán, giấy chứng nhận tiêm phòng, giấy chứng nhận VietGAP…). Nếu lợn nhập từ tỉnh ngoài vào phải có giấy chứng nhận kiểm dịch theo quy định. Lợn khi nhập lò mổ, đều được nhân viên Thú y kiểm tra lâm sàng theo quy định.

Bà Nguyễn Thị Hồng Loan cũng nhấn mạnh: “Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh hiện đang tiếp tục phối hợp các đơn vị liên quan kiểm tra, giám sát, đồng thời xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển, giết mổ, buôn bán động vật, sản phẩm động vật không rõ nguồn gốc, không có giấy kiểm dịch”.

Hiện tổng đàn lợn của tỉnh ước có 410.000 con, chủ yếu nuôi tập trung ở trang trại lớn. Trong khi đó, 20% tổng đàn là các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ với điều kiện an toàn sinh học còn hạn chế nên nguy cơ dịch bệnh dễ xâm nhập.

Từ đầu năm đến nay, Chi cục Chăn nuôi và Thú y đã triển khai tổng cộng 3 đợt vệ sinh, khử trùng, tiêu độc, sử dụng tổng cộng 7.500 lít thuốc sát trùng tại các khu vực chăn nuôi hộ gia đình, các chợ, điểm buôn bán, giết mổ gia súc, gia cầm và các sản phẩm của gia súc, gia cầm tại chợ.

Qua thống kê, đến nay Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Tây Ninh đã triển khai lấy 90 mẫu huyết thanh giám sát sự lưu hành của vi rút dịch tả lợn châu Phi, nhằm phát hiện sớm, kịp thời xử lý, không để lây lan diện rộng. Cùng đó, ngành chăn nuôi và thu ý cũng vận động các trang trại, đơn vị xây dựng Cơ sở An toàn dịch bệnh. Nhờ đó, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã có 20 cơ sở an toàn dịch bệnh đối với bệnh dịch tả lợn Châu phi.

Trước đó, để chủ động phòng, chống các loại dịch bệnh động vật, không để phát sinh và lây lan trên diện rộng, UBND tỉnh Tây Ninh cũn đã chỉ đạo các đơn vị nắm chắc, kịp thời báo cáo tình hình dịch bệnh, kết quả giám sát dịch bệnh, kết quả thống kê tổng đàn, tiêm phòng, quản lý cơ sở, vùng an toàn dịch bệnh trên Hệ thống quản lý thông tin dịch bệnh động vật Việt Nam (VAHIS).

UBND tỉnh Tây Ninh cũng yêu cầu các địa phương, tăng cường giám sát dịch bệnh trên vật nuôi để phát hiện sớm, kịp thời cảnh báo, xử lý dứt điểm khi dịch bệnh mới được phát hiện, trong phạm vi nhỏ lẻ. Đặc biệt, xử lý nghiêm các trường hợp không báo cáo dịch bệnh, bán chạy, giết mổ động vật mắc bệnh, nghi mắc bệnh, vứt xác động vật ra môi trường làm lây lan dịch bệnh.

Giang Phương (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/ngan-chan-dich-ta-lon-chau-phi-qua-bien-gioi-dip-cuoi-nam-20241125182923269.htm
Zalo