Ngăn chặn bệnh hẹp hòi, địa phương
Sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, bỏ cấp huyện và sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp xã là chủ đề 'nóng', nhận được sự quan tâm đặc biệt lớn của dư luận trong thời gian này. Đây là một quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước, nhận được sự đồng tình, ủng hộ, nhất trí, đồng lòng lớn từ nhân dân. Tuy nhiên, để việc triển khai đạt hiệu quả cao nhất, một nhiệm vụ quan trọng mà chúng ta không thể bỏ qua đó là loại bỏ tư tưởng hẹp hòi, địa phương, quyền anh, quyền tôi khi sắp xếp, sáp nhập.
Mới đây, một cán bộ thuộc Phòng Thanh tra, Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã bị xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 7,5 triệu đồng, đồng thời bị kỷ luật bằng hình thức khiển trách do “bình luận khiếm nhã, phân biệt địa phương” trên TikTok liên quan đến chủ trương sáp nhập tỉnh. Theo hồ sơ vụ việc, khi một tài khoản TikTok đăng thông tin về chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính cấp tỉnh, vị cán bộ của Sở Tài chính tỉnh Hà Tĩnh đã vào bình luận với hàm ý địa phương dự kiến nhập với tỉnh mình là “hạng 2, yếu kém”. Phản cảm là điều dễ dàng có thể thấy. Tuy nhiên, sâu xa hơn, nguy hiểm hơn đó là dấu hiệu của căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi, địa phương. Và thực tế ngoài vị cán bộ bị xử lý nêu trên, vẫn có không ít người mang tư duy “quyền anh, quyền tôi”, hẹp hòi, kênh kiệu, tự cho mình là hơn khi sắp xếp bộ máy.
Căn bệnh ích kỷ, hẹp hòi, địa phương không phải đến bây giờ mới được đề cập. Trong tác phẩm “Sửa đổi lối làm việc”, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nhiều lần nhắc đến những căn bệnh này. Trong đó, Bác đã chỉ rõ những biểu hiện nhận diện như: “kiêu ngạo, khinh rẻ cán bộ địa phương, cho họ là dốt kém”, “tự cao, tự đại”, “làm được vài việc ở địa phương đã cho mình là tài giỏi lắm rồi, anh hùng lắm rồi”, “không trông xa thấy rộng… chỉ trông thấy sự lợi hại nhỏ nhen mà không thấy sự lợi hại to lớn…”. Hệ quả của điều này là sự chia rẽ, mất đoàn kết, từ “tư tưởng hẹp hòi” dẫn đến “hành động hẹp hòi”, gây nguy hại cho sự nghiệp cách mạng của Đảng.
Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và xây dựng mô hình tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp (cấp tỉnh và cấp cơ sở) là vấn đề hệ trọng, quốc gia đại sự. Sau sắp xếp, chúng ta sẽ giảm đầu mối tổ chức, tinh gọn về bộ máy, mở rộng không gian địa lý của các cấp chính quyền địa phương. Theo đánh giá của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý, việc sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là vấn đề cấp thiết nhằm phát huy tiềm năng, cơ hội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương phù hợp với điều kiện phát triển trong tình hình mới. Cùng với đó, việc sắp xếp này còn nhằm nêu cao tính tự chủ, tự lực, tự cường của các cấp chính quyền địa phương, góp phần đưa chính quyền gần dân hơn, sát dân hơn, giải quyết công việc của người dân nhanh hơn, thuận lợi hơn.
Thẳng thắn nhìn nhận, quy mô, trình độ phát triển kinh tế của các địa phương là khác nhau, không phải lúc nào cũng đồng đều. Việc sắp xếp, sáp nhập được cân nhắc, đánh giá trên rất nhiều yếu tố như lịch sử, truyền thống, văn hóa, điều kiện địa lý, trình độ kinh tế - xã hội, cơ sở hạ tầng, quốc phòng, an ninh, hội nhập quốc tế… Sáp nhập là để có sự phát triển đồng đều, phát huy được tối đa năng lực của từng vùng, từng khu vực. Mục tiêu chúng ta hướng tới là tạo ra không gian, cơ hội phát triển lớn hơn; khai thác hiệu quả các tiềm năng, thế mạnh đang có. Tất cả vì mục đích chung là sự giàu mạnh, thịnh vượng của quốc gia - dân tộc. Mọi tư duy “tỉnh anh, tỉnh tôi”, “quyền anh, quyền tôi”, “tỉnh nghèo, tỉnh giàu”… đều là lệch lạc, cần kiên quyết loại bỏ.
Sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính là vấn đề khó, phức tạp. Tuy nhiên, điều khó khăn hơn, quan trọng hơn là sau khi sắp xếp, sáp nhập, chúng ta phải xây dựng được đội ngũ cán bộ thực sự có phẩm chất, năng lực đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Nói cách khác, cùng với việc thực hiện cuộc cách mạng về bộ máy, chúng ta cũng phải thực hiện cuộc cách mạng về con người. Bởi suy cho cùng, cán bộ mới là “gốc của mọi công việc”. Sắp xếp, sáp nhập đi liền với tinh giản cán bộ. Điều này đồng nghĩa với việc khối lượng công việc mà một cán bộ phải giải quyết sẽ tăng lên, đòi hỏi người ở lại phải có chuyên môn cao, thái độ làm việc nghiêm túc và tinh thần trách nhiệm, hết lòng phục vụ nhân dân. Và hơn hết, từng cán bộ phải thực sự đoàn kết, nhất trí, đồng lòng trong thực hiện quyết sách lớn của Đảng, Nhà nước; kiên quyết loại bỏ những cán bộ có tư tưởng hẹp hòi, ích kỷ, ngạo mạn, địa phương, phân biệt vùng miền.
Xin nhắc lại lời của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý ấy không bao giờ thay đổi”. Dù ở bất cứ tỉnh, thành, vùng miền nào, chúng ta đều là người Việt Nam, đều mang trong mình dòng máu đỏ da vàng, đều nỗ lực hết mình để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Bởi vậy, chúng ta phải ra sức đoàn kết, gắn bó muôn người như một, chung một ý chí, chung một hành động để đưa đất nước vững bước tiến vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.