Năng động, nhạy bén và làm chủ chính mình

HNN - Người phụ nữ thời đại mới năng động, sáng tạo, có kiến thức và kỹ năng, dần khẳng định được vai trò, vị thế trong sự phát triển.

Chị Hạnh (ngoài cùng bên trái) luôn năng động trong các phong trào phụ nữ địa phương

Chị Hạnh (ngoài cùng bên trái) luôn năng động trong các phong trào phụ nữ địa phương

Nắm bắt cơ hội

Là người siêng năng, chăm chỉ nhưng vì hoàn cảnh nên học hành cũng chẳng đến nơi đến chốn, sau khi lấy chồng chị Nguyễn Thị Thúy Hạnh (SN 1982), phường Hương Vinh, quận Phú Xuân chỉ ở nhà chăm con, nội trợ. Khi các con lớn hơn, đều đi học cả, chị chủ yếu ở nhà quán xuyến công việc gia đình để chồng yên tâm kiếm tiền. Từ khi tham gia các hoạt động, phong trào phụ nữ ở địa phương, chị Hạnh dần thay đổi suy nghĩ. Chị được hướng dẫn sử dụng mạng xã hội (MXH), tiếp xúc với các nền tảng số. Chị bắt đầu thấy “ngoài kia” có nhiều cơ hội cho mình kiếm thêm thu nhập, vươn lên làm kinh tế. Vốn khéo tay, đam mê nấu ăn nên chị bắt đầu học hỏi cách làm các mâm cúng đầy tháng, thôi nôi, nấu đám tiệc... và cả cắm hoa.

Chị tập tành đăng các sản phẩm của mình lên MXH để tìm kiếm, tiếp cận với khách hàng. “Tiếng lành đồn xa”, sản phẩm của chị chất lượng, giá cả phải chăng lại đẹp mắt nên được khách hàng đón nhận. Không chỉ phục vụ khách hàng ở địa phương, thông qua các nền tảng MXH, chị bắt đầu có những đơn hàng ở xa hơn... Từ những “viên gạch” đầu tiên đó, khi có vốn, vợ chồng chị mở một xưởng gia công giày dép tại nhà. Nhạy bén trong kinh doanh, cần cù chịu khó, cơ sở sản xuất giày dép của chị Hạnh ngày càng mở rộng, tạo việc làm cho nhiều lao động địa phương. Chị có ý định sẽ dạy miễn phí cho những hội viên phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu muốn học nghề.

“Tôi chưa bao giờ nghĩ mình sẽ là một người phụ nữ năng động và có “chút” thành công như ngày hôm nay. Thời đại số đã giúp tôi dám bước ra khỏi vùng an toàn, nắm bắt những cơ hội để thay đổi bản thân. Khi được hội phụ nữ địa phương định hướng và đồng hành, sự thay đổi của tôi luôn theo hướng tích cực”, chị Hạnh chia sẻ.

Gặp chị Hồ Nhật Phương, Giám đốc Công ty TTHH SBC Hoàng Gia tại hoạt động tổ chức trưng bày sản phẩm của các HTX và thành viên liên kết do Liên minh HTX tổ chức vào giữa tháng Tư vừa qua, tôi mới thấy bản lĩnh và sự nhạy bén của chị Phương. Chị Phương kể, năm 2021, Công ty TNHH SBC Hoàng Gia đã mạnh dạn đưa cây sâm Bố Chính về trồng thử tại huyện A Lưới. Những củ sâm, nguyên liệu hoa sâm có chất dinh dưỡng cao được chị Phương sản xuất trên 10 mặt hàng khác nhau như: Sâm tươi, bột sâm, sâm khô sấy lạnh, hoa sâm, nước sâm, sâm ngâm mật ong, mè xửng sâm, kẹo sâm kiểu Huế, mứt sâm… phù hợp với từng đối tượng khách hàng. Năm 2023, sản phẩm sâm Bố Chính ngâm mật ong của chị Nhật Phương đã được UBND thành phố Huế cấp Giấy chứng nhận OCOP (sản phẩm 3 sao).

Không ngừng cải tiến và đổi mới, sản phẩm trà thạch hoa sâm với giá thành phù hợp với số đông khách hàng cũng là một trong những sản phẩm mới nhưng từ khi ra mắt đã được thị trường đón nhận. Chị Phương nắm bắt tất cả các cơ hội từ sàn thương mại điện tử, MXH... các hội chợ, triển lãm để đem sản phẩm của mình “đi đánh xứ người”. Đến nay, sâm Bố Chính của Công ty Hoàng Gia đã có mặt ở nhiều thị trường lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP. Hồ Chí Minh.

Vùng nguyên liệu đã được xây dựng ổn định và không ngừng được mở rộng, trang thiết bị máy móc sản xuất được đầu tư bài bản, hiện đại, hiện chị Phương tập trung vào việc mở rộng thị trường tiêu thụ, quảng bá sản phẩm.

Đồng hành, hỗ trợ cho phụ nữ

Với lực lượng đông đảo, phụ nữ có mặt trên tất cả các lĩnh vực; tích cực tham gia vào công cuộc đổi mới và phát triển kinh tế - xã hội. Hội viên phụ nữ trên địa bàn thành phố đã dần thay đổi tư duy, nhận thức, không những phát huy truyền thống, tiềm năng, thế mạnh của bản thân mà với tinh thần làm chủ, đã không ngừng vươn lên, chinh phục những tri thức, công nghệ mới.

Theo bà Trần Thị Kim Loan, Thành ủy viên, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Huế, để phát huy và khẳng định vai trò đó, ngoài sự nỗ lực của bản thân mỗi hội viên phụ nữ, Hội LHPN thành phố đã có những chương trình, hoạt động cùng đồng hành mang lại hiệu quả cao.

Hoạt động nâng cao quyền năng kinh tế phụ nữ đã thực sự đi vào chiều sâu, với nhiều giải pháp. Hội LHPN thành phố chú trọng các hoạt động mở rộng mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp; kết nối, giới thiệu các sản phẩm do phụ nữ khởi nghiệp. Ban Thường vụ Hội LHPN thành phố đã tổ chức thành công Cuộc thi “Phụ nữ tự tin ứng dụng công nghệ số - sẵn sàng để thành công năm 2024” với hình thức thi đổi mới, phù hợp với xu thế của cuộc cách mạng 4.0.

Hội LHPN thành phố cũng đã ra mắt mô hình “Mạng lưới phụ nữ khởi nghiệp nâng tầm thương hiệu Huế” với 50 thành viên tham gia cùng ban điều hành và ban cố vấn mạng lưới là những chuyên gia, các nhà đầu tư, doanh nghiệp trên địa bàn thành phố. Qua đó, đã triển khai các hoạt động thúc đẩy trao quyền kinh tế cho phụ nữ; hỗ trợ, tư vấn, đào tạo cho phụ nữ khởi nghiệp; tổ chức các sự kiện có quy mô lớn như hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm hoạt động phụ nữ khởi nghiệp”, hội thảo đánh giá hiệu quả của các mô hình sinh kế, truyền thông “Phụ nữ gắn sản phẩm OCOP với kinh tế số và phát triển xanh”... Các cấp hội LHPN đã hỗ trợ kết nối tiêu thụ 208.456 tấn các sản phẩm do phụ nữ sản xuất, kinh doanh và hỗ trợ 462 hội viên, phụ nữ khởi sự kinh doanh...

Hội LHPN thành phố cũng đã thực hiện hiệu quả chương trình ủy thác từ Ngân hàng Chính sách xã hội với tổng dư nợ hơn 2.570 tỷ đồng với 54.604 hội viên được tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển đã hỗ trợ 487 lượt hội viên vay vốn từ 10 - 50 triệu đồng/người, với tổng số tiền quay vòng hơn 6,7 tỷ đồng.

Bài, ảnh: Thảo Vy

Nguồn Thừa Thiên Huế: https://huengaynay.vn/doi-song/nang-dong-nhay-ben-va-lam-chu-chinh-minh-153291.html
Zalo