Nâng tầm giá trị cho hoa súng xanh Việt Nam
Dự án nghiên cứu trà nở hoa nghệ thuật từ hoa súng xanh (Nymphaea Caerulea) của nhóm sinh viên ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) đã xuất sắc giành giải Nhất tại cuộc thi 'Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024'. Sản phẩm không chỉ mở ra hướng đi mới mà còn thể hiện sự sáng tạo và nỗ lực của các bạn trẻ trong việc khai thác giá trị tiềm năng từ nguyên liệu bản địa.
Nguyên liệu tiềm năng đầy mới mẻ
Trong khi trà hoa sen đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng, trà từ hoa súng đặc biệt là hoa súng xanh, vẫn là một nguyên liệu mới lạ đầy tiềm năng tại Việt Nam. Hoa súng xanh không chỉ có hương thơm dịu nhẹ, vị thanh mà còn chứa các hoạt chất sinh học tốt cho sức khỏe. Nhận thấy tiềm năng này, nhóm sinh viên trường ĐH Duy Tân đã quyết định nghiên cứu và phát triển một sản phẩm trà nở hoa độc đáo từ loại hoa này.
Theo nhóm nghiên cứu, hiện nay, trên thị trường có hai phân khúc trà nở hoa chính: Các sản phẩm thương hiệu uy tín thường có giá bán cao, còn các sản phẩm trôi nổi trên các sàn thương mại lại không đảm bảo nguồn gốc và chất lượng. Hơn nữa, nhiều sản phẩm sử dụng lá trà chứa caffeine, gây mất ngủ cho người dùng. Trà nở hoa từ hoa súng xanh của nhóm sinh viên trường ĐH Duy Tân khắc phục hoàn toàn những hạn chế này. Sản phẩm sử dụng hoa súng xanh làm lớp bao gói tự nhiên, kết hợp với hoa hồng và hoa nhài (những nguyên liệu không chỉ giàu dược tính mà còn hỗ trợ giấc ngủ, an thần và làm đẹp). Nhờ đó, sản phẩm vừa đẹp mắt, vừa mang lại giá trị sức khỏe cao.
Theo Dương Thị Mỹ Phượng, thành viên nhóm nghiên cứu: “Chúng mình đã kiểm tra nghiêm ngặt các chỉ tiêu hóa lý, vi sinh và hóa học để đảm bảo chất lượng nguyên liệu đầu vào. Quy trình sản xuất được tối ưu hóa nhằm giữ lại tối đa các giá trị dinh dưỡng và cảm quan của hoa súng xanh. Sản phẩm đạt tiêu chuẩn TCVN 7975:2008, là lựa chọn thay thế lý tưởng cho các sản phẩm trà ngoại nhập không đảm bảo chất lượng”.
Hoa súng xanh được lựa chọn kỹ lưỡng theo các tiêu chuẩn được nhóm đề ra tại các cơ sở thu mua, sau đó kiểm tra thành phần hóa học để đảm bảo chất lượng trước khi bước vào quy trình sản xuất. Hoa súng xanh và các nguyên liệu khác sẽ trải qua hai quá trình sấy và tạo hình, cho ra thành phẩm từng viên trà nở hoa. Khác với phương pháp sấy thông thường, nhóm của Mỹ Phượng đã lựa chọn phương pháp sấy đối lưu ở nhiệt độ thấp, đồng thời nghiên cứu khảo sát ảnh hưởng của thời gian và nhiệt độ sấy đến các chất lượng của nguyên liệu, trong đó có chất lượng cảm quan của hoa súng xanh. Đảm bảo cho hoa súng xanh vẫn giữ được màu sắc, mùi, vị và kết cấu toàn vẹn nhất.
Theo nhóm, phương pháp sấy này có giá thành phải chăng, tiết kiệm chi phí sản xuất, máy móc dễ vận hành, thiết bị có tính linh hoạt cao.
Trong quá trình nghiên cứu từ tháng 5/2023 đến tháng 11/2023, nhóm cũng đối mặt với nhiều khó khăn, từ việc cân đối thời gian học tập, làm thêm, đến vấn đề kinh phí hạn chế. “Đôi khi, việc không thể họp nhóm đầy đủ hay phải tận dụng tối đa tài nguyên sẵn có khiến chúng mình cảm thấy áp lực”, Hoàng Thị Ngọc Tài chia sẻ.
May mắn, nhóm luôn nhận được sự hỗ trợ tận tình từ các thầy cô ĐH Duy Tân. “Thầy cô không chỉ hướng dẫn cách đọc tài liệu, lập kế hoạch mà còn giúp chúng mình làm quen với các thiết bị, máy móc phòng thí nghiệm. Nhờ vậy, từng bước thử nghiệm, cải tiến và điều chỉnh liên tục, chúng mình đã hoàn thiện sản phẩm như ngày hôm nay”, Ngọc Tài chia sẻ thêm.
Niềm tự hào và định hướng tương lai
Sau thành công tại cuộc thi, nhóm sinh viên cảm nhận rõ ràng niềm tự hào và có thêm động lực để tiếp tục theo đuổi đam mê, Võ Thị Thùy Trâm chia sẻ: “Điều mà chúng mình cảm thấy tự hào nhất khi tham gia cuộc thi chế biến sau thu hoạch chính là sự sáng tạo và nỗ lực không ngừng nghỉ của cả nhóm đã được công nhận. Qua quá trình nghiên cứu và phát triển, chúng mình không chỉ tạo ra những sản phẩm chất lượng mà còn góp phần nâng cao giá trị của nông sản địa phương. Sự công nhận từ Ban Giám khảo và thành tích đoạt giải Nhất không chỉ là minh chứng cho sự cống hiến của chúng mình mà còn là nguồn động lực mạnh mẽ để chúng mình tiếp tục theo đuổi đam mê”.
Hiện tại, nhóm 5 bạn sinh viên ĐH Duy Tân đang tiến hành hoàn thành hồ sơ để đăng ký quyền sáng chế cho sản phẩm và thương mại hóa với tên gọi “Thụy liên khai hoa trà”.
Ngoài 5 thành viên chính, nhóm còn có thêm sự góp sức từ một thành viên khác nữa là Lê Thị Hương Lan. Bởi trong quá trình nghiên cứu, Hương Lan đã góp mặt trong hầu hết các công đoạn, cô là người luôn giúp đỡ và chia sẻ nhiều kinh nghiệm cho các đàn em.
Với tiềm năng ứng dụng cao và giá trị thẩm mỹ, trong tương lai, nhóm bạn trẻ có thể sẽ mở rộng nghiên cứu cho ra các dòng sản phẩm khác từ nguyên liệu hoa súng như trà túi lọc, trà kombucha... hay nhiều sản phẩm trà nở hoa khác từ các loại nguyên liệu mới lạ khác.
“Cuộc thi chế biến sau thu hoạch là một sân chơi bổ ích giúp cho các bạn sinh viên trong ngành công nghệ thực phẩm thể hiện tài năng và sáng tạo. Cuộc thi không chỉ mang lại cơ hội học hỏi về quy trình chế biến và bảo quản thực phẩm mà còn khuyến khích sự phát triển kỹ năng thực hành, sự sáng tạo của sinh viên. Sự cạnh tranh với các đội thi khác tạo ra một môi trường năng động, để chúng mình có thể trau dồi thêm nhiều kỹ năng thông qua việc quan sát và học hỏi từ các đối thủ, các bạn. Từ đó có thể rút ra nhiều bài học quý giá, góp phần hoàn thiện hơn trong quá trình nghiên cứu và phát triển sản phẩm”, Phan Diệp Lâm (thành viên nhóm nghiên cứu) bộc bạch.
“Cuộc thi Công nghệ chế biến sau thu hoạch năm 2024” do Trung tâm Phát triển Khoa học và Công nghệ trẻ phối hợp cùng trường ĐH Công Thương TP. HCM tổ chức ngày 23/11. Cuộc thi năm nay được tổ chức với 2 bảng: Bảng A gồm các đề tài, giải pháp công nghệ trong chế biến; Bảng B gồm các đề tài, giải pháp công nghệ trong bảo quản.