Nepal cấm TikTok vì gây 'xáo trộn xã hội'
Hôm 13-11, chính phủ Nepal thông báo cấm ứng dụng tạo và chia sẻ video ngắn TikTok của Công ty công nghệ Bytedance (Trung Quốc) vì những tác động tiêu cực lên sự hòa hợp của xã hội.
“Quyết định cấm TikTok được đưa ra hôm nay và các cơ quan liên quan hiện đang giải quyết các vấn đề kỹ thuật”, Rekha Sharma, Bộ trưởng Bộ Truyền thông và công nghệ Thông tin Nepal nói sau cuộc họp với nội các Nepal hôm 13-11.
Sharma cho biết, quyết định này, có hiệu lực ngay lập tức, được đưa ra vì TikTok thường xuyên được sử dụng để chia sẻ nội dung “gây xáo trộn sự hòa hợp của xã hội và phá vỡ cấu trúc gia đình cũng như các mối quan hệ xã hội”.
Ngoại trưởng Nepal, Narayan Prakash Saud, giải thích thêm: “Chính phủ quyết định cấm TikTok vì cần phải quản lý việc sử dụng nền tảng truyền thông xã hội này, vốn đang phá vỡ sự hòa hợp xã hội, cũng như luồng dữ liệu không đứng đắn”.
Lệnh cấm được đưa ra vài ngày sau khi chính phủ Nepal ra lệnh các nền tảng truyền thông xã hội hoạt động ở nước này phải đăng ký hoạt động, mở văn phòng liên lạc, nộp thuế và tuân thủ các quy định và pháp luật của đất nước.
Purushottam Khanal, Giám đốc Cơ quan Viễn thông Nepal, cho biết các nhà cung cấp dịch vụ internet đã được yêu cầu đóng ứng dụng TikTok.
Giới chức trách Nepal cho rằng, TikTok đã lan truyền các nội dung mà họ cho là gây ra sự căm ghét tôn giáo, bạo lực và lạm dụng tình dục, đồng thời dẫn đến xung đột bên ngoài xã hội, buộc các cơ quan quản lý phải ban hành lệnh giới nghiêm và triển khai cảnh sát.
Theo truyền thông địa phương, hơn 1.600 trường hợp phạm tội trực tuyến liên quan đến TikTok đã được ghi nhận trong 4 năm qua ở Nepal. Một vấn đề đặc biệt nóng là các cuộc tranh cãi trực tuyến trên TikTok giữa những người theo đạo Hindu, Hồi giáo và một số cộng đồng bản địa về việc giết mổ bò, vốn được coi là con vật thiêng liêng đối với một số lượng lớn người theo đạo Hindu.
Các quan chức Nepal cho biết, họ buộc phải ban hành lệnh cấm sau khi TikTok từ chối giải quyết những lo ngại về nội dung độc hại, ngay cả sau khi chính phủ nhiều lần liên hệ. Narendra K.C., cố vấn của Bộ Truyền thông và công nghệ thông tin Nepal, cho biết, lần cuối mà bộ này nêu vấn đề với đại diện TikTok là chín ngày trước nhưng không có kết quả.
Narayan Kaji Shrestha, Bộ trưởng Nội vụ Nepal, đã nói với nội các Nepal rằng, việc xóa từng video riêng lẻ trên TikTok sẽ gây khó khăn về mặt công nghệ đối với chính phủ Nepal, khiến ông đề xuất lệnh cấm ứng dụng này.
Mức độ phổ biến của TikTok đặc biệt tăng vọt ở Nepal kể từ sau đại dịch Covid-19, với khoảng 2,2 triệu người dùng hoạt động thường xuyên hàng tháng. Ứng dụng TikTok được một số người dùng ở Nepal sử dụng để bày tỏ bất bình với chính phủ. Một số nhà chính trị lo ngại, chính phủ lấy cớ bảo vệ sự hòa hợp xã hội.để hạn chế quyền tự do ngôn luận.
Gagan Thapa, một lãnh đạo của đảng Quốc đại Nepal, một phần của liên minh cầm quyền, nói rằng, ý định của chính phủ đằng sau lệnh cấm TikTok dường như là “ngăn chặn quyền tự do ngôn luận”.
“Quản lý là điều cần thiết để ngăn cản những người lạm dụng mạng xã hội, nhưng việc đóng cửa mạng xã hội dưới danh nghĩa quản lý là hoàn toàn sai lầm”, ông viết trên một bài đăng trên mạng xã hội X.
Lệnh cấm của Nepal, một quốc gia nằm ở dãy Himalaya với dân số chỉ khoảng 30 triệu người, khó có thể ảnh hưởng đáng kể đến TikTok. Tuy nhiên, đó là một dấu hiệu đáng ngại khác đối với TikTok liên quan đến những nỗ lực rộng rãi hơn của các chính phủ trên thế giới nhằm hạn chế sử dụng ứng dụng này.
TikTok nằm trong số hàng chục ứng dụng của Trung Quốc bị chính phủ Ấn Độ cấm vào năm 2020, sau cuộc đụng độ giữa binh sĩ của hai nước ở một khu vực biên giới còn tranh chấp. Pakistan, một quốc gia Nam Á khác, đã cấm tạm thời ứng dụng này ít nhất bốn lần vì lan truyền nội dung “vô đạo đức và không đứng đắn”.
TikTok là nền tảng mạng xã hội được sử dụng nhiều thứ sáu trên thế giới, theo Công ty tiếp thị We Are Social. Nền tảng chia sẻ video này có khoảng một tỉ người dùng hàng tháng này. Dù có lượng người dùng thấp hơn so với ba ứng dụng mạng xã hội hàng đầu của Meta là Facebook, WhatsApp và Instagram, nhưng mức độ phổ biến của TikTok trong giới trẻ vượt xa các đối thủ cạnh tranh. Tuy nhiên, TikTok đang đối mặt với những hạn chế ở nhiều nước vì bị cáo buộc vi phạm các quy tắc bảo vệ dữ liệu cũng như tác động có hại tiềm ẩn đối với giới trẻ. TikTok chịu sự giám sát và hạn chế ngày càng tăng ở Mỹ, châu Âu và Canada vì giới chức lo ngại, TikTok có thể chia sẻ dữ liệu nhạy cảm của người dùng cho chính phủ Trung Quốc.
Theo NY Times, AFP, Reuters