Xã hội hóa sách giáo khoa giúp phong phú tài liệu học tập, thúc đẩy đổi mới
Sau 5 năm triển khai chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo chương trình GDPT 2018, đến nay công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Trong 10 năm qua, kể từ khi Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo được ban hành, ngành giáo dục đã có nhiều bước tiến mạnh mẽ.
Xã hội hóa sách giáo khoa – Bước chuyển mình quan trọng
Đối với giáo dục phổ thông, trọng tâm là đổi mới chương trình giáo dục và sách giáo khoa. Đặc biệt, lần đầu tiên, nước ta đã xây dựng và xuất bản sách giáo khoa hoàn toàn theo hình thức xã hội hóa. Việc thẩm định sách giáo khoa được thực hiện thông qua Hội đồng Thẩm định Quốc gia do Bộ Giáo dục và Đào tạo thành lập, đảm bảo tính minh bạch và khách quan.
Khẳng định xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa là chủ trương đúng đắn, phù hợp với xu thế hiện nay, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành - Chủ nhiệm Khoa - Khoa Sư phạm, Trường Đại học Giáo dục - Đại học Quốc gia Hà Nội chia sẻ rằng, sau 5 năm triển khai chủ trương xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa theo Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, đến nay công tác này đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Từ cơ chế độc quyền với một bộ sách giáo khoa duy nhất do Nhà nước biên soạn và phát hành, đến nay, cả nước đã có ba bộ sách chính gồm “Kết nối tri thức với cuộc sống,” “Chân trời sáng tạo,” và “Cánh Diều,” cùng hàng trăm đầu sách giáo khoa khác đã được đưa vào sử dụng trong các nhà trường. Việc xã hội hóa đã mang lại sự phong phú về tài liệu học tập, giúp giáo viên và nhà trường có thêm lựa chọn, đồng thời thúc đẩy sự sáng tạo và đổi mới trong phương pháp giảng dạy.
Bên cạnh đó, việc nhiều nhà xuất bản, chuyên gia, và giáo viên cùng tham gia biên soạn sách giáo khoa đã huy động một lượng lớn trí tuệ và tài nguyên xã hội, góp phần nâng cao chất lượng sách học liệu.
Theo Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành, xã hội hóa sách giáo khoa cũng giúp khắc phục hạn chế của mô hình độc quyền trước đây, bằng cách đưa ra nội dung phù hợp hơn với thực tiễn và nhu cầu đa dạng của các vùng miền. Chất lượng sách được cải thiện rõ rệt, tập trung phát triển năng lực và phẩm chất người học, phù hợp với xu hướng giáo dục hiện đại.
Đặc biệt, giáo viên không còn bị ràng buộc bởi một bộ sách giáo khoa duy nhất, thay vào đó được trao quyền lựa chọn tài liệu và phương pháp phù hợp, góp phần phát huy sự sáng tạo trong dạy học; đồng thời đáp ứng nhu cầu học tập đa dạng của học sinh ở các vùng miền, tránh tình trạng áp đặt và đồng nhất trong nội dung giảng dạy.
“Trước đây, độc quyền sách giáo khoa dẫn đến hạn chế trong việc tiếp cận tài liệu học tập mới, gây trì trệ trong cải tiến giáo dục. Xã hội hóa đã phá vỡ thế độc quyền này, đồng thời khuyến khích sự cạnh tranh để nâng cao chất lượng”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành chia sẻ thêm.
Tuy nhiên, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành cũng chỉ ra rằng quá trình chuyển đổi từ cơ chế độc quyền sang xã hội hóa vẫn còn một số bất cập, cần được điều chỉnh đồng bộ để tối ưu hơn.
Trong đó, một thách thức lớn hiện nay đó là giá thành các đầu sách nhìn chung còn cao. Bên cạnh đó, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành đánh giá, số các nhà xuất bản, công ty tham gia vào quá trình xã hội hóa còn ít và chỉ tập trung vào một số môn học ''chính'' như môn Toán, môn Tiếng Việt hay môn Tiếng Anh; mỗi trường có thể chọn một bộ sách khác nhau để dạy học nên học sinh chuyển trường phải mua lại bộ sách khác gây lãng phí,...
“Xã hội hóa sách giáo khoa là một bước đi đúng đắn và cần thiết, góp phần hiện đại hóa giáo dục Việt Nam, đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế. Tuy nhiên, để phát huy hiệu quả, cần tiếp tục nghiên cứu để có các biện pháp giám sát và điều chỉnh chính sách nhằm giảm giá thành sách, khắc phục các bất cập trong phát hành và nâng cao chất lượng giáo dục đồng đều trên cả nước”, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành nhận định.
Để phát huy hơn nữa hiệu quả công tác xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa, Phó giáo sư Nguyễn Chí Thành đề xuất cần khuyến khích thêm nhiều đơn vị tham gia vào quá trình này bằng cách đơn giản hóa thủ tục pháp lý.
Bên cạnh đó, cần bảo đảm kiểm soát chặt chẽ chi phí xuất bản, phát hành để giảm giá sách giáo khoa, làm sao đảm bảo giá sách giáo khoa phù hợp với thu nhập bình quân của người dân, đặc biệt tại các vùng kinh tế khó khăn. Nhà nước cũng có thể có chính sách trợ giá sách giáo khoa cho vùng nghèo, hộ nghèo, vùng đặc biệt khó khăn.
Đặc biệt, cần tăng cường tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cộng đồng về lợi ích của xã hội hóa sách giáo khoa; cũng như mở rộng kênh phản hồi từ giáo viên, phụ huynh, và học sinh để liên tục cải thiện chất lượng sách giáo khoa.
Lần đầu tiên giáo viên phổ thông trực tiếp tham gia biên soạn sách giáo khoa
Việc thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa cũng đánh dấu lần đầu tiên đội ngũ giáo viên đang giảng dạy tại các trường phổ thông trên cả nước được tham gia trực tiếp vào quá trình này.
Thầy Thái Viết Tường, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam khẳng định, việc giáo viên tham gia góp ý các bản mẫu sách giáo khoa là công việc cần thiết và phải làm. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng giúp các nhà xuất bản có căn cứ để kịp thời điều chỉnh, bổ sung và hoàn thiện nội dung, nhằm đảm bảo chất lượng sách giáo khoa. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để giáo viên tiếp cận với các sách giáo khoa mới, rèn luyện kỹ năng nghiên cứu, chủ động khám phá và nâng cao trình độ chuyên môn của mình.
Cũng theo thầy Tường, về công tác lựa chọn sách giáo khoa, tỉnh Quảng Nam luôn chủ động nghiên cứu kỹ các văn bản, hướng dẫn của Bộ, đồng thời có văn bản hướng dẫn chi tiết cho cơ sở thực hiện; chỉ đạo việc đọc, nghiên cứu sách giáo khoa đầy đủ, nghiêm túc, chất lượng; tôn trọng đề xuất của cơ sở giáo dục trong lựa chọn sách giáo khoa. Từ đó, kết quả lựa chọn sách giáo khoa luôn phù hợp với đề xuất của cơ sở giáo dục, không có sai sót, được xã hội đồng tình, đánh giá cao.
Cuối cùng, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Quảng Nam nhấn mạnh, xã hội hóa công tác biên soạn sách giáo khoa và triển khai một chương trình với nhiều bộ sách giáo khoa là một bước đột phá quan trọng trong đổi mới giáo dục.
Xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa giúp huy động nguồn lực từ nhiều tổ chức, cá nhân và các nhà xuất bản, đồng thời tận dụng trí tuệ và kinh nghiệm phong phú của đội ngũ chuyên gia giáo dục trong cả nước. Điều này không chỉ giúp nội dung sách giáo khoa trở nên phong phú và sáng tạo hơn, mà còn đảm bảo chất lượng thông qua sự cạnh tranh lành mạnh. Bên cạnh đó, cách tiếp cận này góp phần giảm gánh nặng ngân sách Nhà nước và hạn chế tình trạng độc quyền trong lĩnh vực xuất bản sách giáo khoa.
Hơn nữa, giáo viên và nhà trường có thể linh hoạt lựa chọn bộ sách phù hợp nhất với đặc điểm học sinh và điều kiện thực tế của địa phương. Điều này cũng khuyến khích giáo viên chủ động hơn trong việc thiết kế bài giảng, đổi mới phương pháp giảng dạy, tạo cơ hội phát huy tính sáng tạo thay vì rập khuôn theo một tài liệu duy nhất.
Đặc biệt, với nhiều bộ sách giáo khoa, học sinh có cơ hội tiếp cận với các góc nhìn khác nhau, nội dung được trình bày đa dạng và phong phú, qua đó khơi gợi sự tò mò, ham học hỏi và phát triển toàn diện. Việc này không chỉ đáp ứng mục tiêu giáo dục của chương trình mới là phát huy phẩm chất, năng lực sáng tạo của học sinh, mà còn tạo động lực để các nhà xuất bản liên tục cải tiến, đảm bảo sách giáo khoa ngày càng chất lượng hơn, đáp ứng xu thế giáo dục hiện đại và hội nhập quốc tế.