Nếp nhà của gia đình Huyện Sĩ Lê Phát Đạt
Sau này, khi đã trở thành hoàng hậu và cho đến lúc qua đời, Hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ lối sống đẹp với đạo và đời giống như bà ngoại vậy.
Nhứt Sĩ, nhì Phương, tam Xường, tứ Hỏa” là câu vè chỉ bốn nhân vật giàu có nhất Nam kỳ cuối thế kỷ XIX, đầu thế kỷ XX. Ai cũng biết ông Huyện Sĩ là người đã dâng 1/7 gia tài để xây nhà thờ Chợ Đũi, nhà thờ và nhà hưu dưỡng Chí Hòa. Nhưng ít ai biết người giữ “tay hòm chìa khóa” lẫn nếp nhà của gia đình Huyện Sĩ Lê Phát Đạt chính là bà Huỳnh Thị Tài, người vợ hiền lành, giỏi giang, có tài vén khéo và thương người ở xứ Nam kỳ.
Năm 1900, sau khi ông Lê Phát Đạt qua đời và được chôn tạm phía sau nền nhà thờ Chợ Quán trong khi chờ xây nhà thờ Chợ Đũi, bà Huỳnh Thị Tài vẫn tiếp tục cùng các con trai, con dâu làm rất nhiều việc bác ái và dâng nhiều sở đất, tiền của để xây dựng nhà thờ, chuông… Một trong những người con của ông bà có những đóng góp lớn cho giáo hội và xã hội thời bấy giờ chính là cự phú Lê Phát An.
Cự phú Lạc Sơn Nam Denis Lê Phát An
Denis Lê Phát An sinh năm 1868, là con trai thứ của ông bà Lê Phát Đạt chứ không phải con trai trưởng (trước ông còn có hai anh trai là Jean Baptiste Lê Phát Thanh sinh năm 1864 và Nicolas Lê Phát Tân, sinh năm 1866).
Người ta nhắc đến ông Lê Phát An với giai thoại: nhờ gả và tặng của hồi môn cho cháu gái về làm vợ vua Bảo Đại nên mới được phong tước An Định Vương! Điều này không sai nhưng có chút nhầm lẫn về tước vị. Theo Nam kỳ địa phận trang 431- 446: “Ngày 5.9.1943, Vua Bảo Đại đã phong tước Lạc Sơn Nam cho ông Denis Lê Phát An (không phải tước An Định Vương). Buổi lễ được tổ chức rất long trọng tại biệt thự Montjoye với sự tham dự của Thống đốc Nam kỳ Ernest Hoeffel, Giám mục Cassaigne - đại diện Tông tòa tại Sài Gòn và rất đông quan khách”.

Bà Huyện Sĩ cùng các tu sĩ và thân hữu chụp tháng 7.1920.
Và không phải đợi đến lúc cháu gái Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan ra làm dâu xứ Huế, 8 năm trước (1926), vợ chồng ông Lê Phát An đã ra Huế dâng tiền xây nhà thờ Dòng Thánh Tâm và giúp xây trường Institut des Frères du Sacré Coeur - Huế (Ecole Saint Denis). Cự phú Lê Phát An từng góp hơn một nửa kinh phí xây nhà thờ Chợ Cầu (Tân Hưng) năm 1907, đóng góp toàn bộ kinh phí và trực tiếp giám sát việc xây dựng nhà thờ Hạnh Thông Tây năm 1921, đầu tư nhà máy đèn với ông Phạm Tùng Long ở 12 tỉnh thành vào năm 1926, hùn với ông Đinh Thái Sơn mở 3 căn “Ấn thơ cuộc”. Ngoài ra ông còn là hội viên danh dự của Hội Việt Nam Ngân hàng.
Sau khi vợ ông là bà Trần Thị Thơ qua đời, ông tiếp tục xây nhà phước thiện Thủ Đức, mua lại đất của Vua Thành Thái tại Vũng Tàu để dâng làm Đại chủng viện Thánh Giuse. Ông được Tòa thánh ân thưởng huy chương Thượng đẳng Saint Sylvestre. Ông còn ủng hộ tiền cho Bệnh viện Thánh Phaolo thành Chartres (nay là Bệnh viện Mắt TP.HCM). Ông qua đời năm 1946 sau 3 năm nhận tước Lạc Sơn Nam.
Một trong số những biệt thự của ông Lê Phát An là Montjoye (Lạc Sơn), nay là trụ sở Quận ủy Gò Vấp, TP.HCM.
Hoàng hậu Nam Phương, “người phụ nữ mang vẻ đẹp của trí tuệ và lòng nhân từ”
Hoàng hậu Nam Phương, người phụ nữ có vẻ đẹp của sắc và hương đúng như hiệu Nam Phương, được ảnh hưởng sự giáo dục trong những năm đầu đời của bà ngoại, người đàn bà đạo hạnh và nhân từ.
Một vị nữ tu là thân tộc trong gia đình (năm nay soeur đã 86 tuổi) thuật lại: “Ngày trước mẹ của soeur và những người thân trong gia đình bà Huỳnh Thị Tài đều quen thuộc với hình ảnh bé Mariette tối ngày cứ lúc thúc theo bà ngoại trong những lúc bà thêu thùa, may vá áo; đan, móc vớ, nón cho trẻ hài đồng ở các nhà mồ côi”. Soeur còn nhắc: “Hồi nhỏ, Mariette da ngăm ngăm và không đẹp như lúc làm hoàng hậu!”.

Sổ tử lưu trữ nhà thờ Cầu Kho 105 năm trước ghi chú về bà Huỳnh Thị Tài: "Một người cực kỳ sùng đạo và rất đạo đức. Bố thí rộng rãi với mọi người”.
Hàng ngày, cô bé lẽo đẽo theo chân bà ngoại và các bà trong ngôi nhà chung (khuôn viên nhà thờ Cầu Kho hiện nay). Đây là nơi các bà thường tập trung đan áo, chuẩn bị mền gối, thức ăn… để giúp người nghèo khó ở các trại tế bần, nhà mồ côi... Từ nhỏ, Mariette đã rất quen thuộc với những buổi mừng lễ bổn mạng của các cha xứ, linh mục, nữ tu và những người thân. Mariette được bà ngoại linh hướng nên cô rất ngoan đạo.
Bà ngoại là người đàn bà đạo hạnh được người trong và ngoại đạo ngợi khen. Bà sống rất khiêm cung, không hề lên mặt với bất cứ ai. Với người sang kẻ hèn, người giàu kẻ khó, người nhỏ hay lớn bà đều đối đãi rất chan hòa. Bà thường dành thời gian đi lễ nhà thờ hoặc vào dòng thứ ba nhà kín để cầu nguyện, đi thăm người bệnh, người nghèo để an ủi hay giúp đỡ tiền bạc cho họ.
Bà đúng với câu nói: “Lòng mở rộng ra chừng nào thì miệng lại khép kín chừng nấy, tay mặt cho chi thì tay trái chẳng hề biết”. Ngoài nhà thờ Chợ Đũi của ông bà Huyện Sĩ dâng cúng, không ai biết bà Huyện Sĩ đã làm những việc lành như giúp đỡ các nhà thờ, nhà phước, nhà thương, những người thiếu ăn, thiếu mặc là bao nhiêu. Tình thương và tấm lòng quảng đại, bác ái của bà trải dài và rộng khắp, không chỉ tham gia các hội trong các họ đạo, bà thường tìm trẻ mồ côi và giao cho các nhà mồ côi nuôi dưỡng; tiền của có được, bà đem chia sớt với người bần cùng. Nhà hưu dưỡng Chí Hòa, trường học… là các nơi mà bà Huyện Sĩ đóng góp để xây dựng. Mariette được ở bên bà ngoại 7 năm thì ngoại qua đời. Trong Nam kỳ địa phận có bài Một người gương lành trọn hảo viết về bà Huỳnh Thị Tài. Bà sống lành như một bà thánh. Lúc mất chỉ mặc áo dòng của các dì phước Camelo và chôn theo một chiếc áo dài.

Trường tiểu học Lê Văn Gẫm do bà Huyện Sĩ đóng góp xây dựng.
Năm 1920, bà Huyện Sĩ qua đời. Trong quyển sổ tử được lưu trữ trong nhà thờ Cầu Kho từ 105 năm trước đã có ghi chú: “Một người cực kỳ sùng đạo và rất đạo đức. Bố thí rộng rãi với mọi người”.
Nếp nhà - nơi mà nền tảng ban đầu của nhân cách được hình thành. Ngay từ lúc nhỏ, Mariette đã được gần gũi với mẹ đỡ đầu, chính bà ngoại đã vun bồi cho cô bé học đạo và thực hành lối sống theo người mẹ thiêng liêng này từ lúc bé thơ cho đến lúc vào học ở trường dòng.
Sau này, khi đã trở thành hoàng hậu và cho đến lúc qua đời, Hoàng hậu Nam Phương vẫn giữ lối sống đẹp với đạo và đời giống như bà ngoại vậy.
Hoàng hậu Nam Phương ba lần được nhận huân chương cao quý
Thời thiếu nữ, Hoàng hậu Nam Phương chưa từng tham gia bất cứ cuộc thi sắc đẹp nào như những giai thoại “ba lần thi hoa hậu Đông Dương”, “ba lần đoạt vương miện hoa hậu tại Đông Dương” mà các sách, báo viết. Sắc đẹp, trí tuệ của bà được ghi nhận qua ba lần được nhận huân chương cao quý:
Lần đầu tiên vào cuối năm 1937, Viện Hàn lâm Y khoa Pháp trao tặng Hoàng hậu Nam Phương huân chương cao quý nhất của Viện. Huân chương bạc mạ vàng (Médaille de vermeil) tưởng thưởng những cá nhân hay tổ chức có công lớn trong các lãnh vực giúp đỡ người bệnh, giáo dục trị liệu, nghiên cứu y khoa và ngừa bệnh.
Lần thứ hai vào năm 1939, Chính phủ Pháp trao tặng Hoàng hậu Nam Phương Bội tinh Y tế công cộng đệ nhất đẳng, là bậc cao nhất của một huân chương trong lãnh vực y tế mới được thiết lập vào năm trước đó, theo một nghị định ngày 18.2.1938 của Chính phủ Pháp.

Giấy trích lục rửa tội của Jeanne Mariette Nguyễn Thị Lan. Nguồn: sách Theo dấu Hoàng hậu Nam Phương và Vua Bảo Đại - Vĩnh Đào và Nguyễn Thị Thanh Thúy, NXB Phụ Nữ phát hành năm 2024
Lần thứ ba cũng vào năm 1939, Hầu tước De Lillers, Chủ tịch Hội Chữ Thập Đỏ trao tặng Hoàng hậu Nam Phương Huân chương vàng Chữ Thập Đỏ. Tại thời điểm đó, trên thế giới chỉ có 8 nhân vật đang sống được trao tặng huân chương này, trong đó có Hoàng thái hậu Elizabeth của Anh Quốc và Thống chế Lyautey phu nhân. Lần nhận huân chương này, Hoàng hậu Nam Phương nói rất vui mừng vì đã đóng góp vào công cuộc chung của Hội Chữ Thập Đỏ và giúp phụ nữ An Nam tiếp xúc với các điều kiện chăm sóc sức khỏe theo khoa học Tây phương.
“Gia sản” lớn nhứt mà gia đình Huyện Sĩ để lại chính là trách nhiệm đối với xã hội. Họ luôn dùng phần lớn tài sản, lợi nhuận để lo cho an sinh xã hội: cấp học bổng, xây nhà phước thiện, giúp trại tế bần, bệnh viện, trường học, viện mồ côi…