Nâng cao vị thế công nghiệp Bình Dương

Để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, Bình Dương xác định ngành công nghiệp tiếp tục là động lực tăng trưởng, phấn đấu Chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 12%. Để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bình Dương tiếp tục ưu tiên phát triển công nghiệp có hàm lượng giá trị gia tăng cao, nâng dần tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm...

Hoạt động sản xuất tại Công ty Cổ phần Tôn Đông Á

Cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh

Bình Dương là địa phương có quy mô kinh tế đứng thứ hai vùng Đông Nam Bộ, sau TP.Hồ Chí Minh. Trong các ngành, lĩnh vực đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh phải kể đến công nghiệp chế biến, chế tạo. Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư, đến nay Bình Dương có 4.433 dự án đầu tư nước ngoài (FDI) được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn đăng ký hơn 42,5 tỷ đô la Mỹ. Đứng đầu là lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, gồm 3.788 dự án với tổng số vốn đầu tư hơn 31,8 tỷ đô la Mỹ, chiếm 85,5% số dự án và 74,9% tổng vốn đăng ký.

Tuy công nghiệp phát triển mạnh nhưng ngành công nghiệp của Bình Dương hiện nay chủ yếu dựa vào các dự án FDI. Cùng với đó, việc phụ thuộc nguyên liệu nhập khẩu vẫn đang là điểm yếu của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tại Bình Dương. Ông Nguyễn Thanh Toàn, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, cho biết để khắc phục những điểm yếu nói trên, Bình Dương tiếp tục cấu trúc lại mạng lưới công nghiệp nội tỉnh. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh chuyển đổi ngành công nghiệp hiện hữu theo hướng hiện đại hóa dựa trên nền tảng khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo; tiếp tục duy trì và phát huy vai trò ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là trụ cột chính trong sản xuất công nghiệp của tỉnh; tập trung các nhóm ngành thế mạnh của tỉnh; đồng thời cải thiện hiệu quả sản xuất thông qua các giải pháp hiện đại hóa công nghiệp và tối ưu hiệu quả thương mại.

Bình Dương cũng đang nâng cấp các khu công nghiệp (KCN) hiện hữu trở thành các KCN thông minh để hiện đại hóa các ngành công nghiệp hiện hữu, phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nhằm tăng tỷlệnội địa hóa vàđổi mới ngành công nghiệp, tạo điều kiện thuận lợi để phát huy nguồn lực toàn xã hội cùng tham gia vào quá trình phát triển. Trong đó, Bình Dương ưu tiên phát triển các ngành CNHT, sớm hoàn chỉnh quy hoạch vùng nguyên phụ liệu và vùng CNHT; tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi mời gọi đầu tư, mở rộng sản xuất, kinh doanh các dự án thuộc lĩnh vực công nghệ cao.

Phát triển công nghiệp bền vững

Xác định công nghiệp công nghệ cao là lĩnh vực tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế -xã hội của tỉnh ngày càng bền vững, Bình Dương đang nghiên cứu xây dựng các khu công nghệ thông tin tập trung, KCN khoa học - công nghệ, trung tâm đổi mới sáng tạo. Cùng với đó, Bình Dương chú trọng phát triển khu vực kinh tế tư nhân cả về số lượng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, ngày càng trở thành một trong những động lực quan trọng thúc đẩy chuyển đổi phương thức phát triển, cơ cấu lại nền kinh tế của tỉnh; xây dựng và phát triển các doanh nghiệp (DN), sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ Bình Dương, có giá trị cạnh tranh cao trên thị trường quốc tế.

Theo Sở Công thương, các DN CNHT trên địa bàn tỉnh đang được tạo điều kiện thuận lợi nhất để từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, như: Tạo sự liên kết, chuyên môn hóa giữa các DN trong sản xuất, lắp ráp và sản xuất phụ tùng, linh kiện ô tô trong các KCN, cụm công nghiệp; sớm hình thành hệ thống các nhà cung cấp nguyên vật liệu và sản xuất linh kiện, dự án lớn, hàm lượng công nghệ cao…

Mới đây, tại hội nghị Thường trực Chính phủ gặp gỡ với các tập đoàn, DN lớn thuộc cả khu vực Nhà nước và tư nhân, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn Trường Hải (THACO), cho biết tháng 9-2025 THACO sẽ khởi công KCN cơ khí hỗ trợ tại Bình Dương với quy mô hơn 700 ha. Dự án này có tổng mức đầu tư khoảng 26.000 tỷ đồng (hơn 1 tỷ đô la Mỹ). Trước đó, cuối năm 2022, UBND tỉnh đã ký biên bản ghi nhớ với THACO để triển khai dự án này. KCN cơ khí hỗ trợ không chỉ phục vụ lĩnh vực ô tô mà còn mở rộng ra nhiều lĩnh vực công nghiệp khác. Việc sớm hình thành KCN cơ khí hỗ trợ sẽ góp phần giải quyết tình trạng thiếu hụt nguồn nguyên liệu, tiết kiệm thời gian, chi phí vận chuyển; đồng thời tạo cơ hội cho các DN, đặc biệt là DN vừa và nhỏ đẩy mạnh hợp tác hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát triển, tham gia chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết để đạt mục tiêu tăng trưởng 2 con số trong năm 2025, Bình Dương đang quyết liệt triển khai nhiều giải pháp. Xác định phát triển công nghiệp bền vững, đi vào chiều sâu, Bình Dương quyết tâm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng tỉnh trở thành trung tâm công nghiệp hiện đại. Để hiện thực hóa mục tiêu trên, Bình Dương đã và đang thực hiện nhiều chiến lược và giải pháp đồng bộ trong việc đầu tư vào cơ sở hạ tầng giao thông, công nghệ, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, hỗ trợ các DN nghiên cứu và ứng dụng các công nghệ mới nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, quản lý. Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đẩy mạnh hợp tác DN trong và ngoài nước để chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ và mở rộng thị trường.

Để nâng tầm ngành công nghiệp, Bình Dương đã và đang hình thành một số KCN, cụm công nghiệp liên ngành. Năm 2025, Bình Dương sẽ phát triển mới 1-2 KCN, 3-5 cụm công nghiệp phù hợp với định hướng phát triển ngành, trong đó ưu tiên các KCN sinh thái, KCN công nghệ cao, KCN hỗ trợ tạo nền tảng hình thành hệ sinh thái công nghiệp thế hệ mới, kêu gọi, thu hút đầu tư mạnh mẽ hơn.

NGỌC THANH

Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/nang-cao-vi-the-cong-nghiep-binh-duong-a342117.html
Zalo