Nga nâng cao vị thế bằng năng lượng hạt nhân
Với những dự án năng lượng hạt nhân ở nhiều nước trên thế giới, Nga đang khẳng định thế mạnh của mình trong lĩnh vực này. Đó cũng chính là cách giúp Nga nâng cao vị thế trên toàn cầu và tăng cường quan hệ với các nước đối tác.
Theo trang tin News.az, trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với những thách thức cấp bách như phát triển bền vững, bảo đảm an ninh năng lượng và nhu cầu giảm phát thải carbon, năng lượng hạt nhân trở thành một yếu tố quan trọng trong chiến lược của Moscow. Ông Boris Titov, Đặc phái viên của Tổng thống Nga về hợp tác quốc tế trong phát triển bền vững cho biết, với sự hỗ trợ của Nga, hơn 10 nhà máy điện hạt nhân đang được xây dựng ở nhiều quốc gia.
Khi các lệnh trừng phạt từ phương Tây làm hạn chế khả năng tiếp cận công nghệ và thị trường của Nga, năng lượng hạt nhân đã nổi lên như một nền tảng quan trọng trong chương trình nghị sự kinh tế và địa chính trị của Moscow. Bằng cách đầu tư mạnh vào lĩnh vực này, Nga không chỉ tìm cách bảo đảm lợi ích kinh tế mà còn tăng cường đòn bẩy địa chính trị của mình. Các dự án đang được tiến hành tại các nước như: Trung Quốc, Bangladesh, Ai Cập, Ấn Độ, Iran và Thổ Nhĩ Kỳ... phản ánh cam kết của Moscow trong việc củng cố quan hệ với các nước đối tác trên toàn cầu.
Nga có cách tiếp cận độc đáo đối với các đối tác năng lượng hạt nhân quốc tế khi cung cấp gói dịch vụ toàn diện, từ xây dựng nhà máy điện hạt nhân đến bảo trì dài hạn và cung cấp nhiên liệu. Chiến lược này mang lại cho Moscow ảnh hưởng đáng kể đối với các quốc gia đối tác. Một trong những ví dụ nổi bật nhất là Nhà máy điện hạt nhân Akkuyu của Thổ Nhĩ Kỳ. Đây là dự án quan trọng tượng trưng cho chiều sâu của quan hệ đối tác chiến lược giữa Ankara và Moscow. Ngoài việc tăng cường an ninh năng lượng của đất nước, Akkuyu-nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Thổ Nhĩ Kỳ còn đại diện cho sự hội nhập kinh tế sâu sắc hơn giữa Ankara và Moscow, khẳng định vai trò của năng lượng hạt nhân trong việc củng cố quan hệ song phương. Theo kế hoạch, tổ máy đầu tiên của nhà máy này sẽ được Thổ Nhĩ Kỳ đưa vào vận hành với tổng công suất là 4.800MW khi quá trình xây dựng hoàn tất vào năm 2025.
Trong bối cảnh tình hình năng lượng toàn cầu đang thay đổi do nhu cầu cấp thiết phải giảm phát thải carbon và bảo đảm nguồn cung cấp năng lượng đáng tin cậy, năng lượng hạt nhân ngày càng được coi là giải pháp bền vững cho những thách thức này. Tầm quan trọng của năng lượng hạt nhân cũng là chủ đề chính tại Hội nghị lần thứ 29 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP29) ở Baku, Azerbaijan hồi tháng 11-2024. Hội nghị đã nhấn mạnh vai trò ngày càng tăng của năng lượng hạt nhân trong việc giải quyết các thách thức về năng lượng toàn cầu. Theo Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA), sản lượng điện hạt nhân trên toàn thế giới dự kiến sẽ tăng 155% vào năm 2050. Là một bên dẫn đầu trong lĩnh vực này, Nga có vị thế tốt để tận dụng xu hướng này.
Khi Nga tìm cách củng cố chỗ đứng của mình trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu, các quốc gia phương Tây đang cố gắng hành động để chống lại ảnh hưởng của nước này. Tuy nhiên, nỗ lực này đang phải đối mặt với những rào cản đáng kể. Trong Liên minh châu Âu (EU), sự chia rẽ nội bộ ngày càng trở nên rõ ràng. Các quốc gia thành viên như Hungary và Slovakia đã phản đối các lệnh trừng phạt nhắm vào năng lượng hạt nhân của Nga với lý do rằng những biện pháp như vậy gây ra mối đe dọa trực tiếp đến an ninh năng lượng của họ.
Không e ngại trước các lệnh trừng phạt của phương Tây, Nga đang tìm kiếm cơ hội ở những thị trường mới nổi để đa dạng hóa nhóm khách hàng của mình. Thỏa thuận gần đây với Burkina Faso là tín hiệu cho thấy ý định mở rộng ảnh hưởng của Moscow ở châu Phi. Tương tự như vậy, các cuộc đàm phán giữa Nga với Malaysia phản ánh sự quan tâm ngày càng tăng đối với việc áp dụng năng lượng hạt nhân như một phần của các mục tiêu phát triển bền vững. Những công nghệ hạt nhân của Nga đặc biệt hấp dẫn đối với các nền kinh tế mới nổi do độ tin cậy và hiệu quả về chi phí so với những giải pháp thay thế của phương Tây. Những lợi thế này giúp Nga bảo đảm được các hợp đồng ngay cả khi phải đối mặt với những thách thức đáng kể về hậu cần và địa chính trị.
Bất chấp các lệnh trừng phạt và sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các công ty phương Tây, Nga vẫn tiếp tục mở rộng ảnh hưởng của mình trên thị trường năng lượng hạt nhân toàn cầu. Chiến lược này cho phép Moscow củng cố vai trò của mình như một bên chủ chốt trong việc giải quyết các thách thức về năng lượng và môi trường của thế giới.