Nét đẹp văn hóa ngày tết

Với người Việt Nam, tết cổ truyền không chỉ thiêng liêng, mà còn là những ngày trọng đại nhất trong một năm. Chính vì thế, dù đi đâu, làm gì cứ đến tết là mọi người là quay quần bên nhau để cùng kể cho nhau nghe những câu chuyện đáng nhớ, cùng ôn lại những kỷ niệm đẹp và cùng nhau hướng đến những điều tốt đẹp trong năm mới. Để làm rõ hơn nét đẹp của ngày tết, phóng viên BPO có cuộc trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II.

* Thưa Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, tết có từ bao giờ và tết có ý nghĩa như thế nào đối với người Việt Nam chúng ta?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tết Nguyên đán (hay còn được gọi là tết cả, tết ta, tết âm lịch, tết cổ truyền hay đơn giản là tết) diễn ra vào mùa xuân, thời điểm kết thúc một chu kỳ để bước vào một chu kỳ mới, một khởi đầu mới, nên luôn được gửi gắm nhiều ước vọng.

Nguyên nghĩa của chữ “tết” chính là “tiết”. Hai chữ "nguyên đán" thì "nguyên" có nghĩa là sự khởi đầu hay sơ khai, "đán" nghĩa là buổi sáng sớm. "Nguyên đán" là buổi sớm đầu năm… Ngày này là lúc khởi đầu của một tháng, năm và mùa. Vì thế, sáng hôm đó là buổi sáng linh thiêng nhất.

Nguồn gốc của tết và tết có từ bao giờ là câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời giải đáp thống nhất. Có ý kiến cho rằng ngày tết Nguyễn đán có nguồn gốc từ Trung Quốc và được du nhập về Việt Nam trong 1.000 năm Bắc thuộc. Nhưng theo sự tích "Bánh chưng bánh dày" thì người Việt đã ăn tết từ thời vua Hùng, nghĩa là trước thời kỳ Bắc thuộc.

Chính vì mang tính chất sự khởi đầu của một chu trình mới, một tháng mới, năm mới, mùa mới, cho nên tết có ý nghĩa rất lớn trong đời sống của người Việt. Với mỗi người Việt, tết là dịp tụ họp, đoàn viên gia đình. Con cháu đi làm ăn xa, dù bận đến mấy cũng cố gắng về ăn tết với gia đình. Mọi người ai nấy đều cố hoàn thành công việc, giải quyết công việc xong hết trước tết, để có thể đón một năm mới thanh thản, an vui.

Trong tâm thức của người Việt, tết cũng là ngày đoàn tụ với cả những người đã mất. Từ bữa cơm chiều 30, các gia đình đã thắp hương mời hương linh ông bà và tổ tiên, những người thân đã mất về ăn cơm, vui tết với con cháu (cúng gia tiên). Trong mỗi gia đình Việt Nam, bàn thờ gia tiên có một vị trí rất quan trọng. Bàn thờ gia tiên ngày tết là sự thể hiện lòng tưởng nhớ, kính trọng của người Việt đối với tổ tiên, người thân đã khuất với những mâm ngũ quả được lựa chọn kỹ lưỡng; mâm cỗ với nhiều món ngon hay những món ăn quen thuộc của người đã mất. Những ngày tết, khói hương trên bàn thờ gia tiên quyện với không khí thiêng liêng của sự giao hòa vũ trụ làm cho con người trở nên gắn bó với gia đình của mình hơn bao giờ hết.

Người Việt chọn ngày tết làm cơ hội để tạ ơn. Con cái tạ ơn cha mẹ, cha mẹ tạ ơn ông bà, tổ tiên, học trò tạ ơn thầy cô; là thời điểm bày tỏ lòng biết ơn đối với những người giúp đỡ mình.

Tết Nguyên đán là ngày lễ ở nhiều quốc gia thành viên, vì vậy trong phiên họp cuối cùng của năm 2023, Đại Hội đồng Liên hợp quốc đã thông qua nghị quyết lần đầu tiên công nhận tết Nguyên đán là ngày nghỉ lễ hằng năm của Liên hợp quốc và không họp vào ngày đầu tiên của năm mới âm lịch.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Văn hóa và Phát triển, Học viện Chính trị khu vực II

* Chúng ta hiểu đầy đủ ý nghĩa của câu tục ngữ “mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, mùng 3 tết thầy” như thế nào, thưa tiến sĩ?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Tết của người Việt có ba ngày đầu năm âm lịch, được mặc định là dịp dành riêng cho ba mối quan hệ rất đặc biệt và thiêng liêng: Mùng 1 tết cha, mùng 2 tết mẹ, và mùng 3 tết thầy.

Theo quan niệm xưa, cha là bên nội, mẹ là bên ngoại. Tức là mùng 1 vợ chồng, con cái, anh chị em ruột thịt tập trung sang chúc tết bên nội; mùng 2 về nhà ngoại thăm hỏi, chúc tụng, tỏ lòng thành kính; mùng 3 thì thăm thầy thể hiện truyền thống tôn sư trọng đạo.

Mùng 1 tết cha: theo cụ Phan Kế Bính trong sách Việt Nam phong tục (1915): "Cúng gia tiên xong thì con cháu ra mừng tuổi ông bà cha mẹ, lạy hai lạy. Ông bà cha mẹ mừng cho con cháu mỗi đứa một vài xu hoặc một vài hào, gọi là tiền mừng tuổi" (ngoài Bắc gọi là mừng tuổi, trong Nam gọi là lì xì).

Mùng 2 tết mẹ: Sang ngày mùng hai tết, vợ chồng con cái ở riêng hoặc đi làm ăn xa nay có dịp về quê ăn tết nhớ sang nhà ông bà, cha mẹ bên ngoại. Nghi thức chung cũng tương tự như bên nội.

Mùng 3 tết thầy: Sau khi tết cha, tết mẹ xong thì đến ngày mùng 3 mọi người sẽ đi chúc tết thầy cô, người đã có công dạy dỗ mình. Người Việt thường nhắc nhau “Không thầy đố mày làm nên” để nói về công lao dạy dỗ của thầy cô trong cuộc đời của mỗi người. Với truyền thống “Tôn sư trọng đạo”, người Việt luôn quan niệm: “Nhất tự vi sư, bán tự vi sư” (một chữ cũng là thầy, nửa chữ cũng là thầy), “Uống nước nhớ nguồn”, “Ăn quả nhớ kẻ trồng cây” đối với những người có công với mình. Đó cũng là đạo lý ngàn đời của dân tộc ta được trao truyền qua nhiều thế hệ. Người xưa chọn "mùng ba tết thầy" là theo cái đạo nghĩa đó.

* Qua nghiên cứu về văn hóa Việt Nam, tiến sĩ thấy phong tục tết ở 3 miền Bắc, Trung, Nam có những điểm gì khác nhau cơ bản?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Về cơ bản phong tục tết của 3 miền giống nhau, bởi “Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một”. Ngày tết cả 3 miền đều thờ cúng tổ tiên, chuẩn bị mâm cơm cúng, mâm ngũ quả, đều đi chúc tết đầu năm, chơi hoa… Tuy nhiên, cả 3 miền do khí hậu, thời tiết khác nhau, thổ nhưỡng khác nhau nên sự lựa chọn cũng có phần khác. Ví dụ: tết đến, người miền Bắc thường nhắc nhau câu cửa miệng: “Thịt mỡ, dưa hành, câu đối đỏ/Cây nêu, tràng pháo, bánh chưng xanh” - đó cũng là những thứ đặc trưng phải có trong ngày tết của mỗi gia đình. Mâm cỗ ngày tết phải có đầy đủ các món bánh chưng, gà luộc, chả giò, dưa hành và một số món phụ khác.

Ở miền Trung, mâm cỗ có phần dân dã hơn, đó chính là bánh tét, cơm trắng, cá kho, thịt kho, gà luộc, chả ram, canh bún, rau sống…

Trên mâm cỗ của người miền Nam thường có 3 món chính là bánh tét, bánh tráng và thịt kho tàu, canh khổ qua. Với người miền Nam, bánh tét chính là hình ảnh tượng trưng cho sự no ấm từ đời này qua đời khác.

Đối với việc bày mâm ngũ quả: Mâm ngũ quả ở miền Bắc nhỏ hơn mâm ngũ quả ở miền Nam và không thể thiếu 3 loại quả: chuối, bưởi, quýt (hoặc cam). Trên mâm ngũ quả của người miền Bắc bao giờ cũng có 1 đến 2 nải chuối to và đẹp để làm "bệ đỡ" cho các loại quả khác.

Đối lập với miền Bắc, người miền Nam rất kiêng để chuối trên mâm ngũ quả. Nguyên nhân do từ "chuối" đồng âm với từ "chúi" theo cách phát âm của người miền Nam, làm người ta dễ liên tưởng đến sự đi xuống hay làm ăn thất bát. Mâm ngũ quả miền Nam thì khó có thể thiếu cặp dưa hấu và 4 loại quả: mãng cầu (na), dừa, đu đủ, xoài. Những loại quả này khi kết hợp lại, đọc chệch âm đi thì thành “cầu vừa đủ xài” - mong muốn của người dân trong năm mới. Một số nhà lại bày thêm trên mâm ngũ quả một chùm sung và quả đu đủ với ngụ ý cầu mong cuộc sống gia đình sẽ luôn đầy đủ, sung túc.

Người dân miền Trung tâm niệm đặt cái tâm là trên hết, có gì cúng nấy. Cũng vì ảnh hưởng, sự giao thoa văn hóa 2 miền Bắc - Nam nên mâm ngũ quả miền Trung vẫn bày biện đủ: chuối, mãng cầu, sung, dừa, đu đủ, xoài…

Đối với việc chưng hoa: Miền Bắc, chưng cành đào, cây đào để trước sân hay trong nhà; miền Trung: vừa đào, vừa mai và bông cúc vạn thọ; miền Nam: chưng mai, chậu mai…

* Một số người cho rằng, ngày tết bây giờ không còn được như trước nữa. Những phong tục đẹp nếu không được gìn giữ, trao truyền sẽ bị mai một, mất đi. Quan điểm của tiến sĩ như thế nào?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Đúng là ngày tết bây giờ không còn như trước nữa. Tết xưa và tết nay đã có nhiều đổi khác. Xã hội đã đổi thay, từ một xã hội của nền văn minh nông nghiệp lúa nước, nay là xã hội của nền văn minh công nghiệp hiện đại. Thời gian của mỗi người cũng khác nhau, nhận thức của mỗi người cũng khác nhau. Chúng ta thường luyến tiếc khi hồi ức lại những kỷ niệm đẹp trong những ngày tết xưa, nhất là cái không khí nô nức đón tết.

Ngày nay công việc của mỗi người đều bận rộn, địa lý cách trở nên không còn nhiều thời gian để chuẩn bị cho tết. Nếu như trước đây mọi thứ đều tự tay làm, thì nay mọi thứ đều có sẵn, chỉ cần dạo qua một vòng siêu thị và ngay cả các vùng quê cũng có sẵn dịch vụ cung cấp mọi thứ đến tận nhà. Tết nay đơn giản, gọn lẹ hơn tết xưa. Trong cuộc sống đương đại hiện nay, việc giao lưu tiếp xúc với nhiều nền văn hóa khác nhau trên thế giới, từ đó nhiều thành tố, khía cạnh mới của văn hóa xuất hiện. Những phong tục đẹp nếu không được gìn giữ, trao truyền sẽ bị mai một, mất đi.

* Theo tiến sĩ, để có thể gìn giữ được những nét đẹp của ngày tết thì chúng ta phải làm gì?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Kim Liên: Giữ gìn vẻ đẹp tết cổ truyền chính là góp phần phát huy bản sắc văn hóa dân tộc trong cuộc sống đương đại, văn hóa là hồn, là phách của dân tộc, “văn hóa còn thì dân tộc còn”. Giữ gìn nét đẹp văn hóa của tết cổ truyền Việt Nam là trách nhiệm không của riêng ai. Nhưng làm sao để các thế hệ trẻ tham gia vào các phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc. Có thể bằng nhiều cách:

Một là, tuyên truyền, giáo dục trong nhà trường, trên các phương tiện thông tin đại chúng về ý nghĩa của tết Nguyên đán để các thế hệ trẻ hiểu và thực hành theo.

Hai là, thực hành, làm gương từ cách ứng xử đẹp của ông bà, cha mẹ trong việc thực hiện những nghi lễ truyền thống trong dịp tết.

Ba là, tổ chức và thực hành tốt các tục lệ, lễ hội truyền thống, sinh hoạt cộng đồng để chia sẻ những câu chuyện về nguồn gốc và ý nghĩa của các tục lệ ngày tết, ứng xử hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, giữa truyền thống và hiện đại. Chắt lọc những tinh túy, nhân lên những giá trị, gạn bỏ những lề thói lạc hậu, rườm rà, lãng phí. Có như vậy thì chúng ta mới giữ được mỹ tục đẹp lễ hội tết cổ truyền - di sản văn hóa của cha ông.

* Cảm ơn tiến sĩ với cuộc trao đổi thật ý nghĩa. Chúc tiến sĩ một năm mới mạnh khỏe, thành công và hạnh phúc!

Lệ Quyên

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/19/168564/net-dep-van-hoa-ngay-tet
Zalo