Cấm thuốc lá điện tử từ 2025: Quyết định 'đúng', 'trúng', 'hợp lòng dân' trong bảo vệ sức khỏe cộng đồng
Quốc hội vừa chính thức thông qua Nghị quyết cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025, nhằm bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là thế hệ thanh, thiếu niên. Quyết định này nhận được sự ủng hộ của dư luận, đồng thời mở ra một giai đoạn mới trong công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá tại Việt Nam.
Tại kỳ họp thứ 8, diễn ra vào chiều 30/11, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết yêu cầu Chính phủ triển khai các quy định cấm thuốc lá điện tử và thuốc lá nung nóng từ năm 2025.
Theo đó, trong Nghị quyết của Quốc hội có nêu rõ nội dung: Quốc hội thống nhất cấm sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, chứa chấp, vận chuyển, sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người từ năm 2025, bảo đảm sức khỏe cộng đồng, trật tự, an toàn xã hội; giao Chính phủ tổ chức thực hiện cụ thể. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, đặc biệt là đối với thanh niên, thiếu niên về tác hại của rượu, bia, thuốc lá, thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, các loại khí, chất gây nghiện, gây tác hại cho sức khỏe con người.
Trước đó, nội dung này đã được các đại biểu thảo luận sôi nổi tại kỳ họp. Đa số các Đại biểu Quốc hội đồng tình và đề xuất việc cấm các sản phẩm thuốc lá mới như thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng để bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là người trẻ - thế hệ tương lai của đất nước.
Đặc biệt, tại phiên chất vấn lĩnh vực y tế ngày 11/11, nhiều Đại biểu đã đặt câu hỏi, làm “nóng” nghị trường khi đề cập đến vấn đề thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng. Các Đại biểu chất vấn về việc đánh giá thực trạng và đề xuất các giải pháp đối với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng hiện nay.
Trả lời chất vấn của các Đại biểu, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan đã mang theo các sản phẩm thuốc lá điện tử đến nghị trường để làm bằng chứng, hình ảnh các sản phẩm thuốc lá điện tử trông giống như những món đồ chơi, rất khó phát hiện, dễ hấp dẫn giới trẻ, khẳng định đây là điều rất khó kiểm soát.
Bộ Y tế đã chỉ ra các nguyên nhân khiến các sản phẩm thuốc lá mới vẫn trôi nổi trên thị trường dù không có quy định nào cho phép. Tuy nhiên, vì lợi nhuận của ngành công nghiệp thuốc lá, các sản phẩm này vẫn tồn tại trên thị trường.
Theo Bộ trưởng Đào Hồng Lan, dựa trên việc tập hợp các bằng chứng, căn cứ khoa học trên thế giới… về việc thuốc lá mới có chứa nhiều chất ảnh hưởng đến sức khỏe con người; trước đó, Bộ Y tế đã có báo cáo đánh giá tác động của các loại thuốc lá mới, trình Chính phủ.
Trên quan điểm là cơ quan bảo vệ sức khỏe người dân, Bộ Y tế đã có báo cáo Quốc hội liên quan đến việc cấm các sản phẩm thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng trước khi Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá (sửa đổi) được xem xét, thông qua.
Quyết định của Quốc hội về việc cấm sản xuất, kinh doanh và sử dụng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng từ năm 2025 ngay lập tức nhận được sự đồng tình mạnh mẽ từ dư luận. Nhiều độc giả bày tỏ sự ủng hộ và vui mừng, cho rằng đây là một quyết định cần thiết để bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Một độc giả có nickname Vangp... chia sẻ: "Quá tuyệt vời, con tôi sắp lớn, tôi rất lo lắng về thuốc lá điện tử, và hoàn toàn ủng hộ quyết định này." Bạn đọc Nguyenda... bày tỏ: "Thuốc lá điện tử đã len lỏi vào các trường học từ tiểu học đến đại học, việc cấm là một quyết định chính xác."
Bạn đọc NguyenDuyTh... hồi tưởng trải nghiệm cá nhân: "Tôi phải điều trị dài ngày ở bệnh viện. Mỗi lần xuống khuôn viên thư giãn, đi đâu cũng thấy người hút thuốc, dù biển cấm đã treo khắp nơi. Ngay cả bảo vệ bệnh viện cũng hút. Điều này rất ức chế. Tôi đã mong chờ quyết định này từ rất lâu”.
Nhiều độc giả khác cũng bày tỏ sự hài lòng với quyết định của Quốc hội. Reds... viết: "Hoan nghênh quyết định hợp lòng dân của Quốc hội." Vanpv.dong... nhấn mạnh: "Đây là quyết định rất kịp thời và nhân văn, bảo vệ sức khỏe cộng đồng và thế hệ tương lai."
Trang Nguyen... cho rằng Việt Nam đã có nhiều quyết sách đúng đắn và kịp thời: "Từ mạng xã hội đến rượu bia, thuốc lá, những quyết định này thực sự rất tuyệt vời." Doanhiep... cũng khẳng định: "Tôi rất đồng tình với quyết định cấm thuốc lá điện tử. Tôi đã từng sử dụng và nhận thấy nó rất có hại cho sức khỏe. Hy vọng thế hệ tương lai sẽ loại bỏ thuốc lá điện tử khỏi môi trường sinh hoạt."
Một số độc giả cũng hy vọng rằng Chính phủ sẽ tiếp tục có các biện pháp mạnh mẽ hơn đối với cả thuốc lá truyền thống để trả lại “môi trường không khói thuốc” và bảo vệ sức khỏe cộng đồng.
Từ Nghị quyết của Quốc hội, nhìn nhận lại công tác phòng, chống tác hại của thuốc lá thời gian qua của Bộ Y tế và các tổ chức, đơn vị liên quan, đặc biệt là Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, có thể thấy những tổ chức đã và đang nỗ lực không ngừng trong công tác bảo vệ sức khỏe cộng đồng. Hơn 10 năm qua, Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá đóng vai trò quan trọng trong việc giảm thiểu tác hại của thuốc lá nói chung và thuốc lá điện tử nói riêng. Quỹ đã hỗ trợ hơn 1.500 tỷ đồng cho các hoạt động phòng chống tác hại thuốc lá trên toàn quốc, từ việc nghiên cứu, tuyên truyền, đến các chương trình tư vấn và hỗ trợ cai nghiện.
Các chiến dịch truyền thông của Quỹ đã góp phần thay đổi nhận thức của cộng đồng về nguy cơ từ thuốc lá điện tử, đặc biệt là trong nhóm thanh thiếu niên. Những thông tin do Quỹ cung cấp về tác hại của thuốc lá điện tử đã khiến nhiều người ý thức hơn về sức khỏe của bản thân và gia đình. Kết quả khảo sát cho thấy hơn 80% người hút thuốc điện tử đã thay đổi quan điểm về thói quen này, một phần nhờ vào các chiến dịch truyền thông mạnh mẽ do Quỹ hỗ trợ.
Bên cạnh đó, Quỹ cũng tổ chức các hoạt động tư vấn cai nghiện thuốc lá miễn phí tại nhiều bệnh viện lớn, như Bệnh viện Bạch Mai, Bệnh viện Nhân dân Gia Định. Tính đến nay, hơn 208.000 lượt bệnh nhân đã được tư vấn cai nghiện, trong đó có hơn 8.600 người đã thành công cai thuốc sau 3 tháng. Những chương trình tư vấn chuyên sâu và đào tạo cán bộ y tế đã giúp gia tăng khả năng tiếp cận dịch vụ cai nghiện cho người dân, đặc biệt là những người có thói quen hút thuốc lâu năm. Ngoài ra, Quỹ còn thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về tình trạng sử dụng thuốc lá tại các địa phương, cung cấp bằng chứng quan trọng giúp các cơ quan chức năng đưa ra các chính sách phòng chống tác hại thuốc lá hiệu quả hơn.
Cùng với sự tham gia của các tổ chức quốc tế và phi chính phủ, các trường đại học, Quỹ đã xây dựng mạng lưới cộng tác rộng khắp, góp phần tạo ra những thay đổi mạnh mẽ trong nhận thức của cộng đồng về tác hại của thuốc lá. Những thành tựu này đã được quốc tế ghi nhận, và vào năm 2018, Việt Nam được trao giải thưởng toàn cầu vì những nỗ lực trong công tác phòng chống tác hại thuốc lá.
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ của Bộ Y tế và Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá, và các tổ chức, đơn vị liên quan, Việt Nam đã có những bước tiến lớn trong việc bảo vệ sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là trong việc đối phó với sự gia tăng của thuốc lá điện tử. Nghị quyết của Quốc hội không chỉ là sự tiếp nối những thành quả đã đạt được mà còn là tín hiệu mạnh mẽ cho thấy Chính phủ cam kết bảo vệ sức khỏe người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ trước những nguy cơ từ thuốc lá điện tử và các sản phẩm thuốc lá mới.