Nên áp dụng chính sách tín dụng thay vì hỗ trợ học phí cho sinh viên ngành Y
Việc đề xuất hỗ trợ tiền học, chi phí sinh hoạt dành cho sinh viên ngành Y như mức chính sách ngành Sư phạm cần được xem xét kỹ lưỡng dựa trên nhiều yếu tố.
Đề xuất của Bộ Y tế về việc nghiên cứu hỗ trợ 100% học phí, cấp sinh hoạt phí cho sinh viên ngành Y giống với ngành Sư phạm đang nhận được nhiều sự quan tâm của dư luận.
Theo đó, Bộ Y tế cho rằng đề xuất này nhằm khắc phục những khó khăn của ngành Y như đang thiếu về số lượng và chất lượng, đồng thời mất cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn, từ đó nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của người dân.
Có thể làm giảm tính cam kết và sự nỗ lực trong quá trình học tập của sinh viên
Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Võ Thanh Hải - Phó Giám đốc Đại học Duy Tân cho rằng, việc Nhà nước hỗ trợ học phí cho sinh viên khối ngành sức khỏe là điều đáng mừng. Tuy nhiên, khi duy trì lâu dài, điều này có thể tạo sức áp lực lớn lên nguồn ngân sách Nhà nước vì ngành y vốn đặc thù, có khối lượng học tập nhiều và chi phí đào tạo tốn kém, yêu cầu cơ sở vật chất hiện đại, trang thiết bị máy móc tiên tiến.
Vì vậy, để chính sách này mang lại hiệu quả thực sự, trước mắt chúng ta nên tập trung áp dụng chính sách hỗ trợ cho những sinh viên theo học ở các ngành khan hiếm nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe như: ngành Điều dưỡng, ngành Y tế công cộng, ngành Hộ sinh,... Ngoài ra, việc hỗ trợ này có thể áp dụng đối với sinh viên của các trường công lập và tư thục, nhằm đảm bảo mức hỗ trợ chung cho cả hai nhóm đối tượng này.
Mặt khác, Tiến sĩ Võ Thanh Hải cũng nhận định, đối với những sinh viên được áp dụng chính sách hỗ trợ này, người học phải có ràng buộc sau khi ra trường để thực hiện nhiệm vụ theo sự điều động của Nhà nước trong khoảng thời gian nhất định. Nếu triển khai được như vậy thì đề xuất mới đạt hiệu quả xuyên suốt từ quá trình đào tạo cho đến phân bổ đội ngũ nhân lực cho ngành Y tế. Điều này có thể được coi như là hình thức mà Nhà nước đặt hàng đào tạo nhân lực cho ngành y, dược.
Khi chính sách được triển khai một cách bài bản, hợp lý, các quy định bao gồm việc sinh viên thực hiện tốt nhiệm vụ, cống hiến cho nghề nghiệp một cách nghiêm túc, đầy đủ sẽ góp phần giúp nâng cao trách nhiệm đóng góp cho xã hội, tăng cường hiệu quả của công tác đào tạo. Từ đó, ngành Y tế sẽ có lực lượng nhân sự chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu phục vụ sức khỏe của cộng đồng và xã hội. Ngược lại, các em sinh viên có năng lực nhưng chịu hoàn cảnh khó khăn cũng được giảm tải gánh nặng học phí cũng như không bị mất cơ hội học tập của mình chỉ vì điều kiện hạn chế vì tài chính.
Còn theo Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng - Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Phan Châu Trinh, công tác bảo vệ và chăm sóc sức khỏe cộng đồng của ngành y, dược giữ một vai trò rất quan trọng và có thể được coi là dịch vụ đặc biệt trong thị trường. Việc đào tạo lĩnh vực này là một quá trình rất đặc thù và phức tạp, yêu cầu sự đầu tư đáng kể về nhiều mặt, bao gồm cơ sở vật chất, chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, phương pháp giảng dạy cũng như các hoạt động thực hành lâm sàng. Ngoài ra, các yêu cầu tối thiểu để có thể đào tạo ra đội ngũ bác sĩ, dược sĩ có chuyên môn là vô cùng cao, đòi hỏi nguồn lực con người và tài chính lớn.
Để có thể đáp ứng những yêu cầu này, các cơ sở giáo dục đào tạo ngành y, dược phải đầu tư rất nhiều về cả vật chất và nhân lực. Song, nếu áp dụng chính sách miễn học phí cho sinh viên, điều này có thể tác động đến quá trình đầu tư từ các trường, sinh viên giảm động lực học tập, thiếu đi sự cam kết và nỗ lực trong quá trình học, ảnh hưởng tới chất lượng đào tạo. Nói cách khác, việc miễn giảm học phí cho sinh viên ngành Y có thể kéo lùi sự đầu tư từ các trường và sự cố gắng từ người học.
Cần xem xét hỗ trợ theo cách thức phù hợp với từng nhóm đối tượng cụ thể
Bàn về đề xuất chính sách phù hợp, Bác sĩ Nguyễn Hữu Tùng cho hay, Nhà nước nên xem xét hỗ trợ học phí, chi phí sinh hoạt cho sinh viên y, dược bằng việc triển khai chính sách tín dụng rõ ràng, theo đó, ngân hàng có thể cung cấp các định chế khoản vay cho sinh viên khối ngành y, dược. Điều này sẽ giúp sinh viên có thể tiếp cận nguồn tài chính khi cần thiết, đồng thời tạo ra động lực học tập cao hơn, khi người học nhận thức được rằng cần phải học tốt để có thể ra trường và cống hiến làm việc sau này.
Trên thực tế, khi nhìn sang các trường đào tạo Y khoa danh tiếng trên thế giới, họ đều có mức học phí rất cao, nhưng sinh viên vẫn có thể vay tiền một cách linh hoạt với nhiều tiện ích để trang trải chi phí học tập, và chính sách này đã thực sự giúp duy trì chất lượng đào tạo tại các cơ sở giáo dục uy tín.
Trong khi đó, cùng chia sẻ về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Văn Mạnh - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Y Dược Hải Phòng nêu quan điểm ủng hộ đề xuất hỗ trợ tiền học và chi phí sinh hoạt cho sinh viên ngành Y; đối với những vùng thiếu nhân viên y tế, đối tượng sinh viên hộ nghèo, dân tộc thiểu số, vì thực tế thi vào lĩnh vực sức khỏe đã khó, thời gian học lại dài, mức học phí cao đã trở thành rào cản đối với nhiều sinh viên muốn theo đuổi ngành Y. Việc học ngành Y không chỉ yêu cầu kiến thức chuyên môn mà còn cả khả năng thực hành ở bệnh viện rất vất vả.
Sau khi tốt nghiệp, các sinh viên ngành Y phải trải qua thời gian thực hành nghề nghiệp 12 tháng. Đây là giai đoạn cần thiết để đảm bảo đội ngũ bác sĩ tương lai có đủ kỹ năng và kinh nghiệm trong môi trường thực tế. Thêm vào đó, người học phải tiếp tục tham gia các khóa học sau đại học trong vòng 18-24 tháng để đạt được trình độ chuyên sâu và đủ điều kiện hành nghề. Việc tham gia thực hành tại bệnh viện không chỉ mang tính lý thuyết mà còn là những trải nghiệm giá trị giúp sinh viên tăng cường kỹ năng chuyên môn và thông thạo trong nghề nghiệp.
Như vậy, tính từ lúc bắt đầu học cho đến khi có thể chính thức làm nghề, một sinh viên ngành Y có thể mất tối thiểu 8-9 năm. Thời gian này là một quá trình dài yêu cầu người học không chỉ đầu tư tiền bạc mà còn phải bỏ ra rất nhiều sự nỗ lực và cống hiến.
Do đó, thầy Mạnh cho rằng, việc xem xét hỗ trợ hoặc giảm học phí cho đúng đối tượng sinh viên ngành Y cần được quan tâm là hợp lý để đảm bảo những tài năng y khoa tiềm năng không bị lãng phí chỉ vì khó khăn tài chính. Những chính sách khuyến khích như hệ thống học bổng, hỗ trợ vay vốn học phí và các chương trình tư vấn nghề nghiệp cho sinh viên Y khoa cũng cần được triển khai một cách toàn diện và hiệu quả để hướng đến đích cuối cùng là cân đối về nhân lực y tế cả trong phân bố và cơ cấu cán bộ chuyên môn, cũng như nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe của con người.