Cho vay lấy lời, có được thỏa thuận lãi phạt chậm trả?

Bị chậm trả, thậm chí là quỵt nợ không còn là điều hiếm trong quan hệ vay mượn trên thực tế, do đó việc thỏa thuận lãi phạt chậm trả có được phép không là vấn đề được nhiều người quan tâm.

Gửi câu hỏi tới chuyên mục "Chat với chuyên gia" do Trường ĐH Luật TP.HCM cùng báo Pháp Luật TP.HCM tổ chức, chị Thanh Nga (ngụ Gia Lai) hỏi: Cho vay tiền lấy lời, bên cho vay và bên đi vay có được thỏa thuận điều khoản về “lãi phạt” nếu chậm trả hay không?

 Cho vay lấy lời, có được thỏa thuận lãi phạt chậm trả?

Cho vay lấy lời, có được thỏa thuận lãi phạt chậm trả?

Giải đáp vấn đề này, ThS Trần Nhân Chính, giảng viên khoa Luật Dân sự, Trường ĐH Luật TP.HCM cho biết:

Theo quy định của khoản 5 Điều 466 Bộ luật dân sự 2015 (sau đây gọi tắt là BLDS), trong trường hợp vay có lãi mà khi đến hạn bên vay không trả hoặc trả không đầy đủ thì bên vay phải trả lãi như sau:

- Lãi trên nợ gốc theo lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng tương ứng với thời hạn vay mà đến hạn chưa trả;

- Lãi chậm trả trên nợ gốc trong hạn theo mức lãi suất theo quy định tại khoản 2 Điều 468 BLDS (tối đa 10%/năm tính trên số dư lãi chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả);

- Lãi trên nợ gốc quá hạn chưa trả bằng 150% lãi suất vay theo hợp đồng tương ứng với thời gian chậm trả, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

Như vậy, ngoài ba loại lãi kể trên, các loại lãi suất khác do các bên thỏa thuận sẽ không được tòa án chấp nhận trong trường hợp các bên có tranh chấp.

Tuy nhiên, “lãi phạt” cũng có thể được hiểu theo hướng các bên có thể có thỏa thuận về một khoản tiền phạt vi phạm. Theo quy định tại Điều 418 BLDS 2015, phạt vi phạm là sự thỏa thuận giữa các bên trong hợp đồng, theo đó bên vi phạm nghĩa vụ phải nộp một khoản tiền cho bên bị vi phạm, và mức phạt vi phạm do các bên thỏa thuận (trừ một số trường hợp luật liên quan có quy định khác). Do đó, trong trường hợp các bên có thỏa thuận trong hợp đồng về việc bên vay phải chịu phạt vi phạm khi bên vay không trả hoặc không trả đầy đủ, bên cạnh khoản tiền gốc và ba loại lãi suất được liệt kê tại khoản 5 Điều 466 BLDS, bên vay sẽ phải chịu phạt vi phạm trong trường hợp bên cho vay có yêu cầu.

Trong trường hợp áp dụng điều khoản về phạt vi phạm trong hợp đồng cho vay, ta cần lưu ý một số vấn đề sau:

- Trong trường hợp hợp đồng cho vay chịu sự điều chỉnh của Luật thương mại, các bên không được tự do thỏa thuận về mức phạt vi phạm. Theo quy định của Điều 301 Luật Thương mại năm 2005 thì mức phạt đối với vi phạm nghĩa vụ hợp đồng hoặc tổng mức phạt đối với nhiều vi phạm do các bên thỏa thuận trong hợp đồng, nhưng không quá 8% giá trị phần nghĩa vụ hợp đồng bị vi phạm.

- Cách giải quyết kể trên sẽ không được áp dụng trong hợp đồng cho vay giữa tổ chức tín dụng với khách hàng. Chiếu theo quy định tại khoản 1 Điều 25 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì trường hợp tổ chức tín dụng và khách hàng đã có thỏa thuận về trả lãi tiền vay theo khoản 4 Điều 13 Thông tư số 39/2016/TT-NHNN thì không được thỏa thuận về phạt vi phạm và bồi thường thiệt hại.

NGUYỄN QUÝ

Nguồn PLO: https://plo.vn/cho-vay-lay-loi-co-duoc-thoa-thuan-lai-phat-cham-tra-post822920.html
Zalo