Nên ăn gì khi mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát?
Với người bệnh đa hồng cầu nguyên phát, một số loại thực phẩm như thực phẩm chứa purin và oxalat, thực phẩm nhiều chất béo hoặc đường có thể làm trầm trọng thêm các biến chứng của bệnh.
Nội dung
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn kiêng cho bệnh đa hồng cầu nguyên phát
2. Thay đổi chế độ ăn uống người bệnh đa hồng cầu nguyên phát nên thực hiện
3. Người bệnh nên ăn gì?
4. Những loại thực phẩm bệnh nhân không nên ăn
Bệnh đa hồng cầu nguyên phát là một rối loạn máu mạn tính trong đó cơ thể tạo ra quá nhiều tế bào hồng cầu. Sự gia tăng bất thường này làm tăng độ nhớt của máu gây nên các biểu hiện như đỏ da, chi, tê bì đầu chi, biến chứng tắc mạch. Tình trạng này có thể gây ra nhiều triệu chứng và biến chứng.
Theo BSCKII. Nguyễn Lan Phương - Phó trưởng khoa Bệnh máu tổng hợp, Viện Huyết học - Truyền máu Trung ương, nguyên nhân gây bệnh đa hồng cầu nguyên phát chủ yếu do đột biến các gene kiểm soát sự tăng sinh của các tế bào máu. Thông thường, sự phát triển của các tế bào máu bình thường sẽ do các gene kiểm soát. Tuy nhiên trong bệnh đa hồng cầu sẽ làm mất kiểm soát của gene đó và gây nên tình trạng bệnh lý.
Tình trạng này không phải do các yếu tố chế độ ăn uống gây ra và không thể đảo ngược hoặc kiểm soát bằng bất kỳ chế độ ăn uống cụ thể nào. Mặc dù không có chế độ ăn kiêng cụ thể nào cho bệnh đa hồng cầu nguyên phát, bệnh nhân vẫn có thể tuân theo các hướng dẫn ăn uống lành mạnh và điều chỉnh chế độ ăn uống khi cần thiết cho tình trạng bệnh của mình.
1. Tầm quan trọng của chế độ ăn kiêng cho bệnh đa hồng cầu nguyên phát
Một số thói quen ăn uống có thể làm tăng nguy cơ mệt mỏi, loét, sỏi thận, cục máu đông và ung thư. Các thói quen ăn uống được khuyến nghị cho bệnh đa hồng cầu nguyên phát đòi hỏi phải có kế hoạch và chú ý nhưng không quá hạn chế. Khi người bệnh điều chỉnh theo những thay đổi này, chúng sẽ trở thành những thói quen lành mạnh có lợi cho sức khỏe tổng thể cũng như bệnh đa hồng cầu nguyên phát.
Bệnh đa hồng cầu nguyên phát được đặc trưng bởi tình trạng dư thừa hồng cầu lưu thông trong cơ thể người bệnh trong suốt cuộc đời. Điều này có thể gây ra tình trạng năng lượng thấp, mệt mỏi, loét dạ dày, bệnh gout và sỏi thận.
Đôi khi cục máu đông đe dọa tính mạng xảy ra, có thể dẫn đến thuyên tắc phổi (cục máu đông chặn động mạch phổi), đau tim hoặc đột quỵ. Theo thời gian, bệnh đa hồng cầu nguyên phát có thể tiến triển thành ung thư máu. Tổn thương tủy xương liên quan cũng có thể khiến bệnh nhân dễ bị gãy xương.
Tuy nhiên, việc thay đổi chế độ ăn uống và điều trị y tế cho bệnh đa hồng cầu nguyên phát có thể kéo dài sức khỏe tốt hơn. Với bệnh đa hồng cầu nguyên phát, bệnh nhân cần duy trì một số chiến lược ăn uống nhất định. Tốt nhất là nên hỏi ý kiến bác sĩ và chuyên gia dinh dưỡng để được tư vấn cụ thể, đảm bảo người bệnh luôn nhận đủ calo, vitamin và khoáng chất khi loại bỏ một số loại thực phẩm khỏi chế độ ăn uống của mình.
2. Thay đổi chế độ ăn uống người bệnh đa hồng cầu nguyên phát nên thực hiện
Khi mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát, điều quan trọng bệnh nhân cần hiểu rằng nhiều biến chứng nghiêm trọng có thể trở nên trầm trọng hơn do một số loại thực phẩm nhất định. Bệnh nhân cần cân nhắc các vấn đề về chế độ ăn uống để đảm bảo ăn theo cách giúp giảm thiểu nguy cơ biến chứng của bệnh đa hồng cầu nguyên phát.
BSCKII. Nguyễn Lan Phương cho biết, người bệnh cần đảm bảo ăn uống đầy đủ 4 nhóm thức ăn: chất bột đường, chất đạm, chất béo, nhóm vitamin và muối khoáng để tăng cường sức khỏe và sức đề kháng. Người bệnh nên hạn chế ăn mặn, thức ăn nhiều dầu mỡ, thức ăn cay như ớt, hạt tiêu, các chất kích thích như rượu, bia.
Những thay đổi về chế độ ăn uống cần tuân theo khi mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát là an toàn và không quá khó để quản lý. Người bệnh chỉ cần giảm lượng thức ăn nạp vào cơ thể theo một vài loại.
Bệnh nhân cần duy trì chế độ ăn uống nhất quán. Các thói quen ăn uống hiệu quả nhất đối với bệnh đa hồng cầu là an toàn và không gây ra tác dụng phụ. Do đó, duy trì chế độ ăn uống này là lành mạnh cho dù bệnh đa hồng cầu của bạn là nặng, trung bình hay nhẹ.
Nếu người bệnh gặp phải các vấn đề như loét hoặc sỏi thận, bác sĩ có thể kê đơn điều chỉnh chế độ ăn uống nghiêm ngặt hơn cho đến khi tình trạng ổn định hoặc khỏi hẳn.
3. Người bệnh nên ăn gì?
Năng lượng thấp là triệu chứng phổ biến của bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Vì vậy, cách tốt nhất để duy trì năng lượng thường xuyên là:
Nạp đủ calo.
Tránh tiêu thụ đường đơn giản.
Ăn thực phẩm có chứa carbohydrate phức hợp (trái cây, rau và ngũ cốc nguyên hạt) và protein nạc (thịt gia cầm, trứng, đậu phụ và sữa ít béo).
Thực phẩm chứa carbohydrate như gạo lứt, yến mạch, bánh mì nguyên cám, chuối và khoai lang có thể giúp duy trì năng lượng suốt cả ngày.
Một số thành phần dinh dưỡng khác cũng quan trọng cần bổ sung:
Nước: Bệnh đa hồng cầu nguyên phát khiến các tế bào hồng cầu dư thừa lưu thông trong mạch máu và làm tăng nguy cơ sỏi thận và bệnh gout. Uống đủ nước là rất quan trọng. Uống đủ nước sẽ không giải quyết hoàn toàn những vấn đề này nhưng nó có thể giúp giảm mức độ nghiêm trọng và nguy cơ của bệnh.
Canxi và vitamin D: Bệnh đa hồng cầu nguyên phát có liên quan đến tổn thương tủy xương, có thể làm tăng nguy cơ gãy xương, do đó, việc bổ sung đủ canxi và vitamin D trong chế độ ăn uống là rất quan trọng. Các khoáng chất này giúp xây dựng và duy trì sức mạnh của xương.
Các nguồn thực phẩm cung cấp canxi tốt nhất là các sản phẩm từ sữa. Chỉ một số ít thực phẩm (cá béo và ngũ cốc tăng cường) có chứa vitamin D, vì vậy bác sĩ có thể khuyến nghị dùng thêm thực phẩm bổ sung.
4. Những loại thực phẩm bệnh nhân không nên ăn
Những loại thực phẩm và thành phần dinh dưỡng sau đây nên tránh vì chúng có thể làm biến chứng trầm trọng hơn:
Thực phẩm có chứa oxalate: Những người mắc bệnh đa hồng cầu nguyên phát có thể bị sỏi thận, một tình trạng gây đau hông (đau ở lưng dưới một bên) và có thể có máu trong nước tiểu. Nhìn chung, nên tránh các thực phẩm có nhiều oxalate (đậu, quả mọng và rau cải xoăn), giảm nguy cơ bị sỏi thận.
Thực phẩm chứa purin: Bệnh gout có thể xuất hiện như một biến chứng của bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Nhìn chung, người bệnh nên tránh các thực phẩm có nhiều purin (thịt đỏ, nội tạng động vật và cá nước lạnh) vì chúng có thể làm tăng nồng độ acid uric - một thành phần chính của bệnh gout.
Thực phẩm nhiều chất béo: Bệnh nhân đa hồng cầu nguyên phát phải hạn chế thực phẩm nhiều chất béo vì chúng có thể làm tăng nguy cơ hình thành cục máu đông và tình trạng viêm. Thực phẩm nhiều chất béo bao gồm thịt đỏ có mỡ, thịt gà có da, thực phẩm chiên ngập dầu và món tráng miệng làm từ kem đặc hoặc nhiều bơ.
Thực phẩm chế biến: Bệnh nhân đa hồng cầu nguyên phát nên ăn thực phẩm tươi và hạn chế tiêu thụ thực phẩm chế biến sẵn cũng như các thực phẩm có chứa chất bảo quản hoặc quá nhiều đường (khoai tây chiên, đồ ăn nhẹ, nước sốt, nước chấm, đồ uống ngọt, bánh quy, kẹo và bánh ngọt), vì những thực phẩm này có thể làm tăng nguy cơ viêm nhiễm và ung thư.
Thực phẩm gây kích ứng loét dạ dày - tá tràng: Loét dạ dày - tá tràng là một biến chứng tiềm ẩn khác của bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Bệnh nhân nên tránh uống rượu, đồ uống có chứa caffeine, thức ăn béo, sô cô la và thức ăn cay trong khi điều trị.
Nhìn chung, người bệnh nên tránh tiêu thụ quá nhiều thực phẩm giàu oxalate và thực phẩm giàu purin. Bệnh nhân có thể cần xét nghiệm máu định kỳ để theo dõi tình trạng bệnh và bác sĩ có thể đề xuất những thay đổi chế độ ăn uống khác nhau dựa trên kết quả xét nghiệm máu.
Hút thuốc lá tuy không phải là yếu tố liên quan đến chế độ ăn uống, nhưng thói quen này có tác động bất lợi đến bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Người bệnh cần ngưng hút thuốc, duy trì hoạt động thể chất giảm béo phì, điều trị rối loạn mỡ máu, đái tháo đường, kiểm soát huyết áp.
Thiếu sắt ở người bệnh đa hồng cầu có thể xuất hiện tại giai đoạn sớm. Tuy nhiên, người ta đã đề xuất tránh các loại thực phẩm và chất bổ sung có chứa sắt để kiểm soát bệnh đa hồng cầu nguyên phát. Đó là vì sắt là thành phần của hemoglobin, một loại protein trong tế bào hồng cầu. Nhưng lượng sắt hấp thụ chưa được chứng minh là ảnh hưởng đến bệnh đa hồng cầu nguyên phát hoặc các triệu chứng và biến chứng của bệnh. Do đó, bác sĩ chỉ kê đơn bổ sung sắt khi người bệnh có triệu chứng thiếu sắt.