Nền kinh tế lớn thứ 4 thế giới tăng trưởng 3 quý liên tiếp
Nền kinh tế Nhật Bản ghi nhận mức tăng trưởng vượt dự báo của các chuyên gia trong quý IV/2024, chủ yếu nhờ vào sự bứt phá của xuất khẩu dù nhu cầu trong nước vẫn còn yếu.

Tăng trưởng GDP trong quý IV/2024 đánh dấu đà tăng trưởng liên tiếp trong 3 quý của Nhật Bản. Ảnh: Bloomberg.
Theo số liệu sơ bộ do chính phủ Nhật Bản công bố ngày 17/2, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này đã tăng 0,7% so với quý trước, cao hơn mức dự báo 0,3% của các chuyên gia do Reuters khảo sát. Trong quý III/2024, nền kinh tế nước này chỉ đạt mức tăng 0,4%.
Tính theo năm, GDP của Nhật Bản đã tăng 2,8%, vượt xa mức dự báo 1% của Reuters và đánh dấu quý thứ 3 liên tiếp tăng trưởng. Tuy nhiên, tăng trưởng GDP cả năm 2024 chỉ đạt 0,1%, sụt giảm đáng kể so với mức 1,5% của năm 2023.
Xuất khẩu tăng trưởng mạnh so với các quý trước là động lực chính thúc đẩy GDP Nhật Bản, trong khi nhu cầu trong nước vẫn suy yếu, kìm hãm đà tăng trưởng.
Cụ thể, chi tiêu hộ gia đình tại Nhật Bản trong tháng 10 và 11 năm ngoái lần lượt ghi nhận mức giảm 1,3% và 0,4% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, đến tháng 12 cùng năm, chỉ số này bất ngờ tăng 2,7%, vượt xa dự báo của các chuyên gia kinh tế, đồng thời đánh dấu mức tăng đầu tiên kể từ tháng 7/2024.
Phát biểu trên chương trình "Street Signs Asia" của CNBC, ông Stefan Angrick, Giám đốc cấp cao kiêm chuyên gia kinh tế tại Moody's Analytics, cho biết dù các con số "có vẻ rất tích cực", bức tranh tổng thể của nền kinh tế Nhật Bản không hoàn toàn tươi sáng.
"Lý do duy nhất khiến nền kinh tế tăng trưởng trong năm 2024 là do có sự điều chỉnh dữ liệu từ các năm trước. Nếu loại bỏ yếu tố này, GDP thực chất đã suy giảm", ông Angrick nhận định.
Chuyên gia này cũng lưu ý rằng xuất khẩu ròng là nhân tố chính thúc đẩy GDP, trong bối cảnh nhập khẩu suy yếu.
"Điều này phản ánh rõ sự yếu kém của nhu cầu nội địa - vấn đề mà Nhật Bản đã phải đối mặt suốt 2-3 năm qua. Có lẽ chúng ta chưa nên vội ăn mừng", ông nói.
Ông Katsuhiko Aiba, chuyên gia kinh tế tại Citi, từng cảnh báo hồi đầu tháng rằng chi tiêu tiêu dùng Nhật Bản sẽ vẫn yếu trong quý I/2025 và chỉ phục hồi toàn diện từ quý II trở đi.
Đồng thời, ông dự báo tăng trưởng lương thực tế sẽ tiếp tục âm trong quý I, dù chính phủ Nhật Bản đã khởi động lại các khoản trợ cấp năng lượng, do lạm phát chi phí vẫn chịu áp lực từ sự mất giá của đồng yen.
Dữ liệu GDP lần này được công bố trong bối cảnh Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) vừa nâng lãi suất lên 0,5% - mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Động thái này cho thấy BOJ vẫn còn dư địa để tiếp tục thắt chặt chính sách tiền tệ.
Sau khi dữ liệu được công bố, chỉ số Nikkei 225 đã giảm 0,29%, trong khi giá trị đồng yen tăng 0,2%, giao dịch ở mức 152,02 yen/USD.