Ngành công nghiệp và sức hút đầu tư FDI
Nhiều dự án FDI quy mô lớn ở lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách nhà nước.
Một năm đầy hứa hẹn
Số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, trong năm 2024, tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam đạt 38,23 tỉ USD. Trong đó, sản xuất công nghiệp là một trong những lĩnh vực nhận được sự quan tâm và đầu tư mạnh mẽ nhất từ các nhà đầu tư nước ngoài. Đáng chú ý, chỉ trong tháng 1/2025, Việt Nam ghi nhận hơn 4,33 tỉ USD vốn FDI đăng ký mới, tăng 48,6% so với cùng kỳ năm trước. Con số này không chỉ phản ánh sự bứt phá mạnh mẽ, mà còn khẳng định sức hút của Việt Nam trong mắt các nhà đầu tư quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn nhiều biến động.
Theo ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương), Việt Nam đã có những thành công đáng ghi nhận trong việc thu hút các dự án FDI lớn vào các ngành công nghiệp. Nhiều dự án FDI quy mô lớn trong lĩnh vực chế biến, chế tạo đóng vai trò hết sức quan trọng trong kim ngạch xuất khẩu của quốc gia, phát triển hệ thống doanh nghiệp cung ứng nội địa, giải quyết việc làm tại địa phương và đóng góp lớn cho ngân sách Nhà nước. Một số tập đoàn lớn đã mở rộng nhà máy và thành lập các trung tâm R&D tại Việt Nam như Samsung, Apple, Marvell, NVIDIA, BYD...

Lĩnh vực công nghệ chế tạo thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài hiệu quả. Ảnh: M.Q
Hiện nay, một số ngành công nghiệp có thế mạnh của Việt Nam như dệt may, da giày, túi xách, sản xuất, lắp ráp ôtô, điện tử... thu hút được vốn FDI. Các doanh nghiệp FDI đầu tư mạnh mẽ vào các khu vực công nghiệp quan trọng. Trong số này phải kể đến nhà máy bán dẫn lớn nhất thế giới của Amkor tại Khu công nghiệp Yên Phong II-C (Bắc Ninh). Nhà máy chính thức đi vào hoạt động từ quý III/2024 và đã đạt được doanh thu xuất khẩu 337,5 tỉ đồng trong năm 2024. Hiện nhà máy có 117 lao động người nước ngoài và 1.256 lao động trong nước. Tập đoàn Amkor Technology (Hàn Quốc) đang xin cấp phép để nâng công suất tối đa của nhà máy này từ 1,2 tỉ lên 3,6 tỉ sản phẩm mỗi năm. Bên cạnh đó còn có những đối tác lớn của Apple tại Việt Nam là Foxconn, Luxshare và GoerTek. Những đối tác này cũng liên tục mở rộng cơ sở sản xuất điện tử. Như Goertek tiếp tục đầu tư 300 triệu USD mở rộng nhà máy tại Bắc Giang. Còn Luxshare hiện có 6 nhà máy với khoảng 40.000 nhân sự tại Việt Nam…
Bảo vệ môi trường khi thu hút FDI
Trước kỳ vọng thu hút đầu tư FDI vào lĩnh vực công nghiệp trong năm 2025, ông Phạm Nguyên Hùng - Cục trưởng Cục Công nghiệp cho hay, với sự gia tăng của sản xuất công nghiệp, doanh nghiệp Việt Nam cần phải quan tâm đến việc bảo vệ môi trường và tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường. Điều đó bắt buộc ngành công nghiệp, doanh nghiệp phải đầu tư vào công nghệ để nâng cao năng suất lao động, giảm chi phí sản xuất và đảm bảo tiêu chí chất lượng sản phẩm của thị trường; đầu tư vào các công nghệ sạch, cũng như việc thực hiện các biện pháp giảm thiểu tác động môi trường.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, để nâng cao chất lượng dòng vốn FDI, đã đến lúc Việt Nam cần chủ động chọn và sẵn sàng từ chối những dự án FDI không phù hợp, không đáp ứng các tiêu chí do Việt Nam đặt ra. Đồng thời, Việt Nam cũng cần thiết lập các tiêu chuẩn về môi trường, yêu cầu các doanh nghiệp FDI phải tuân thủ khi đầu tư vào Việt Nam.
Đồng quan điểm, nhiều chuyên gia trong lĩnh vực kinh tế, môi trường chia sẻ, Việt Nam cần khắt khe hơn trong lựa chọn dòng vốn FDI, tập trung thu hút các dự án FDI có chất lượng, có sức lan tỏa, hạn chế các dự án sử dụng công nghệ lạc hậu, gây ô nhiễm môi trường. Đây cũng là mục tiêu được Bộ Chính trị đưa ra tại Nghị quyết 50 của Bộ Chính trị về định hướng hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao chất lượng, hiệu quả hợp tác đầu tư nước ngoài đến năm 2030, cụ thể: Chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao, có tác động lan tỏa, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu...
Để tiếp tục thu hút đầu tư nước ngoài hiệu quả phục vụ cho sản xuất công nghiệp chế biến, chế tạo, bà Trương Thị Chí Bình - Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam đề nghị, cơ quan quản lý nhà nước hỗ trợ doanh nghiệp trong nước đàm phán với các doanh nghiệp FDI lớn như Samsung để đề xuất được cung ứng những sản phẩm giá trị cao hơn; giúp doanh nghiệp nắm bắt nhu cầu của các đối tác đầu tư mới tại Việt Nam để có sự chuẩn bị và đón đầu.