Elon Musk lùi bước
Từng chi gần 300 triệu USD hậu thuẫn ông Trump, Elon Musk bất ngờ tuyên bố sẽ giảm mạnh chi tiêu chính trị, đánh dấu bước chuyển hướng trở lại với đế chế kinh doanh.

Elon Musk tuyên bố cắt giảm mạnh chi tiêu chính trị, củng cố quyền kiểm soát Tesla. Ảnh: Reuters.
Phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế tổ chức ở Qatar hôm 20/5, Elon Musk khẳng định: “Về vấn đề tài trợ chính trị, tôi sẽ làm ít hơn rất nhiều trong thời gian tới. Tôi nghĩ mình đã làm đủ rồi”.
Tuyên bố trên được đưa ra sau khi Elon Musk, người giàu nhất thế giới, đã chi gần 300 triệu USD trong năm qua để hậu thuẫn chiến dịch tranh cử của ông Trump và các ứng cử viên đảng Cộng hòa khác.
Nếu quyết tâm rút lui, Musk có thể khiến đảng Cộng hòa mất đi nhà tài trợ lớn nhất, nhưng đồng thời, đây cũng có thể là cú hích để vực dậy giá trị của các công ty như Tesla hay SpaceX, nơi Musk đang nắm giữ cổ phần kiểm soát và vai trò điều hành then chốt.
Cam kết gắn bó với Tesla, giảm vai trò chính trị
Cũng trong sự kiện trên, Elon Musk khẳng định ông sẽ tiếp tục giữ chức CEO Tesla ít nhất 5 năm nữa. Đây được xem là động thái trấn an cổ đông, sau khi có nhiều lo ngại rằng ông đã phân tán quá nhiều nguồn lực cho các hoạt động chính trị và vai trò trong chính quyền Trump, đặc biệt là khi ông lãnh đạo nỗ lực cắt giảm ngân sách quy mô lớn trong toàn bộ bộ máy liên bang.
“Tôi sẽ tiếp tục giữ quyền kiểm soát hợp lý tại Tesla, đó là yếu tố quan trọng nhất để tôi ở lại vị trí CEO”, Musk nhấn mạnh. Ông từng nói rằng mình cảm thấy không yên tâm nếu phát triển Tesla thành một công ty dẫn đầu về AI và robot mà không sở hữu ít nhất 25% quyền biểu quyết.

Elon Musk khẳng định ông sẽ giữ chức CEO Tesla ít nhất 5 năm nữa trong một diễn đàn kinh tế ở Qatar ngày 20/5. Ảnh: Bloomberg.
Một nguồn tin từ Nhà Trắng cho biết dù Musk tuyên bố giảm chi tiêu chính trị, ông vẫn sẽ tiếp tục ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa thông qua các kênh khác như cố vấn, quyên góp gián tiếp và ảnh hưởng không chính thức trong mạng lưới các nhà tài trợ lớn.
“Việc Elon Musk lùi bước phần nào là phản ứng hợp lý trước làn sóng chỉ trích chính trị gần đây”, nguồn tin cho hay.
Tuy nhiên, Musk cũng để ngỏ khả năng quay lại chính trường nếu tình hình thay đổi: "Nếu tôi thấy có lý do chính đáng để tài trợ chính trị trong tương lai, tôi sẽ làm".
Vai trò tài chính chính trị từng cực lớn, nhưng đang suy giảm
Việc Musk trở thành một trong những gương mặt công khai ủng hộ ông Trump đã khiến các thương hiệu như Tesla đối mặt với làn sóng tẩy chay và biểu tình tại Mỹ và châu Âu. Doanh số Tesla lao dốc, cổ phiếu mất giá, khiến công ty lần đầu tiên ghi nhận sụt giảm giao hàng theo năm và dự báo sẽ tiếp tục đi xuống trong năm nay sau khi giảm 13% trong quý I.
Trước những áp lực này, Musk từng nói sẽ chỉ dành một đến hai ngày mỗi tuần cho công việc tại Bộ Hiệu quả Chính phủ (DOGE) - nơi ông đứng đầu chiến dịch cắt giảm hàng chục nghìn việc làm, hủy hàng tỷ USD hợp đồng liên bang và gần như toàn bộ viện trợ nước ngoài của Mỹ.
Tuy nhiên, bản thân Musk cũng đang “kiệt sức và thất vọng” với hậu quả mà chính trị mang lại cho các công ty của ông, theo một nguồn tin tiết lộ với Reuters.
Năm ngoái, Musk đã rót hàng trăm triệu USD vào các ủy ban hành động chính trị siêu cấp (super PAC) thân đảng Cộng hòa, tài trợ chiến dịch truyền thông và các hoạt động then chốt tại các bang chiến trường.
Đáng chú ý, ông còn chi hơn 20 triệu USD để ủng hộ một ứng viên bảo thủ trong cuộc bầu cử Tối cao Pháp viện tại Wisconsin, biến cuộc đua này thành cuộc bầu cử tư pháp đắt đỏ nhất lịch sử Mỹ. Tuy nhiên, ứng viên tự do vẫn giành chiến thắng áp đảo, được xem như cuộc trưng cầu dân ý sớm cho nhiệm kỳ thứ hai của ông Trump.
Giờ đây, nếu Musk thực sự rút lui, đảng Cộng hòa có thể phải quay về dựa vào các nhà tài trợ truyền thống và đẩy mạnh vận động quyên góp từ cơ sở để chuẩn bị cho cuộc bầu cử quốc hội năm tới.

Elon Musk từng là một nhà tài trợ lớn của đảng Cộng hòa, đặc biệt trong chiến dịch tái tranh cử của Tổng thống Donald Trump. Ảnh: Reuters.
“Có thể ảnh hưởng đến quỹ vận động? Có, nhưng không quá nghiêm trọng, vì vẫn còn nhiều kênh huy động khác”, Ron Bonjean, chiến lược gia kỳ cựu của đảng Cộng hòa tại Washington, nhận định. “Musk từng giúp mọi thứ dễ dàng hơn. Nhưng giờ ông Trump đã trở lại làm tổng thống, ông ấy chính là người đứng đầu chiến dịch gây quỹ”.
Hình ảnh chia rẽ và rủi ro thị trường
Theo khảo sát của Reuters/Ipsos, công chúng Mỹ đang có cái nhìn phân cực rõ rệt về Elon Musk. Trong khi phần lớn cử tri Cộng hòa vẫn đánh giá tích cực về ông, đa số cử tri Dân chủ lại có quan điểm hoàn toàn trái ngược.
Trong cuộc khảo sát diễn ra ngày 12-13/5, 58% người được hỏi cho biết họ có cái nhìn tiêu cực về Musk, trong khi chỉ 39% bày tỏ thiện cảm.
Cổ phiếu Tesla từng tăng 3,3% sau phát biểu của Musk về việc ở lại vị trí CEO, nhưng sau đó nhanh chóng mất đà và chỉ còn tăng nhẹ 1%. Kể từ khi ông Trump nhậm chức, cổ phiếu Tesla đã mất khoảng 20% giá trị, trái ngược với kỳ vọng ban đầu rằng chính quyền mới sẽ tạo điều kiện thúc đẩy robotaxi, một yếu tố then chốt trong định giá tương lai của Tesla.
Trước đó, Chủ tịch Tesla, bà Robyn Denholm, đã phủ nhận thông tin của Wall Street Journal rằng hội đồng quản trị đang tìm người thay thế Musk. Tại Qatar, Musk cũng khẳng định Tesla đang phục hồi doanh số và nhu cầu tại các khu vực ngoài châu Âu vẫn rất mạnh.