Ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật

Ngày 19/2, UBND tỉnh có Công văn số 230/UBND-KTN về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Ngày 19/2, UBND tỉnh có Công văn số 230/UBND-KTN về việc tăng cường ngăn chặn, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản trên địa bàn tỉnh.

Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành phố triển khai thực hiện một số nội dung sau:

- UBND các huyện, thành phố chỉ đạo tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát, đặc biệt tại các chợ đầu mối, các điểm thu gom, cơ sở buôn bán động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản… để ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép vào địa bàn; trường hợp phát hiện nhập lậu trái phép phải xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật.

Chỉ đạo lực lượng chức năng tăng cường các biện pháp đấu tranh, kịp thời ngăn chặn, phát hiện các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản; phối hợp với chính quyền địa phương kịp thời bắt giữ và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo đúng quy định của pháp luật… Vận động người dân không tham gia, tiêu thụ và tiếp tay cho việc nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật vào địa bàn. Thành lập các đoàn kiểm tra, đôn đốc công tác kiểm soát, ngăn chặn buôn lậu và truy xuất nguồn gốc đối với động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản nghi nhập lậu, vận chuyển trái phép tiêu thụ trên địa bàn; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật.

- Sở NN&PTNT phối hợp với các sở, ngành liên quan, các địa phương kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản vào địa bàn tỉnh. Chỉ đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y tăng cường công tác kiểm dịch vận chuyển động vật, sản phẩm động vật trong nội địa theo quy định. Tổ chức hướng dẫn, đôn đốc việc phòng chống dịch bệnh động vật, nhất là bệnh dịch tả lợn Châu Phi; chủ động giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh; phát hiện sớm, cảnh báo và chỉ đạo xử lý triệt để ổ dịch, không để lây lan diện rộng.

Phối hợp với địa phương chủ động giám sát, phát hiện sớm các loại dịch bệnh động vật, xử lý kịp thời không để dịch bệnh lây lan; hướng dẫn người chăn nuôi, các cơ sở chăn nuôi tăng cường áp dụng các biện pháp chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa, an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh.

- Công an tỉnh chỉ đạo các đơn vị, công an các địa phương phối hợp với lực lượng chức năng và chính quyền địa phương trong việc ngăn chặn buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản nhập lậu trái phép; lập chuyên án đấu tranh với các đối tượng buôn bán, vận chuyển, hợp thức hóa nguồn gốc động vật, sản phẩm động vật, giấy tờ kiểm dịch động vật để xử lý nghiêm các vi phạm theo quy định pháp luật.

- Cục Quản lý thị trường tăng cường các biện pháp kiểm soát thị trường, kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản không rõ nguồn gốc trên thị trường theo đúng quy định của pháp luật.

- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì phối hợp với Sở NN&PTNT chỉ đạo tăng cường công tác truyền thông về tác hại, ảnh hưởng của việc buôn lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản, nguy cơ về các loại dịch bệnh nguy hiểm xâm nhiễm từ nước ngoài thông qua các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép.

- Ban Chỉ đạo 389 tỉnh chỉ đạo, đôn đốc Ban Chỉ đạo 389 các địa phương triển khai các biện pháp phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, trong đó chống nhập lậu, vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật, giống vật nuôi và thủy sản theo quy định…

P.V (TH)

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/217/186751/ngan-chan-buon-lau,-van-chuyen-trai-phep-dong-vat,-san-pham-dong-vat.htm
Zalo