Tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ di tích

Tại họp báo thường kỳ quý I Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chiều 21.4, cơ quan quản lý các lĩnh vực văn hóa đã thẳng thắn trao đổi nhiều vấn đề, trong đó có việc tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ di tích và xử lý quảng cáo sai sự thật của nghệ sĩ, người nổi tiếng.

Trả lời về việc xử lý sai phạm trong các vụ cháy di tích, mất cổ vật gần đây, Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành cho biết, tùy vào từng vụ việc sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ để có phương án xử lý phù hợp.

Do việc phân cấp quản lý di tích trước đây vẫn còn một số bất cập, nên Cục đang tham mưu sửa đổi nhiều Nghị định liên quan đến quản lý di tích, trong đó có việc tỉnh/thành phố sở hữu di tích phải có trách nhiệm quản lý, thành lập Ban Quản lý di tích nhằm trông nom, quản lý trực tiếp di tích. Theo đó, địa phương sẽ xử phạt đối với đơn vị vi phạm; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch có ý kiến về chuyên môn.

 Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành trả lời báo chí về giải pháp cho những sai phạm trong các vụ cháy di tích

Phó Cục trưởng Cục Di sản văn hóa Trần Đình Thành trả lời báo chí về giải pháp cho những sai phạm trong các vụ cháy di tích

Cũng theo ông Thành, năm 2024, Luật Di sản văn hóa đã được Quốc hội thông qua, trong đó quy định trách nhiệm của địa phương, tập thể, cá nhân trong quản lý, phát huy giá trị di tích. Cục Di sản văn hóa đã tham mưu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng các Nghị định, Thông tư, trong đó bổ sung nhiều quy định cụ thể, chặt chẽ từ việc lập hồ sơ, phân công trách nhiệm của Ban quản lý, chính quyền địa phương…

"Mặc dù các địa phương đã quan tâm bảo vệ di tích, các vụ việc vi phạm cũng giảm đáng kể, tuy nhiên, từ các vụ việc xảy ra thời gian gần đây, trong đó có vụ cháy di tích, cho thấy chúng ta cần tăng cường trách nhiệm trong bảo vệ, phát huy giá trị di tích, nhất là những di tích chưa được tu bổ, chưa quan tâm đầu tư về phòng cháy chữa cháy…", ông Thành nói.

Liên quan đến những ứng xử thiếu chuẩn mực của nghệ sĩ nổi tiếng trên mạng xã hội, Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do cho biết, chúng ta đã xây dựng Bộ Quy tắc ứng xử trên không gian mạng, nhưng không có chế tài xử lý. Để có chế tài thì phải thể chế hóa thành các điều khoản và đưa vào Nghị định 147/2024/NĐ-CP. Sắp tới sẽ tiếp tục thể chế hóa một số hoạt động trong lĩnh vực biểu diễn.

"Chúng ta có quy định cứng là các Nghị định và có những quy định mềm là Quy tắc ứng xử. Khán giả có thể tẩy chay, không ủng hộ những nghệ sĩ ứng xử không đúng chuẩn mực", ông Lê Quang Tự Do nhấn mạnh.

Được biết, thời gian tới, có thể hạn chế sự xuất hiện hình ảnh của các nghệ sĩ có những hành vi và lời nói không đúng chuẩn mực trên báo chí và truyền hình...

 Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do phát biểu tại họp báo

Cục trưởng Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử Lê Quang Tự Do phát biểu tại họp báo

Đối với quảng cáo sai sự thật, ông Lê Quang Tự Do cho rằng, bộ quản lý chuyên ngành phải có trách nhiệm xử lý vi phạm đối với những mặt hàng quảng cáo. Ví dụ, nếu là thuốc giả thì Bộ Y tế, nếu là hàng giả thì là trách nhiệm của Bộ Công Thương. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xử lý hành vi quảng cáo vi phạm.

Trong quy định của pháp luật hiện hành không có riêng điều khoản "tăng nặng" cho nghệ sĩ, người nổi tiếng, mà cứ sai phạm là xử lý theo đúng quy định. Tuy nhiên, trong dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo có bổ sung một số điều khoản liên quan đến nghệ sĩ và người nổi tiếng tham gia hoạt động quảng cáo.

H.Sen

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/tang-cuong-trach-nhiem-trong-bao-ve-di-tich-post410976.html
Zalo