Xóa mọi rào cản về chính sách, thủ tục đất đai cho nông nghiệp, nông thôn
Thủ tướng yêu cầu tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn.
Văn phòng Chính phủ đã ban hành văn bản truyền đạt ý kiến của Thủ tướng Chính phủ về việc thực hiện các giải pháp thúc đẩy, hỗ trợ nông dân sau Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024.
Theo đó, tại Hội nghị đối thoại với nông dân năm 2024 (lần thứ 6) với chủ đề: "Khơi dậy khát vọng làm giàu để xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc; vững tin bước vào kỷ nguyên mới", Thủ tướng Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã kết luận các nhóm vấn đề quan trọng yêu cầu các Bộ, cơ quan, địa phương tập trung giải quyết: Tiếp tục tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, hoàn thiện cơ chế, chính sách về đất đai, thuế, phí, lệ phí, về vốn tín dụng để tạo điều kiện cho phát triển nông nghiệp, nông thôn; Quan tâm và chú trọng vào công tác quy hoạch, nhất là quy hoạch ngành, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp phục vụ sản xuất, chế biến nông sản; Tiếp tục rà soát các quy định của pháp luật để giải phóng nguồn lực từ đất đai, phát huy cao nhất hiệu quả từ đất đai; Tập trung giải quyết các cơ chế, chính sách về vốn tín dụng và bảo hiểm nông nghiệp, thúc đẩy hình thành chuỗi liên kết trong sản xuất nông nghiệp…

(Ảnh minh họa)
Để cụ thể hóa các nhiệm vụ trên, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, xây dựng cơ chế, chính sách, chiến lược, quy hoạch, tổ chức triển khai hiệu quả 04 quy hoạch ngành quốc gia trong lĩnh vực nông nghiệp; Chuyển đổi mạnh từ tư duy sản xuất sang tư duy kinh tế nông nghiệp, từ phát triển đơn ngành sang hợp tác, phát triển đa ngành; thúc đẩy tích hợp đa giá trị trong sản phẩm nông lâm thủy sản.
Xây dựng cơ chế, chính sách đột phá của đột phá cho sản xuất, xóa bỏ mọi rào cản về đất đai, thủ tục hành chính, chi phí tuân thủ các quy định đối với người dân, doanh nghiệp; Thực hiện đồng bộ, hiệu quả các chương trình, đề án, dự án, nhiệm vụ để đẩy mạnh cơ cấu lại nông nghiệp theo 3 nhóm trục sản phẩm chủ lực (quốc gia, vùng, địa phương).
Thủ tướng giao Bộ Tài chính tổng kết, đánh giá kết quả thực hiện Nghị định số 58/2018/NĐ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2018 của Chính phủ về bảo hiểm nông nghiệp, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 58/2018/NĐ-CP để sớm hình thành thị trường bảo hiểm nông nghiệp.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng đẩy mạnh cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP ngày 09 tháng 6 năm 2015, Nghị định 116/2018/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2018 của Chính Phủ, tạo thuận lợi cho khách hàng trong quan hệ tín dụng (về thủ tục, tài sản bảo đảm…).
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với cơ quan liên quan khẩn trương xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn theo Nghị định 55/2015/NĐ-CP, trong đó nâng mức cho vay không có tài sản bảo đảm; bổ sung chính sách tín dụng ưu đãi đối với nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn để phù hợp với nhu cầu vốn thực tế hiện nay và góp phần thúc đẩy sản xuất nông nghiệp bền vững.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp với các bộ, địa phương đẩy mạnh triển khai các chương trình tín dụng đặc thù trong lĩnh vực nông nghiệp theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ như: Chương trình cho vay liên kết thực hiện Đề án 1 triệu ha lúa chất lượng cao và phát thải thấp vùng Đồng bằng sông Cửu Long theo Quyết định số 1490/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Chương trình cho vay đối với lĩnh vực lâm sản, thủy sản.