Nâng cao vai trò cộng đồng trong bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân

Ngày 24/12, tại Di tích quốc gia đặc biệt đền - chùa - đình Hai Bà Trưng, Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội phối hợp với Ủy ban nhân dân quận Hai Bà Trưng tổ chức tọa đàm 'Nâng cao vai trò của cộng đồng trong bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân, phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội'.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền cho biết, lễ hội Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng là một trong những lễ hội đặc sắc của người dân địa phương nói riêng và người dân Hà Nội nói chung. Lễ hội được tổ chức hàng năm từ ngày 5 đến 7 tháng Hai âm lịch tại miếu thờ Hai Bà Trưng - phường Bạch Đằng và đền Hai Bà Trưng - phường Đồng Nhân.

Hội đền Hai Bà Trưng là lễ hội lớn ở kinh thành xưa, không chỉ thu hút hàng nghìn người tham gia mà đây còn là dịp phát huy truyền thống yêu nước, là động lực để khích lệ mọi người hăng say hơn nữa trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Những nghi lễ, nghi thức, trò chơi, trò diễn dân gian, truyền thống thực hành trong lễ hội không chỉ tạo nên không khí vui tươi lành mạnh, một món ăn tinh thần trong cộng đồng mà còn tạo nên sự gắn kết, hòa hợp giữa các cá nhân trong cộng đồng.

Phát biểu tại tọa đàm, ông Đỗ Đình Hồng, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội cho biết, Lễ hội đền Đồng Nhân với chủ thể văn hóa là cộng đồng cư dân làng Đồng Nhân (nay là cộng đồng cư dân phường Đồng Nhân và phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng, thành phố Hà Nội). Lễ hội vẫn giữ được tục kết chạ, giao hiếu - một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng làng có di tích thờ Hai Bà Trưng như Đền Hai Bà Trưng (huyện mê Linh), Đền Hát Môn (huyện Mê Linh) và Đền Ngò (xã Phụng Công, huyện Văn Giang, tỉnh Hưng Yên).

Trong năm 2024, Sở Văn hóa và Thể thao thành phố Hà Nội phối hợp với UBND quận Hai Bà Trưng, UBND phường Đồng Nhân và Phường Bạch Đằng cùng cộng đồng chủ thể thực hành di sản Lễ hội đền Đồng Nhân triển khai các các hoạt động tư liệu hóa, ghi hình, chụp ảnh di sản, khảo sát, điền dã chuyên sâu phục vụ xây dựng Hồ sơ khoa học di sản đề nghị đưa vào Danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Theo Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, buổi tọa đàm là dịp để các nhà khoa học, nhà nghiên cứu và cơ quan quản lý nhà nước cùng cộng đồng địa phương trao đổi, nhận diện giá trị văn hóa, lịch sử và khoa học của di sản văn hóa phi vật thể Lễ hội đền Đồng Nhân. Tập trung trao đổi và làm rõ vai trò của cộng đồng chủ thể trong việc duy trì thực hành, bảo vệ và phát huy giá trị Lễ hội đền Đồng Nhân trong bối cảnh đô thị hóa; Định hướng cộng đồng trong việc nâng cao năng lực thực hành và bảo vệ di sản; gợi mở những định hướng phát triển công nghiệp văn hóa từ lễ hội truyền thống qua trường hợp Lễ hội đền Đồng Nhân.

Lễ hội đền Đồng Nhân 2020.

Lễ hội đền Đồng Nhân 2020.

Tại hội thảo, các đại biểu nhà khoa học, nhà chuyên môn tại tọa đàm cũng cho rằng, vai trò của cộng đồng đóng vai trò quan trọng trong việc bảo tồn và phát huy di sản văn hóa phi vật thể lễ hội đền Đồng Nhân. Mặt khác, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản, không chỉ ở cộng đồng dân cư sinh sống lâu năm tại địa phương mà còn cần sự tham gia cả những người trẻ tuổi…

Đánh giá ý nghĩa và giá trị của Lễ hội đền Đồng Nhân, PGS.TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia nhận định, lễ hội vẫn giữ được tục kết chạ, giao hiếu - một phong tục đẹp, góp phần tăng cường tình đoàn kết, cố kết cộng đồng làng có di tích thờ Hai Bà Trưng.Riêng trên địa phận thành phố Hà Nội có 3 đền thờ nổi tiếng là đền Đồng Nhân, đền Hai Bà Trưng (Mê Linh) và đền Hát Môn (huyện Phúc Thọ). Nét đặc trưng là ở 3 ngôi đền này hằng năm đều có tổ chức lễ hội lớn có tính liên vùng. Việc tạo sự gắn kết sinh hoạt văn hóa tiêu biểu của cả 3 ngôi đền nói trên là điều cần thiết trong bối cảnh hiện nay. Vì vậy, thành phố Hà Nội cần nghiên cứu xây dựng dự án chung bảo tồn và phát huy giá trị Lễ hội ở đền thờ Hai Bà Trưng nhằm tạo ra hệ sinh thái du lịch di sản với các sản phẩm du lịch đặc sắc không bị trùng lặp cho cả 3 lễ hội lớn.

“Cần tổ chức các tour du lịch di sản sẽ tạo cơ hội cho cộng đồng sáng tạo ra nhiều loại hình sản phẩm du lịch độc đáo của từng địa phương, qua đó, góp phần bảo tồn phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể lễ hội 3 đền thờ Hai Bà Trưng”, PGS.TS Đặng Văn Bài gợi ý.

Trước những tác động của quá trình đô thị hóa, môi trường văn hóa trong lễ hội truyền thống trong khu vực nội thành Hà Nội đang bị ảnh hưởng và có những biến đổi đáng kể. Bên cạnh đó, do thành phần dân cư có biến động mạnh, do lối sống, sinh hoạt của người dân ngày càng hiện đại, trong khi lễ hội là sinh hoạt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh truyền thống... khiến nhiều lễ hội dễ bị biến đổi, mất đi các giá trị đặc trưng so với lễ hội khu vực ngoại thành.

Theo Th.S Nguyễn Thị Huệ, Viện Nghiên cứu văn hóa – Viện Hàn lâm KHXHVN, trong bối cảnh toàn cầu hóa với sự hội nhập nhanh chóng của nền kinh tế xã hội và văn hóa của các quốc gia, việc phục hồi và phát huy lễ hội truyền thống có một vai trò rất quan trọng trong bảo lưu, tạo sức đề kháng vững chắc cho văn hóa bản địa, góp phần bảo tồn, làm giàu và phát huy văn hóa dân tộc.

Trước hết, công tác bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể trên địa bàn Hà Nội nói chung, di sản văn hóa phi vật thể loại hình lễ hội truyền thống nói riêng cần có sự phối hợp của các cấp, ban, ngành và đoàn thể và cộng đồng nắm giữ di sản triển khai đồng bộ các giải pháp. Trong đó, khuyến khích, tạo điều kiện cho cộng đồng thực hành và phát huy giá trị văn hóa của lễ hội truyền thống; hỗ trợ cộng đồng trong công tác nghiên cứu, phục dựng các nghi lễ, nghi thức truyền thống và các trò chơi dân gian, trao truyền tri thức cho đội ngũ nắm giữ di sản kế cận.

Cùng với đó, phát huy tính chủ động, tích cực của cộng đồng trong tổ chức, quản lý và thực hành lễ hội truyền thống; tăng cường tuyên truyền, phổ biến rộng rãi về ý nghĩa, nội dung các giá trị tiêu biểu, độc đáo của lễ hội truyền thống, giáo dục đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh người có công; bảo tồn, phát huy, giới thiệu, quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống, phong tục tập quán tốt đẹp của Thăng Long - Hà Nội.

Lễ hội đền Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng được các nhà khoa học, nhà chuyên môn nhận định hoàn toàn xứng đáng để được ghi vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Hiện nay, quận Hai Bà Trưng tiếp tục phối hợp Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội hoàn thiện hồ sơ theo đúng quy trình và sẽ báo cáo thành phố.

Thanh Xuân

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/nang-cao-vai-tro-cong-dong-trong-bao-ton-va-phat-huy-gia-tri-le-hoi-den-dong-nhan-post599291.antd
Zalo