Nét chữ, nết người
Trong kho tàng lời dạy của ông cha, câu nói 'Nét chữ - Nết người' từ lâu đã trở thành kim chỉ nam trong việc giáo dục học sinh tiểu học. Nhiều trường tiểu học trên địa bàn tỉnh vẫn đang gìn giữ và phát huy giá trị này, tuy nhiên với cách tiếp cận mới mẻ, linh hoạt hơn, phù hợp với tinh thần đổi mới giáo dục hiện nay.
Tại Trường Tiểu học Thạch Sơn, huyện Lâm Thao, ngay từ những ngày đầu của năm học lớp 1, học sinh đã được giáo viên hướng dẫn tư thế ngồi học, cách cầm bút, đặt vở đúng quy cách, viết đúng mẫu chữ theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Việc rèn chữ được nhà trường quan tâm thực hiện từ những việc nhỏ nhất, đều đặn trong từng tiết học, đặc biệt là ở khối lớp 1 và lớp 2. Các giáo viên không chỉ chú ý uốn nắn cho học sinh từng nét chữ mà còn lồng ghép các bài học về sự kiên trì, nhẫn nại, rèn luyện sự ngăn nắp, cẩn thận, tỉ mỉ, có trách nhiệm trong học tập và sinh hoạt.

“Hội thi viết chữ đẹp” năm học 2024 - 2025 tại Trường Tiểu học Thạch Sơn, huyện Lâm Thao.
Cô Đinh Thị Bình Minh, giáo viên chủ nhiệm lớp 2C, Trường Tiểu học Thạch Sơn chia sẻ: “Rèn chữ không chỉ là rèn tay mà còn là rèn tính. Qua từng bài viết, giáo viên chúng tôi luôn khuyến khích học sinh kiên trì, không vội vàng. Em nào còn viết chậm, chữ chưa đều, chúng tôi nhẹ nhàng uốn nắn, động viên từng chút một để các con tiến bộ. Các con viết chữ đẹp thì vở sạch, có ý thức giữ gìn sách vở cẩn thận, hình thành được thói quen trình bày sạch đẹp, biết trân trọng giá trị của chữ viết”.
Không chỉ rèn chữ trong giờ học chính khóa, Trường Tiểu học Thạch Sơn còn triển khai phong trào “Vở sạch - Chữ đẹp”, tổ chức các cuộc thi viết chữ đẹp trong từng lớp, từng khối để tạo không khí thi đua sôi nổi, khuyến khích học sinh nỗ lực rèn luyện. Ngoài ra, nhà trường còn khéo léo lồng ghép hoạt động luyện viết vào các tiết học Tiếng Việt, Lịch sử, Đạo đức... hay các hoạt động ngoại khóa như: Viết thư gửi ông bà, cha mẹ, viết lời chúc năm mới, viết cảm nghĩ... để học sinh có cơ hội thể hiện cảm xúc, rèn luyện chữ viết và nuôi dưỡng tâm hồn.

Bài viết chữ đẹp của học sinh Trường Tiểu học Thạch Sơn và Trường Tiểu học Gia Cẩm.
Để tạo cảm hứng cho học sinh, bản thân các giáo viên tiểu học cũng rất chú trọng giữ gìn nét chữ của mình. Họ chính là tấm gương sáng, vừa để học sinh noi theo, vừa góp phần lan tỏa tình yêu chữ đẹp trong môi trường sư phạm. Riêng cô giáo Đinh Thị Bình Minh đã có gần 30 năm gắn bó với nghề, dù chữ viết đã rất đẹp đến mức “hoàn hảo” nhưng vẫn thường xuyên luyện viết thêm, tập viết trang trí bảng khi có thời gian rảnh như một cách giữ gìn nét nghề và truyền cảm hứng cho học sinh.
Không riêng Trường Tiểu học Thạch Sơn, nhiều trường tiểu học khác trên địa bàn tỉnh cũng duy trì hiệu quả phong trào luyện viết chữ đẹp, tiêu biểu như Trường Tiểu học Gia Cẩm, TP Việt Trì. Cô Lê Thị Minh Duyên, giáo viên chủ nhiệm lớp 5B cho biết: “Tôi luôn bắt đầu từ việc rèn nề nếp tư thế ngồi, cách cầm bút đúng, sau đó hướng dẫn học sinh viết từng nét cơ bản, từ dễ đến khó. Tôi kết hợp luyện viết với kể chuyện, vẽ tranh minh họa để các em thấy rằng, viết chữ đẹp cũng là cách thể hiện cái đẹp trong tâm hồn”.

Việc rèn viết chữ đẹp được nhiều phụ huynh quan tâm cho con em học từ trước khi bước vào lớp 1.
Theo cô Duyên, học sinh mỗi em có một năng lực, cá tính khác nhau nên giáo viên phải quan sát kỹ để có phương pháp rèn chữ phù hợp. Với những em viết đẹp, cô tiếp tục dạy nâng cao, hướng dẫn luyện chữ sáng tạo. Với những em viết chưa đẹp, cô nhẹ nhàng sửa sai từng bước, động viên khích lệ đúng lúc để các em không bị tự ti.
Cô Duyên chia sẻ: “Tôi chia nhỏ mục tiêu luyện tập mỗi ngày và thường xuyên động viên, khen ngợi dù là tiến bộ nhỏ nhất. Quan trọng nhất là giúp các em cảm thấy được yêu thương và tin rằng mình có thể làm được”.

Chữ đẹp phải có sự hài hòa, tròn trịa nhưng vẫn mềm mại.
Tại Trường Tiểu học Gia Cẩm, phong trào “Vở sạch - Chữ đẹp” được triển khai đều đặn hàng năm. Nhà trường cũng phát động các cuộc thi luyện chữ theo chủ đề, tổ chức hoạt động trưng bày vở đẹp và chọn ra những em tiêu biểu tham gia cuộc thi cấp cấp tỉnh. Nhờ vậy, nhiều học sinh đạt giải cao, mang lại niềm tự hào cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh.
Không chỉ học sinh, phụ huynh cũng là nhân tố quan trọng góp phần duy trì phong trào luyện chữ đẹp. Giáo viên chủ nhiệm của các lớp trong trường thường xuyên trao đổi với phụ huynh về phương pháp cùng phối hợp rèn chữ cho con tại nhà. Nhiều phụ huynh không chỉ nhắc nhở con luyện chữ, mà còn cùng học, cùng luyện, tạo thành thói quen sinh hoạt tích cực trong gia đình.

Để tạo cảm hứng cho học sinh, bản thân các giáo viên tiểu học cũng rất chú trọng luyện tập, giữ gìn nét chữ của mình.
Phong trào “Luyện nét chữ - Rèn nết người” dù đã có từ lâu nhưng vẫn luôn giữ nguyên giá trị trong giáo dục hiện đại. Bởi lẽ, nét chữ đẹp không chỉ thể hiện sự chăm chỉ, rèn luyện, mà còn phản ánh tâm hồn, nếp sống và nhân cách của mỗi người. Từ sự tâm huyết của giáo viên, sự phối hợp của phụ huynh, cùng môi trường giáo dục tích cực, nhiều ngôi trường trên địa bàn tỉnh đang góp phần nuôi dưỡng thế hệ học sinh vừa có tri thức, vừa có tâm hồn đẹp, góp phần xây dựng xã hội văn minh, giàu bản sắc.
Chữ đẹp còn nhằm tôn vinh vẻ đẹp của chữ Việt và gìn giữ giá trị văn hóa Việt. Rèn chữ viết là để học sinh trau dồi kỹ năng viết chữ, kỹ năng trình bày, thúc đẩy và phát huy vai trò của giáo viên, góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy giáo dục toàn diện của các nhà trường.