Cục trưởng Cục PTTH: Nghệ sĩ nhận quảng cáo vô tội vạ, biến tấu rất nhiều

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình nêu thực trạng nhiều nghệ sĩ ký hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không kiểm tra nội dung, không xác minh thật - giả của sản phẩm.

Tại họp báo thường kỳ của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch diễn ra chiều 21/4, ông Lê Quang Tự Do – Cục trưởng Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trả lời các vấn đề nóng liên quan đến hành vi vi phạm của nghệ sĩ trong hoạt động quảng cáo, đặc biệt là sau các vụ việc lùm xùm gần đây.

Nghệ sĩ hay KOL bị xử lý như mọi công dân

Ông Lê Quang Tự Do làm rõ vai trò của Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử trong việc xử lý các vụ việc này: "Việc xác định hàng hóa có vi phạm hay không là trách nhiệm của bộ quản lý chuyên ngành, không phải Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Bộ VHTTDL). Ví dụ, sữa giả, thực phẩm chức năng giả thì Bộ Y tế, Bộ Công Thương phải thẩm định và kết luận. Bộ VHTTDL không thể tự xác định đó là hàng giả.

Sau khi có kết luận của bộ chuyên ngành, chúng tôi mới căn cứ vào đó để xử lý hành vi quảng cáo vi phạm. Điều này hiện đã được quy định rõ trong Điều 22, Nghị định 147 về quản lý Internet và thông tin trên mạng, quy định rõ trách nhiệm của từng bộ, ngành trên không gian mạng".

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời các vấn đề nóng về nghệ sĩ quảng cáo.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử Lê Quang Tự Do trả lời các vấn đề nóng về nghệ sĩ quảng cáo.

Cục trưởng cũng nhấn mạnh, hiện nay pháp luật không phân biệt nghệ sĩ hay công dân bình thường khi xử lý hành vi quảng cáo sai phạm. Mọi cá nhân đều bị xử lý như nhau theo quy định hiện hành. "Chưa có quy định nào yêu cầu áp dụng biện pháp mạnh hơn đối với nghệ sĩ. Nghệ sĩ hay KOL vẫn bị xử lý như mọi công dân khác”, ông nói.

Tại họp báo, ông Lê Quang Tự Do cũng nêu ra thực trạng đáng lo ngại là ý thức pháp luật của nghệ sĩ trong lĩnh vực quảng cáo còn rất yếu.

"Nhiều người ký hợp đồng quảng cáo vô tội vạ, không kiểm tra nội dung, không xác minh tính thật – giả của sản phẩm. Điều này khiến họ dễ vi phạm pháp luật”, ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Vấn đề không chỉ dừng ở việc thiếu kiến thức pháp luật. Cục trưởng cho biết, nhiều nghệ sĩ tự cho mình quyền “biến tấu”, sáng tạo nội dung kịch bản quảng cáo, dẫn đến phát ngôn phóng đại, không đúng sự thật. "Nghe kể lại, có những nghệ sĩ thậm chí còn bảo với bên làm nội dung: 'Anh cho em nói thêm một tí nhé' – rồi cứ thế bổ sung, phóng đại, thêm thắt vô tội vạ, thành ra tràng giang đại hải những thứ không hề có trong kịch bản gốc.

Ông Tự Do dẫn chứng: “Có những trường hợp, nội dung người ta đưa chỉ là ‘hỗ trợ tăng chiều cao’, nhưng nghệ sĩ lại tự ý sửa thành ‘tăng vượt trội 5–10cm’, không biết từ đâu ra. Vậy là thành quảng cáo lố, quảng cáo nổ, điều này rất phổ biến”.

Cục trưởng chỉ ra thói quen đánh đồng trải nghiệm cá nhân thành hiệu quả đại trà của nhiều nghệ sĩ khi quảng cáo. Ông nhận định: “Rất nhiều nghệ sĩ lấy trải nghiệm của bản thân để áp đặt cho người khác, cho rằng nếu mình thấy hiệu quả thì ai dùng cũng như vậy. Điều đó dễ dẫn đến phát ngôn sai sự thật. Điều này không chỉ vi phạm quy định pháp luật về quảng cáo mà còn dễ khiến công chúng hiểu lầm, đặc biệt khi người truyền tải là người nổi tiếng có sức ảnh hưởng rộng".

Nhiều nghệ sĩ thiếu hiểu biết pháp luật

Ông Lê Quang Tự Do cũng cảnh báo về nhiều trường hợp nghệ sĩ sử dụng hình ảnh bác sĩ, dược sĩ, nhân viên y tế, thư cảm ơn của bệnh nhân để tăng tính tin cậy cho sản phẩm, trong khi đây là hành vi đã bị nghiêm cấm trong các văn bản quy phạm pháp luật. Ông nhắc đến vụ việc kẹo Kera, quảng cáo “mỗi viên kẹo bằng một ký rau”, thậm chí “bằng 5 ký rau” là minh chứng điển hình cho nội dung sai sự thật, gây ngộ nhận nghiêm trọng.

Đặc biệt, Cục trưởng cảnh báo về một hình thức mới khiến nghệ sĩ có thể đối mặt rủi ro pháp lý cao là hợp tác sản xuất – không chỉ đóng vai trò đại diện hình ảnh mà còn nhận cổ phần, góp vốn, trở thành đồng sản xuất sản phẩm. "Nghệ sĩ thường hợp tác với các công ty sản xuất và được trả công bằng cổ phần, cổ phiếu hoặc rót vốn. Khi đó, họ vô tình trở thành đồng sản xuất và có thể phải chịu trách nhiệm hình sự nếu sản phẩm bị kết luận là hàng giả", ông Lê Quang Tự Do thông tin.

Ông Lê Quang Tự Do nêu trường hợp Quang Linh Vlog là ví dụ đáng tiếc, dù đã có nhiều đóng góp tích cực, nhưng vì thiếu hiểu biết pháp luật, góp vốn làm sản phẩm, nên khi sản phẩm bị xử lý, bản thân nghệ sĩ cũng đứng trước hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

"Chúng tôi đau lòng với trường hợp của Quang Linh Vlogs, người gần đây vướng vòng lao lý. Bạn ấy làm được nhiều việc tốt nhưng thiếu hiểu biết pháp luật nên đã phải chịu trách nhiệm hình sự. Đây cũng là hồi chuông cảnh tỉnh tới các nghệ sĩ", ông Tự Do nói.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nêu trường hợp Quang Linh Vlogs thiếu hiểu biết pháp luật, góp vốn làm sản phẩm phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Cục trưởng Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử nêu trường hợp Quang Linh Vlogs thiếu hiểu biết pháp luật, góp vốn làm sản phẩm phải chịu hậu quả pháp lý nghiêm trọng.

Trả lời câu hỏi về quan điểm “nghệ sĩ chỉ cần xin lỗi là xong”, ông Lê Quang Tự Do thẳng thắn: “Lời xin lỗi là cần thiết, thể hiện tinh thần nhận lỗi, nhưng xin lỗi suông là không đủ. Người vi phạm cần tự giác sửa sai, bồi thường, cải chính và chấp hành nghiêm các hình thức xử phạt của pháp luật, không để tái phạm”.

Về hiệu lực của Bộ quy tắc ứng xử dành cho nghệ sĩ, ông cho biết đây không phải văn bản pháp luật có chế tài xử phạt nhưng cần thiết để định hướng hành vi đạo đức, và một số nội dung đang được luật hóa. Ông khẳng định: “Chúng ta vẫn cần duy trì một bộ quy tắc ứng xử không có chế tài. Đây là cách làm phổ biến ở nhiều quốc gia – kết hợp giữa quy định 'cứng' bằng pháp luật và quy định 'mềm' bằng quy tắc ứng xử – nhằm xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh."

Bộ quy tắc giúp định hướng, khuyến nghị hành vi, tạo phản ứng xã hội phù hợp, cho phép khán giả bày tỏ chính kiến khi nghệ sĩ vi phạm chuẩn mực đạo đức dù chưa đến mức xử lý pháp luật.

Liên quan đến cụm từ “phong sát” đang được truyền thông sử dụng, Cục trưởng Lê Quang Tự Do làm rõ: "Bộ VHTTDL chưa từng dùng cụm từ đó. Thay vào đó, chúng tôi có xây dựng quy chế về việc hạn chế hình ảnh nghệ sĩ vi phạm quy tắc ứng xử xuất hiện trên báo chí, không gian mạng và sân khấu biểu diễn".

Quy chế này đã được ban hành cuối năm 2024 nhưng chưa triển khai. "Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ cân nhắc thực hiện thí điểm, lựa chọn một vài trường hợp phù hợp để làm mẫu, có thể ở mức cảnh cáo, hạn chế xuất hiện nhằm định hướng và răn đe", ông nhấn mạnh kế hoạch sắp tới.

Cuối cùng, Cục trưởng Lê Quang Tự Do bày tỏ mong muốn các cơ quan báo chí vào cuộc, phản ánh trung thực, khách quan để tạo thành một hồi chuông cảnh báo, không chỉ cho nghệ sĩ mà cho toàn xã hội về trách nhiệm trong hoạt động quảng cáo – đặc biệt là từ những người có ảnh hưởng.

Lê Chi

Nguồn VTC: https://vtcnews.vn/cuc-truong-cuc-ptth-nghe-si-nhan-quang-cao-vo-toi-va-bien-tau-rat-nhieu-ar939041.html
Zalo