Nẻo thiện cho người lầm lỗi

Những con người từng một thời lầm đường, lạc lối, một lần nữa được trao cơ hội để sửa sai. Đây chính là giá trị nhân văn, nhân đạo lớn nhất mà đặc xá mang lại cho những người phạm tội khi họ thực sự ăn năn, hối cải, tích cực lao động, quyết tâm hướng thiện.

Tính nhân văn, nhân đạo

Đặc xá là sự khoan hồng đặc biệt có ý nghĩa quan trọng, thể hiện tính nhân văn, nhân đạo của chế độ, của Đảng, Nhà nước ta. Ngày đặc xá năm nay dự kiến được tổ chức đúng dịp kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4 (1975 - 2025). Đây là cơ hội để các phạm nhân đang chấp hành án, lao động, cải tạo tốt sớm trở về đoàn tụ với gia đình.

 Anh Triệu Văn Dũng (bên trái) trao đổi tình hình sản xuất sau vay vốn với cán bộ Công an xã Tam Tiến.

Anh Triệu Văn Dũng (bên trái) trao đổi tình hình sản xuất sau vay vốn với cán bộ Công an xã Tam Tiến.

Ngay sau khi có hướng dẫn triển khai quyết định của Chủ tịch nước về công tác đặc xá năm 2025, Công an tỉnh đã hướng dẫn Trại Tạm giam Công an tỉnh niêm yết nội dung, thông tin về công tác đặc xá để tất cả phạm nhân nắm được. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 44/KH-UBND về công tác đặc xá năm 2025, trong đó giao nhiệm vụ cụ thể cho các ngành; thành lập Tiểu Ban chỉ đạo về đặc xá do Thượng tá Nguyễn Thế Tuấn, Phó Giám đốc Công an tỉnh làm Trưởng Tiểu Ban.

Trại Tạm giam Công an tỉnh cũng niêm yết quyết định của Chủ tịch nước, công khai các điều kiện, thủ tục đặc xá cho phạm nhân; tổ chức tuyên truyền cho các phạm nhân làm đơn đặc xá, bảo đảm 100% phạm nhân đủ điều kiện được làm đơn xét duyệt. Tổ chức nhiều hoạt động tuyên truyền, giáo dục pháp luật, định hướng việc làm và dạy nghề cho phạm nhân đang chấp hành án phạt tù tại đây. Những bước này là sự chuẩn bị kỹ lưỡng, giúp phạm nhân khi được đặc xá hoặc hết thời gian chấp hành án theo quy định có đủ kiến thức pháp luật, nghề nghiệp để bắt đầu lại một chương mới của cuộc đời.

Hiện nay, qua họp xét, đề nghị, Tiểu Ban chỉ đạo về đặc xá năm 2025 của Công an tỉnh đã thống nhất đề nghị Tổ thẩm định liên ngành, Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét đề nghị đặc xá cho 21 phạm nhân đủ điều kiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Hậu, Phó trưởng Phòng Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (Công an tỉnh), năm nay, điểm mới trong tiêu chuẩn xét đặc xá là về thời gian. Trước đây, người chấp hành án phải bảo đảm chấp hành đủ 1/2 thời gian án phạt tù; nay chỉ cần chấp hành 1/3 thời gian chấp hành án thì có thể được xét đặc xá. Những quy định khác về thực hiện hình phạt bổ sung là phạt tiền, nộp án phí, thi hành nghĩa vụ trả lại tài sản, bồi thường thiệt hại, nghĩa vụ dân sự khác… cơ bản vẫn giữ nguyên như các năm trước.

Hiện nay, qua họp xét, đề nghị, Tiểu Ban chỉ đạo về đặc xá năm 2025 của Công an tỉnh đã thống nhất đề nghị Tổ thẩm định liên ngành, Hội đồng tư vấn đặc xá Trung ương xét đề nghị đặc xá cho 21 phạm nhân đủ điều kiện để sớm tái hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Quyết chí làm lại

Hiện toàn tỉnh có hơn 3.000 người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, trong đó có 117 người được đặc xá. Nhằm tạo điều kiện cho người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng, Công an tỉnh chỉ đạo công an cấp xã tham mưu UBND cùng cấp phân công các tổ chức, cá nhân phối hợp quản lý, giáo dục, giúp đỡ; quan tâm hỗ trợ đào tạo nghề, cho vay vốn phát triển kinh tế. Năm 2024, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và Công an tỉnh đã tổ chức 3 phiên giao dịch giới thiệu việc làm cho người đã chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương. Nhờ những hoạt động tích cực đã góp phần kéo giảm tỷ lệ tái phạm tội xuống chỉ còn 1,2%.

Đơn cử như anh Triệu Văn Dũng (sinh năm 1992) ở bản Hố Tre, xã Tam Tiến (Yên Thế). Tháng 10/2024, anh Dũng nhận được quyết định đặc xá của Chủ tịch nước khi chấp hành bản án phạt 2 năm tù giam vì tội “sản xuất, buôn bán pháo nổ trái phép”. Trở về địa phương, anh Dũng đã nỗ lực thay đổi cuộc sống. Anh kể: “Thời gian chấp hành án phạt là khoảng thời gian tôi có cơ hội ngẫm nghĩ về lỗi lầm của bản thân và quyết tâm làm lại cuộc đời”.

Anh Dũng được Công an xã Tam Tiến hỗ trợ thực hiện khai báo cư trú, làm thẻ căn cước mới, làm hồ sơ vay vốn của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện. Với 100 triệu đồng vay được, anh Dũng góp vốn với một người cùng thôn nhập thêm máy móc mới, nguyên liệu để đầu tư, mở rộng cơ sở thiết kế, thi công sản phẩm nhôm kính. Giờ đây, cơ sở của hai anh được nhiều hộ dân địa phương tin tưởng đặt hàng.

Thượng úy Nguyễn Đức Ngọc Vũ, Phó trưởng Công an xã thông tin, toàn xã hiện có 17 người chấp hành án phạt tù, được đặc xá trở về địa phương. Để giúp họ sớm tái hòa nhập cộng đồng, Công an xã đã tổ chức gặp gỡ, tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước. Đồng thời hướng dẫn, hỗ trợ để họ có thể tiếp cận với các chương trình vay vốn phát triển kinh tế hoặc đào tạo nghề, giới thiệu việc làm ở một số doanh nghiệp.

Trước đó, dịp Quốc khánh năm 2022, anh N.Đ.T (sinh năm 2002) ở phường Tân An (thành phố Bắc Giang) là một trong ba phạm phân của Trại Tạm giam Công an tỉnh được đặc xá. Trở về địa phương, anh được Công an phường hỗ trợ làm căn cước mới, tuyên truyền pháp luật, giúp đỡ tiếp cận với các buổi giới thiệu việc làm hay chương trình vay vốn sản xuất, kinh doanh. Anh chia sẻ: “Từng vấp ngã song tôi được gia đình, mọi người xung quanh giúp đỡ. Tôi có động lực vượt qua mặc cảm, làm lại cuộc đời”.

Rộng vòng tay đón những người lầm lỡ được đặc xá, Công an tỉnh chỉ đạo công an cơ sở chuẩn bị các điều kiện tiếp nhận, hỗ trợ thủ tục đăng ký quản lý cư trú, cấp căn cước; tham mưu với UBND cấp xã phân công các tổ chức, cá nhân đồng hành, giúp đỡ. Nhằm giúp người lầm lỡ tái hòa nhập cộng đồng tốt hơn, thiết nghĩ cần huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng hành của các ngành, đơn vị trợ giúp tâm lý, pháp lý, hỗ trợ vốn đầu tư phát triển kinh tế, tạo việc làm để những người từng lầm lỗi có công việc, thu nhập chính đáng, tránh tái phạm tội.

Bài, ảnh: Tuyết Mai

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/neo-thien-cho-nguoi-lam-loi-postid416260.bbg
Zalo