Nga tấn công tên lửa như vũ bão, Ukraine lâm nguy khi lá chắn Patriot sắp cạn
Ukraine ngày càng lo ngại về khả năng tiếp tục nhận viện trợ hệ thống phòng không Patriot do Mỹ sản xuất trong bối cảnh kho dự trữ từ thời chính quyền cựu Tổng thống Biden đang cạn kiệt và chính quyền mới tỏ ra do dự trong việc tiếp tục viện trợ, 6 quan chức Ukraine và phương Tây tiết lộ.
Tình thế nghìn cân treo sợi tóc của Ukraine
Trong khi Nga liên tục tấn công Ukraine bằng máy bay không người lái (UAV) và tên lửa hành trình, loại vũ khí gây lo ngại nhất vẫn là tên lửa đạn đạo và chỉ có tên lửa Patriot mới có khả năng đánh chặn hiệu quả. Các tên lửa đạn đạo có tốc độ lên đến vài km mỗi giây và từng phá hủy một nửa hệ thống năng lượng của Ukraine trong các cuộc không kích vào năm 2023 và 2024.
Tốc độ và kích thước, cùng với việc khó bị đánh chặn đã khiến tên lửa đạn đạo trở thành một trong những vũ khí hiệu quả nhất trong kho vũ khí của Nga, đặc biệt khi tấn công vào các cơ sở hạ tầng.

Tổ hợp phòng không Patriot. Ảnh: Reuters
Nhu cầu cấp thiết của Ukraine đối với hệ thống Patriot trở nên rõ ràng hơn vào cuối tuần qua khi lực lượng phòng không nước này không thể đánh chặn bất kỳ tên lửa nào trong số 9 tên lửa đạn đạo được Nga phóng vào đêm 24 và rạng sáng 25/5. Hai tên lửa trong số đó nhắm vào thủ đô Kiev, nơi được cho là có ít nhất 2 tổ hợp phòng không Patriot đang hoạt động.
Bên cạnh tên lửa đạn đạo, Nga cũng đã phóng hơn 900 UAV và 65 tên lửa hành trình trong cuối tuần, đánh dấu một trong những đợt không kích lớn nhất của cuộc xung đột, cho thấy Moscow đang tăng cường tấn công sau một giai đoạn nhịp độ tấn công giảm dần trong tháng 5. Lực lượng phòng không Ukraine cho biết phần lớn các cuộc tấn công không bao gồm tên lửa đạn đạo đều bị đánh chặn hoặc thất bại.
Tổng thống Mỹ Donald Trump tối 25/5 đã chỉ trích các cuộc tấn công của Nga nhưng không đưa ra bất kỳ cam kết nào về viện trợ quân sự bổ sung.
"Ông Putin đã trở nên hoàn toàn điên rồ", ông Trump viết trên mạng xã hội Truth Social. Người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov gọi phát biểu này là "biểu hiện của tình trạng quá tải cảm xúc từ tất cả các bên liên quan".
Yêu cầu viện trợ quân sự chủ yếu mà Ukraine gửi đến chính quyền ông Trump là bổ sung thêm tên lửa và bệ phóng Patriot "mà nói thẳng ra thì là chúng tôi hiện không có", Ngoại trưởng Mỹ Marco Rubio nói trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện.
Ông Rubio cho biết, Mỹ đang "khuyến khích" các đồng minh NATO chuyển giao tên lửa và các hệ thống Patriot từ kho vũ khí của họ. Tuy nhiên, ông cũng thừa nhận "không có nước nào muốn từ bỏ hệ thống Patriot của mình".
Một nhà ngoại giao châu Âu ở Kiev thông báo nhà sản xuất Raytheon của Mỹ vẫn đang trong quá trình mở rộng dây chuyền sản xuất để đáp ứng nhu cầu tăng cao sau năm 2022.
"Mỹ cần giữ lại số lượng nhất định hệ thống này để phòng thủ trong trường hợp bị tấn công từ Iran hoặc các đối thủ khác", nhà ngoại giao giấu tên này cho hay.
Tuy nhiên, các quan chức Ukraine tại Kiev tin rằng chính quyền ông Trump sẵn sàng bán thêm hệ thống Patriot cho Ukraine thay vì viện trợ miễn phí như chính quyền tiền nhiệm. Một quan chức cấp cao Ukraine nói rằng ông không nghĩ Washington sẽ ngăn cản việc bán các hệ thống phòng không trong tương lai cho Ukraine nhưng ông hiểu Nhà Trắng sẽ "không cung cấp chúng miễn phí".
"Họ suy nghĩ như những người làm kinh doanh. Nếu tôi cho anh thứ gì đó thì anh phải đáp lại tôi thứ gì đó. Chúng ta phải thích nghi với cách tiếp cận này", quan chức Ukraine nói.
Các phát ngôn viên của Lầu Năm Góc và Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ chưa phản hồi các yêu cầu bình luận về chính sách viện trợ an ninh của Mỹ dành cho Ukraine.
Nhu cầu cấp bách của Ukraine với hệ thống Patriot
Trong khi đó, theo tình báo quân sự Ukraine, kể từ mùa thu năm ngoái, Triều Tiên đã cung cấp cho Điện Kremlin khoảng 250 tên lửa đạn đạo. Báo cáo từ lực lượng phòng không Ukraine cho biết Nga đã sử dụng tên lửa KN-23 của Triều Tiên trong 6 trên tổng số 9 cuộc tấn công bằng tên lửa đạn đạo trong tháng 5, bao gồm cả đợt không kích quy mô lớn vào 25/5 vừa qua.
Chính quyền Tổng thống Trump đã cho phép Đức tái xuất khẩu vật tư liên quan đến hệ thống Patriot sang Ukraine sau khi Kiev ký một thỏa thuận khoáng sản với Washington vào tháng 4. Mỹ có quyền phủ quyết với việc bán lại bất kỳ thiết bị quân sự nào do nước này sản xuất. Trong những tuần gần đây, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Boris Pistorius nói với báo giới rằng nước này sẽ cung cấp tên lửa Patriot cho Ukraine cùng với 4 hệ thống IRIS-T - một vũ khí tầm ngắn tới tầm trung đối phó hiệu quả với tên lửa hành trình nhưng không phải với tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, theo một nhà ngoại giao châu Âu, Đức dự kiến sẽ chuyển giao cho Ukraine các tên lửa Patriot PAC-2 đời cũ, vốn kém hiệu quả hơn trong việc đánh chặn tên lửa đạn đạo so với phiên bản PAC-3 mới hơn. Người này cho biết, hệ thống còn lại duy nhất có khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo là Aster - một loại tên lửa của châu Âu - tuy nhiên hiệu quả thực tế vẫn chưa được kiểm chứng.
Một quan chức tình báo cấp cao Ukraine cho biết ngay cả tên lửa PAC-3 cũng không thể đánh chặn được Oreshnik – loại tên lửa đạn đạo tầm trung mới của Nga ra mắt vào tháng 11 năm ngoái.
Quan chức tình báo cấp cao Ukraine nhấn mạnh, mặc dù Ukraine có thể sử dụng hệ thống phòng không tự sản xuất trong nước và sự hỗ trợ của châu Âu để đối phó với UAV và tên lửa hành trình nhưng vẫn cần Patriot để đánh chặn tên lửa đạn đạo.
Quan chức này cũng cho rằng việc các quốc gia khác viện trợ tên lửa hoặc hệ thống Patriot cho Ukraine là một yêu cầu không đơn giản, bởi đây là vũ khí đắt đỏ và là trụ cột trong năng lực phòng thủ quốc gia của từng nước.
“Họ nên cân nhắc giữa lợi ích của việc hỗ trợ Ukraine với rủi ro làm suy yếu chính mình. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Mỹ. Chúng tôi rất biết ơn họ vì hệ thống này nhưng thực sự như thế là chưa đủ, rất rất xa mới đủ", quan chức Ukraine đánh giá.
Các đồng minh NATO đã đàm phán trong nhiều tuần để tìm thêm hệ thống Patriot cho Ukraine, có thể từ một quốc gia châu Âu nhưng cho đến nay vẫn chưa có đột phá, 3 quan chức châu Âu tiết lộ.
“Các cuộc thảo luận thường theo kiểu "Chúng tôi có thể nhượng hệ thống này, nhưng đổi lại chúng tôi muốn có hệ thống mới với giá ưu đãi hơn"”, một quan chức cho biết khi mô tả các cuộc thương lượng nhằm mua hệ thống Patriot mới từ Mỹ trong tương lai để đổi lấy việc cung cấp ngay một hệ thống cho Ukraine hiện tại.
Vấn đề hệ thống phòng không dự kiến sẽ được đưa ra thảo luận khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Pete Hegseth tới trụ sở NATO để dự cuộc họp vào đầu tháng 6, một quan chức cho hay và tiết lộ có thể sẽ có một tuyên bố cam kết viện trợ cho Ukraine được đưa ra vào thời điểm đó, tuy nhiên không phải từ phía Mỹ.
Chính quyền ông Trump dường như không muốn công bố các gói viện trợ vũ khí quy mô lớn cho Kiev bởi họ cho rằng điều đó có thể làm chệch hướng tiến trình đàm phán.