Nâng tầm bánh chưng truyền thống

Cuối năm, không khí Tết đã tràn ngập khắp các làng nghề làm bánh chưng gia truyền. Làng trên ngõ dưới, nhà nào cũng rộn ràng tiếng nói, tấp nập người gói bánh. Từ ngõ vào nhà xanh rợp màu lá dong, thoang thoảng hương gạo nếp ngâm dậy mùi quyện theo làn khói bếp mỏng tan...

Nghề làm bánh chưng được người dân xã Hùng Lô truyền từ đời này sang đời khác.

Nghề làm bánh chưng được người dân xã Hùng Lô truyền từ đời này sang đời khác.

Xã Hùng Lô, thành phố Việt Trì nổi tiếng với nghề gói bánh chưng, giã bánh giầy gắn liền với truyền thuyết từ thuở Vua Hùng Vương gây dựng cơ đồ đất Việt. Tiếp nối truyền thống bao đời, người dân làng Xốm nơi đây vẫn ngày ngày giữ nghề, bếp nấu bánh chưng vẫn đỏ lửa quanh năm theo đơn đặt hàng từ khắp các nơi nhưng tấp nập nhất vẫn là thời điểm từ tháng 12 dương lịch. Để bánh chưng Hùng Lô nổi tiếng với danh xưng “tiến Vua” là quá trình tích lũy kinh nghiệm qua nhiều đời truyền lại. Bí quyết để làm được những chiếc bánh chưng ngon chuẩn vị truyền thống thì khâu lựa chọn và chuẩn bị nguyên liệu quan trọng nhất. Gạo nếp là nguyên liệu chính của bánh được chọn mua kỹ lưỡng, thường là gạo nếp cái hoa vàng. Thịt lợn ba chỉ loại tươi ngon, đỗ xanh mẩy hạt, nguyên vỏ được ngâm và đãi vỏ mới giữ được mùi thơm.

Ông Nguyễn Văn Ninh - Trưởng làng nghề bánh chưng, bánh giầy truyền thống Hùng Lô cho biết: “Năm 2017, làng Xốm được công nhận là Làng nghề bánh chưng, bánh giầy Hùng Lô. Làng nghề hiện có trên 30 hộ làm nghề gói bánh chưng, giã bánh giầy. Người dân trong làng Xốm cũng không nhớ rõ nghề gói bánh chưng của làng có từ bao giờ, chỉ biết rằng cùng với nghề làm mì gạo thì nghề gói bánh chưng đã có từ rất lâu rồi”.

Nghề làm bánh chưng huyện Cẩm Khê được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Nghề làm bánh chưng huyện Cẩm Khê được chứng nhận là Di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia.

Những nghệ nhân làm bánh chưng Hùng Lô luôn tâm niệm một điều, nghề làm bánh là nghề truyền thống của gia đình nên việc giữ gìn, phát huy nghề vô cùng quan trọng. Là thế hệ thứ 4 tiếp nối nghề làm bánh chưng truyền thống làng Xốm của gia đình, anh Nguyễn Thanh Bình cho biết: “Ngay từ khi còn nhỏ, anh em tôi đã bắt đầu từ những việc đơn giản như quét dọn, rửa lá, cân gạo, ngâm đậu... đến những đêm thức khuya phụ bà và bố mẹ buộc lạt, cùng luộc bánh chưng cho kịp sáng giao cho khách hàng. Dù vất vả nhưng tôi và vợ vẫn quyết định chọn tiếp nối nghề, gìn giữ truyền thống gia đình gói bánh dâng Vua Hùng ngày Giỗ Tổ Hùng Vương”.

Nhiều năm gần đây, những người làm bánh chưng Hùng Lô lại càng tự hào hơn khi được giới thiệu về nghề cổ truyền và sản phẩm bánh chưng với du khách quốc tế khi đến thăm làng cổ. Các du khách sẽ được tìm hiểu và trải nghiệm các công đoạn làm bánh chưng cổ truyền của dân tộc, được thưởng thức hương vị bánh chưng thơm, bùi vị đỗ và ngậy của thịt hòa quyện trong lớp lá dong xanh.

Vẫn là lá dong xanh, là gạo nếp cái hoa vàng, nhân đỗ xanh... nhắc đến các làng gói bánh chưng nổi tiếng Đất Tổ, không thể không nhắc đến bánh chưng Cát Trù, xã Hùng Việt, huyện Cẩm Khê. Gần 30 năm gắn bó với nghề gói bánh chưng gia truyền, gia đình nghệ nhân Nguyễn Thị Minh Ảnh - chủ cơ sở bánh chưng Chính Ảnh là đời thứ ba nối nghiệp làm bánh chưng. Bước vào vụ Tết, gia đình bà phải huy động tất cả các thành viên tham gia gói bánh. Trung bình mỗi ngày gia đình bà Ảnh gói 5.000-6.000 chiếc bánh chưng. Từ người già đến người trẻ đều hối hả rửa lá, lau lá, vo gạo, thái thịt, gói bánh... Khi mọi công đoạn gói bánh hoàn tất, bánh được xếp vào những nồi to đặt lên bếp củi rực đỏ suốt đêm luộc bánh. Chiếc bánh chưng Cát Trù sau khi luộc có hình thức đẹp, vuông thành sắc cạnh, màu sắc tươi tắn, gạo rền, thơm hương. Bánh thơm ngon không chỉ bởi lớp nhân đậm đà mà lớp vỏ gạo cũng dẻo, mềm rền hạt, không nhão.

Bánh chưng Hùng Lô và bánh chưng Cát Trù hàng năm đều được chọn làm lễ dâng Vua Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Bánh chưng Hùng Lô và bánh chưng Cát Trù hàng năm đều được chọn làm lễ dâng Vua Hùng dịp Giỗ Tổ Hùng Vương.

Để làm nên một chiếc bánh chưng mang thương hiệu “Bánh chưng dâng Vua”, bà Ảnh cho biết: "Chiếc bánh chưng ngon đòi hỏi người làm bánh phải kỳ công, khéo léo trong từng công đoạn và đặc biệt là sử dụng nguyên liệu tươi, sạch, có nguồn gốc rõ ràng thì bánh sẽ giữ được hương vị truyền thống lâu hơn”. Có lẽ vì sự cầu toàn và tỉ mỉ mà tiếng lành đồn xa, bánh chưng Cát Trù đến nay đã vươn xa không chỉ cung cấp cho thị trường trong tỉnh mà còn đi các tỉnh, thành khác, phục vụ nhu cầu ẩm thực truyền thống và Tết Nguyên đán của người dân Việt Nam ở nước ngoài.

Với bí quyết gia truyền, niềm say mê giữ lửa trong nghề, những làng nghề bánh chưng là không gian lưu giữ văn hóa, phong tục cổ truyền của người Việt qua bao thế hệ. Mỗi ngày, hàng ngàn chiếc bánh chưng dẻo thơm được bán ra thị trường trong và ngoài nước để phục vụ cho nhu cầu thưởng thức ẩm thực dân tộc. Năm 2023, nghề làm bánh chưng, bánh giầy của huyện Cẩm Khê, thành phố Việt Trì, huyện Tam Nông vinh dự được Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chứng nhận đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Đồng thời, sản phẩm bánh chưng Đất Tổ, xã Hùng Việt xuất sắc vượt qua hàng nghìn món ăn đặc sắc, tiêu biểu vinh dự được Hiệp hội Văn hóa Ẩm Thực Việt Nam chứng nhận lọt TOP 121 Món ẩm thực Việt Nam tiêu biểu năm 2023.

Nghề gói bánh chưng gia truyền đã giúp nhiều hộ dân Đất Tổ có thu nhập ổn định, giải quyết việc làm cho lao động địa phương, góp phần gìn giữ nét đẹp truyền thống riêng có của dân tộc, nhất là mỗi độ Tết đến, Xuân về.

Ninh Giang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-tam-banh-chung-truyen-thong-225547.htm
Zalo