Nếu bị cáo Trương Mỹ Lan khắc phục 3/4 tài sản thì ai quyết định giảm án tử cho bà?

Bạn đọc thắc mắc sau khi tuyên án bà Lan khắc phục 3/4 hậu quả vụ án thì thủ tục chuyển từ tử hình xuống chung thân sẽ thực hiện ra sao, ai là người có ra quyết định?

TAND Cấp cao tại TP.HCM vừa tuyên án phúc thẩm giai đoạn 1 vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát (VTP), Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) và các đơn vị, tổ chức liên quan.

Theo đó, HĐXX tuyên y án tử hình về tội tham ô tài sản đối với bị cáo Trương Mỹ Lan (1 trong ba tội mà bị cáo Lan phạm phải).

 Bị cáo Trương Mỹ Lan nghe tuyên án phúc thẩm. Ảnh: NGUYỄN NHI

Bị cáo Trương Mỹ Lan nghe tuyên án phúc thẩm. Ảnh: NGUYỄN NHI

Trong phần nhận định, HĐXX cho biết hành vi của bà Trương Mỹ Lan gây ra đặc biệt nghiêm trọng, là người chủ mưu, đưa ra chủ trương cho các bị cáo khác thực hiện, cùng một lúc gây ra ba hành vi phạm tội, gây mất an ninh tiền tệ quốc gia. Tòa án cấp sơ thẩm tuyên 20 năm tù về tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng; tử hình về tội tham ô tài sản; 20 năm tù về tội đưa hối lộ là có căn cứ, phù hợp với tính chất, hành vi phạm tội mà bị cáo thực hiện.

Tại phiên tòa phúc thẩm bị cáo đã đưa ra các phương án, đưa tài sản vào để khắc phục hậu quả. Tuy nhiên các tài sản bị cáo đưa vào chưa đủ căn cứ pháp lý để xác định giá trị tài sản từ đó không có căn cứ xác định bị cáo đã khắc phục đủ ¾ hậu quả của vụ án để áp dụng giảm nhẹ hình phạt tử hình cho bị cáo.

Tuy nhiên, nếu sau khi HĐXX tuyên án mà bị cáo vẫn tích cực, phối hợp khắc phục hậu quả vụ án trong quá trình thi hành án và đáp ứng đủ điều kiện khắc phục đủ ¾ hậu quả của vụ án theo quy định thì sẽ được cấp có thẩm quyền xem xét giảm nhẹ hình phạt từ tử hình xuống chung thân.

Từ đây, nhiều bạn đọc thắc mắc nội dung này được quy định ở đâu và trong trường hợp sau khi tuyên án bà Lan khắc phục 3/4 hậu quả vụ án thì thủ tục chuyển từ tử hình xuống chung thân sẽ thực hiện ra sao, ai là người có ra quyết định?

Về vấn đề này, khoản 3, 4 Điều 40 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định: Không thi hành án tử hình đối với người bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ mà sau khi bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong việc phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn.

Trong trường hợp này, hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân.

Hướng dẫn thi hành nội dung này, Nghị quyết 01/2016 của Hội đồng Thẩm phán TAND Tối cao có nêu rõ: "Chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ” là sau khi bị kết án tử hình về tội tham ô tài sản, tội nhận hối lộ, người bị kết án đã chủ động nộp lại ít nhất ba phần tư tài sản tham ô, nhận hối lộ hoặc người bị kết án đã tích cực tác động để cha, mẹ, vợ, chồng, con, anh, chị, em và những người khác khắc phục hậu quả và những người này đã thực hiện việc nộp lại ít nhất ba phần tư giá trị tài sản mà người bị kết án đã tham ô, nhận hối lộ.

Trong trường hợp được hình phạt tử hình được chuyển thành tù chung thân theo quy định nêu trên, Chánh án Tòa án đã xét xử sơ thẩm (trường hợp này sẽ là Chánh án TAND TP.HCM) chủ trì, phối hợp với Cơ quan Công an, Viện kiểm sát, Cơ quan thi hành án dân sự cùng cấp rà soát, báo cáo ngay Chánh án TAND Tối cao để Chánh án TAND Tối cao ra quyết định chuyển hình phạt tử hình thành tù chung thân.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/neu-bi-cao-truong-my-lan-khac-phuc-34-hau-qua-thi-ai-quyet-dinh-giam-an-tu-cho-ba-post822850.html
Zalo