Nét văn hóa miền núi phía Bắc ở đất phương Nam

Hàng năm, vào ngày mùng 8 tháng Giêng âm lịch, tại xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, Đồng Nai lại diễn ra Lễ hội Lồng Tồng, một lễ hội mang đậm giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc Tày, Nùng.

Biểu diễn múa và hát Then tại Lễ hội. (Ảnh trong bài: Tiến Dũng)

Biểu diễn múa và hát Then tại Lễ hội. (Ảnh trong bài: Tiến Dũng)

Ấp 8, xã Thanh Sơn với những con đường rợp bóng cây xanh, những ngôi nhà ẩn hiện sau các tán cây, là địa phương có nhiều cư dân di cư từ các tỉnh miền núi phía Bắc như: Cao Bằng, Bắc Kạn, Lạng Sơn... Vào phương Nam nhưng họ vẫn gìn giữ những giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc mình, trong đó Lồng Tồng là một trong những lễ hội quan trọng nhất.

Bà Hoàng Thị Huyên, Trưởng Ban công tác Mặt trận ấp, đồng thời là Đội trưởng đội hát Then đàn tính ấp 8 cho biết, Lồng Tồng (còn gọi Lễ hội xuống đồng) là một nét văn hóa độc đáo. Với mong ước mưa thuận, gió hòa, mùa màng bội thu, Lễ hội thể hiện tín ngưỡng phồn thực cổ xưa của người dân tộc Tày, Nùng, kết hợp với việc thờ cúng Thành hoàng làng, Địa thần, những người có công với đất nước, khai lập làng.

 Thực hiện nghi thức cày ruộng với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại an khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.

Thực hiện nghi thức cày ruộng với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại an khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.

Lễ hội bắt đầu bằng phần lễ trang trọng, nơi người dân rước mâm Tồng về trung tâm khu cánh đồng lúa Bàu Kiên của ấp 8. Mâm Tồng gồm những sản vật địa phương, thể hiện lòng biết ơn với các vị thần đã phù hộ Nhân dân. Thầy cả, người cúng chính của buổi lễ, cùng với các thầy giúp việc, thực hiện nghi lễ đặt mâm Tồng, tạ ơn trời đất và cầu mong sự ấm no, hạnh phúc cho mọi gia đình. Cuối phần lễ là nghi lễ xuống đồng, nơi người dân thực hiện nghi thức cày ruộng với mong muốn đường cày may mắn đầu năm sẽ mang lại an khang, vật thịnh, mùa màng bội thu.

Sau phần lễ, phần hội diễn ra với nhiều hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao hấp dẫn. Các trò chơi dân gian đặc sắc như tung còn, hát Then, hát cọi, đánh yến, đánh cờ tướng, múa sạp, bịt mắt bắt vịt, đẩy gậy… đều thu hút đông đảo người dân và du khách. Trong số đó, trò thi ném còn nổi bật hơn cả, là hoạt động không thể thiếu trong lễ hội. Đây là một truyền thống văn hóa mang đậm bản sắc dân tộc của bà con dân tộc Tày, Nùng, thể hiện sự khéo léo và tinh thần đoàn kết của cộng đồng.

Bà Huyên cho biết, những năm gần đây, đời sống vật chất, văn hóa của Nhân dân xã Thanh Sơn ngày càng được nâng cao; Lễ hội Lồng Tồng diễn ra sôi nổi, phong phú hơn; không chỉ thu hút bà con Nhân dân trong xã mà còn cả các xã lân cận, tạo nên một không khí lễ hội đông vui, nhộn nhịp. Những hoạt động văn hóa, thể thao không chỉ mang lại niềm vui, sự phấn khởi cho người dân mà còn góp phần bảo tồn phát huy giá trị văn hóa truyền thống dân tộc.

Tham gia trò chơi ném còn tại Lễ hội.

Tham gia trò chơi ném còn tại Lễ hội.

Theo những cao tuổi ở ấp 8, xã Thanh Sơn, Lễ hội Lồng Tồng không chỉ là một dịp để cầu mong cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc mà còn là một biểu tượng cho sự đoàn kết, gắn bó của cộng đồng. Với những giá trị văn hóa đặc sắc, Lễ hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tinh thần của người dân nơi đây.

Một lãnh đạo UBND huyện Định Quán cho biết: “Lễ hội Lồng Tồng tại xã Thanh Sơn không chỉ là một sự kiện văn hóa đặc sắc của đồng bào dân tộc Tày, Nùng; mà còn là một biểu tượng cho sự đoàn kết và gắn bó của cộng đồng. Điều này không chỉ giúp bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống mà còn thu hút du khách đến với huyện Định Quán, góp phần phát triển kinh tế địa phương. Chúng tôi luôn khuyến khích và tạo điều kiện để Lễ hội diễn ra sôi nổi, phong phú hơn mỗi năm, nhằm nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho người dân và thu hút sự quan tâm của du khách”.

Tiến Dũng

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/net-van-hoa-mien-nui-phia-bac-o-dat-phuong-nam-post539198.html
Zalo