Trường nghề khó tuyển sinh
Theo thống kê của Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Khánh Hòa, giai đoạn 2021 - 2024, tỷ lệ học sinh (HS) vào học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đào tạo trình độ cao đẳng trên địa bàn tỉnh chỉ chiếm khoảng 15% số HS tốt nghiệp THPT, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đến năm 2025 đạt 45% theo Đề án “Giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng HS trong giáo dục phổ thông giai đoạn 2018 - 2025” của UBND tỉnh. Hiện nay, công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp vẫn còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc.
Nhiều khó khăn
Trường Cao đẳng Y tế Khánh Hòa là một trong những trường cao đẳng y tế có số lượng ngành, nghề đào tạo nhiều nhất trên cả nước, với 7 ngành cao đẳng, 2 ngành trung cấp. Tuy nhiên, theo ông Trần Ngọc Thành - Hiệu trưởng nhà trường, những năm gần đây, công tác tuyển sinh của trường gặp nhiều khó khăn, trung bình hằng năm chỉ tuyển được hơn 50% chỉ tiêu kế hoạch, thậm chí có năm chỉ đạt 30%. Đặc biệt là sau dịch Covid-19, ngành Y được xem là ngành, nghề nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm nên ít được phụ huynh, HS lựa chọn.

Sinh viên Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang thi thực hành kỹ năng nghề.
Ông Nguyễn Doãn Thành - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Du lịch Nha Trang cho rằng, định kiến xã hội "học nghề là thất bại" vẫn tồn tại; trong khi công tác tư vấn hướng nghiệp tại các trường phổ thông chưa hiệu quả, thiếu kết nối bền vững giữa các trường THCS, THPT và cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Nhiều chương trình tư vấn chỉ dừng lại ở mức giới thiệu chung chung về ngành nghề mà không phân tích sâu về nhu cầu thị trường, mức thu nhập, yêu cầu cụ thể của từng nghề, thiếu dữ liệu thực tế về xu hướng việc làm, dẫn đến việc định hướng nghề nghiệp mang tính cảm tính hoặc lạc hậu. Bên cạnh đó, việc tư vấn thường mang tính đại trà, ít chú trọng đến việc đánh giá năng lực, tính cách và đam mê của từng HS; thiếu công cụ trắc nghiệm nghề nghiệp khoa học để giúp HS nhận diện điểm mạnh và nghề nghiệp phù hợp; ít có sự tham gia của doanh nghiệp, chuyên gia trong ngành vào công tác tư vấn. HS ít được tiếp cận với các mô hình làm việc thực tế, môi trường doanh nghiệp, hoặc gặp gỡ người thành công trong nghề.
Theo thầy Phạm Ngọc Ninh - Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Trãi (thị xã Ninh Hòa), khoảng 5 năm trở lại đây, đa số HS của trường đều đậu vào đại học. Tâm lý chung của cha mẹ HS đều muốn con vào đại học, nếu không được mới nghĩ đến hướng khác. Chương trình Giáo dục phổ thông 2018 có hoạt động trải nghiệm, hướng nghiệp là nội dung bắt buộc, nhưng lâu nay chủ yếu vẫn dạy thiên về lý thuyết, còn các hoạt động tham quan thực tế để HS tiếp cận với nghề thì khó áp dụng thường xuyên.
Cần những giải pháp đồng bộ
Tại hội nghị triển khai công tác tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp năm 2025 do Sở GD-ĐT tổ chức vừa qua, đại diện các trường đã trao đổi, đưa ra nhiều giải pháp nhằm đẩy mạnh, nâng cao hơn nữa hiệu quả công tác giáo dục nghề nghiệp. Ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Nha Trang đề xuất một số hình thức hợp tác giữa trường THPT với các cơ sở giáo dục nghề nghiệp như: Tổ chức tư vấn hướng nghiệp tại các trường THPT, giúp HS hiểu rõ về ngành nghề đào tạo của nhà trường; tổ chức cho HS tham quan, trải nghiệm môi trường học tập và cơ sở vật chất hiện đại của nhà trường; các hội thảo chuyên đề về những ngành nghề đang có nhu cầu cao trên thị trường lao động; các cuộc thi tay nghề, thi sáng tạo khoa học kỹ thuật, hoạt động ngoại khóa, giúp HS phát triển kỹ năng và năng khiếu. Bên cạnh đó, cần chia sẻ thông tin về các chính sách học bổng, hỗ trợ học phí, cơ hội việc làm cho HS...
Ông Nguyễn Doãn Thành cho rằng, giải pháp đột phá cho giáo dục nghề nghiệp cần tập trung vào việc đổi mới căn bản công tác hướng nghiệp từ cấp THCS, thông qua mô hình tham quan, trải nghiệm thực tế. Bên cạnh đó, xây dựng chương trình đào tạo kép (vừa học vừa làm) với sự tham gia của các tập đoàn, doanh nghiệp du lịch lớn; tạo lập cơ chế phối hợp đa ngành giữa Sở GD-ĐT, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các trường nghề và doanh nghiệp. Trong công tác tuyên truyền, cần xây dựng chiến dịch truyền thông đa kênh trên các nền tảng truyền hình, báo chí, mạng xã hội với thông điệp rõ ràng; tổ chức chương trình giao lưu, tọa đàm với sự tham gia của doanh nghiệp, chuyên gia và những người thành công từ con đường học nghề... Theo thầy Phạm Ngọc Ninh, các trường cao đẳng nên có các giải pháp hỗ trợ hoạt động hướng nghiệp với nhiều hình thức. Chẳng hạn, ngoài việc đến trực tiếp các trường THPT để tư vấn hướng nghiệp, hoặc tạo điều kiện cho HS THPT đến trường mình tham quan, trải nghiệm, các trường cần đẩy mạnh truyền thông ở các xã, phường, trung tâm học tập cộng đồng... để từng bước thay đổi nhận thức, suy nghĩ của cộng đồng về học nghề.
Theo ông Văn Đình Tri - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, việc đẩy mạnh hoạt động tư vấn tuyển sinh, giáo dục hướng nghiệp cho HS THPT là nhiệm vụ cấp thiết, đòi hỏi sự tham gia, phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp và trường phổ thông. Hiện nay, lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp được chuyển giao cho ngành GD-ĐT quản lý là điều kiện thuận lợi, tạo nền tảng để triển khai đồng bộ, thống nhất công tác này. Sở sẽ nghiên cứu, ban hành kế hoạch định hướng cho các trường trong việc phối hợp triển khai, tham mưu chính sách hỗ trợ cho HS theo học nghề. Đồng thời, tăng cường kết nối công tác tuyển sinh, giáo dục hướng nghiệp giữa các trường phổ thông với trường nghề trong thời gian tới...
Toàn tỉnh hiện có 20 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, trong đó có 4 trường cao đẳng, 10 trường trung cấp, 6 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Ngoài ra, còn có 12 cơ sở hoạt động giáo dục nghề nghiệp, gồm 1 trường đại học tham gia đào tạo trình độ cao đẳng các ngành thuộc lĩnh vực nghệ thuật và các doanh nghiệp có đăng ký hoạt động giáo dục nghề nghiệp trình độ sơ cấp. Tổng quy mô tuyển sinh hằng năm của hệ thống giáo dục nghề nghiệp trên địa bàn tỉnh hơn 30.000 học viên. Trong đó, trình độ cao đẳng hơn 4.300 sinh viên với 29 nghề đào tạo; trình độ trung cấp hơn 6.300 HS với 33 nghề đào tạo; còn lại là sơ cấp.