Nâng cao tính cạnh tranh cho các sản phẩm hợp tác xã
Tính đến hết tháng 12/2024, cả nước có hơn 33.335 hợp tác xã , tăng 4,74% so với năm 2023. Tuy nhiên, các sản phẩm được sản xuất từ các hợp tác xã đến nay thường chậm tiêu thụ, khó xuất khẩu do chưa có thương hiệu. Khi đưa ra thị trường thế giới, sản phẩm hợp tác xã làm ra vẫn chưa đạt các tiêu chuẩn khắt khe của nhiều thị trường lớn. Vấn đề đặt ra là cần nâng cao tính cạnh tranh của các sản phẩm do hợp tác xã sản xuất.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu chỉ đạo tại Diễn đàn Hợp tác xã Quốc gia năm 2025.
Tại Lễ tôn vinh Hợp tác xã tiêu biểu và trao giải Ngôi sao hợp tác xã “Coop Star Awards 2025” vừa diễn ra tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã chỉ đạo, các hợp tác xã cần lấy phát triển kinh tế tập thể là nhiệm vụ chính trị xuyên suốt, từ đó dành nguồn lực tương xứng cho sự phát triển bền vững chuỗi giá trị sản phẩm của các hợp tác xã, tổ hợp tác; tập trung đề xuất các giải pháp, cơ chế chính sách nhằm tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất kinh doanh của hợp tác xã.
Các hợp tác xã, tổ hợp tác phải thực sự chủ động trong nâng cao hiệu quả hoạt động, đẩy mạnh hơn nữa liên kết theo chuỗi giá trị sản phẩm chủ lực.
Tuy nhiên, hầu hết các hợp tác xã hiện vẫn chưa xây dựng được thương hiệu riêng, sản phẩm làm ra dễ bị “chìm” trong vô số các sản phẩm cùng loại và dễ bị “đào thải” khỏi thị trường khi phải cạnh tranh với những thương hiệu lớn.
Hệ thống quản lý hàng hóa từ khâu sản xuất đến khâu đưa ra tiêu thụ vẫn còn nhiều “lỗ hổng”. Những “lỗ hổng” này đang khiến hàng loạt hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng được “tung” ra thị trường, khiến các sản phẩm có chất lượng của nhiều hợp tác xã bị nhầm lẫn. Các sản phẩm của Công ty Cổ phần Công nghiệp Alpha cũng gặp phải khó khăn này.
Theo ông Nguyễn Văn Hùng, Giám đốc công ty, các sản phẩm của công ty là các sản phẩm thép dân dụng và công nghiệp, những dòng sản phẩm đang chịu sự cạnh tranh gắt gao với những sản phẩm cùng loại của các tập đoàn lớn nước ngoài. Ông Hùng cho rằng, các hợp tác xã quy mô vừa và nhỏ hiện nay đang gặp nhiều sức ép về vốn và công nghệ nên khó cạnh tranh với các sản phẩm nhập khẩu. Thiếu vốn cũng đang khiến nhiều doanh nghiệp khó mở rộng quy mô và nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường.
Bên cạnh đó, chất lượng nguồn nhân lực cũng là một thách thức với các các hợp tác xã. Đa số nhân lực tại các hợp tác xã đều xuất phát từ công nhân, nông dân, chưa qua đào tạo về chuyên môn và công nghệ. Những kiến thức họ có đều đúc rút từ kinh nghiệm thực tế nên khi làm việc, họ đều là những nhà quản lý “tay ngang”, ra quyết định mang nhiều cảm tính.
Tiến sĩ Lê Thái Hà, giảng viên Đại học RMIT nhận định, với mô hình hợp tác xã, khó khăn lớn hiện nay là những vướng mắc về thủ tục, cũng như chuyển đổi từ kinh tế hộ gia đình, kinh tế cá thể sang kinh tế hợp tác xã do các chủ hợp tác xã chưa được đào tạo đầy đủ về kinh doanh.
Căn cứ Luật hợp tác xã số: 17/2023/QH15, ngày 20/6/2023, tại khoản 7 Điều 4, quy định, Hợp tác xã là tổ chức có tư cách pháp nhân do ít nhất 5 thành viên chính thức tự nguyện thành lập, hợp tác tương trợ trong sản xuất, kinh doanh, tạo việc làm nhằm đáp ứng nhu cầu chung về kinh tế, văn hóa, xã hội của thành viên, góp phần xây dựng cộng đồng xã hội phát triển bền vững; thực hiện quản trị tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bình đẳng và dân chủ.
Tuy nhiên trên thực tế, các hợp tác xã lại chưa phân biệt được rõ ràng ranh giới của “Doanh nghiệp đồng sở hữu” cũng như các quy định khác, dẫn đến tốc độ tăng trưởng chung bị chậm lại.
Thực tế, những quyết định quan trọng tại nhiều hợp tác xã vẫn mang tính tập thể. Nhiều vấn đề chưa phức tạp, lãnh đạo hợp tác xã có thể ra quyết định nhưng vẫn phải đưa ra bàn tại nhiều cuộc họp, dẫn đến sự chậm trễ trong quyết sách chung, làm mất cơ hội của hợp tác xã.
Thêm vào đó, nguồn tài chính, quỹ dành cho các hợp tác xã rất ít và hạn chế, lại khó khăn khi duyệt, dẫn đến sự chuyển đổi về công nghệ của các hợp tác xã vốn đã chậm, nay lại càng “ì ạch” hơn.
Theo ông Nguyễn Văn Khương, Giám đốc hợp tác xã Nông nghiệp Tổng hợp chăn nuôi và Thương mại Khánh Phát, Hà Nội, dù đã được đầu tư máy móc, công nghệ hiện đại nhưng các sản phẩm của hợp tác xã vẫn là các sản phẩm địa phương, chưa đạt tiêu chuẩn quốc tế nên chỉ tiêu thụ được trong nước.
Chính những “lỗ hổng” về tiêu chuẩn kiểm định chất lượng đang dẫn đến “kẽ hở” cho các sản phẩm giả được bày bán hàng loạt trên thị trường, khiến sản phẩm có chất lượng của các hợp tác xã càng thêm khó khăn khi tiêu thụ.
Hiện nay, điều kiện vay vốn của ngân hàng thường bị thắt chặt, gây khó khăn cho các hợp tác xã. Ông Nguyễn Quốc Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác Nấm Tam Đảo (Vĩnh Phúc) cho biết, các hợp tác xã luôn gặp khó khăn khi tiếp cận vốn vay của các ngân hàng hoặc các tổ chức tín dụng. Nhiều điều kiện được đặt ra khiến các hợp tác xã không thể tiếp cận được vốn để sản xuất, phân phối và kinh doanh hàng.
Còn theo bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam Chất lượng cao, những doanh nghiệp làm hàng giả, hàng kém chất lượng thường đưa ra mức chiết khấu cao khi bán hàng, đa dạng trong khuyến mãi, đổi trả hàng nên dễ thu hút người mua, vượt xa các kênh phân phối của các hợp tác xã.
Anh Lê Minh Trung, Giám đốc hợp tác xã mãng cầu Minh Trung (Tây Ninh) lại nhận định, dù sản phẩm của hợp tác xã đạt chứng nhận VietGAP, có giấy tờ rõ ràng nhưng hợp tác xã vẫn không đưa được hàng vào siêu thị vì chiết khấu cao, hàng hóa khó đổi trả, chính sách về công nợ còn rườm rà, bất cập. Đó chính là những “rào cản” lớn khiến việc mở rộng tiêu thụ của các hợp tác xã càng khó khăn hơn.

Anh Lê Minh Trung- Chủ tịch Hội đồng quản trị hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp Minh Trung (bìa trái) livestream bán mãng cầu trên nền tảng số. (Ảnh: HOÀNG YẾN)
Để tìm giải pháp, bà Cao Xuân Thu Vân, Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam cho biết, hiện cơ quan đang phối hợp với Bộ Công thương tổ chức trưng bày các sản phẩm OCOP của các hợp tác xã, mời các Liên đoàn hợp tác xã quốc tế tham gia trưng bày, tìm thị trường tiêu thụ.
Hiện nay, trong khi Mỹ đang dừng các gói tài trợ, Liên minh hợp tác xã Việt Nam sẽ lên phương án tổ chức tìm các gói tài trợ khác từ châu Âu
Hiện nay, các hợp tác xã đang chủ động tìm nguồn vốn và thúc đẩy chuỗi liên kết giá trị, xây dựng mô hình hợp tác xã liên kết chặt chẽ với các doanh nghiệp để giải quyết vấn đề đầu ra cho sản phẩm.
Nhiều hợp tác xã cũng đã xây dựng các chương trình tập huấn gắn với các dự án cụ thể, có các chuyên gia trong và ngoài nước đồng hành và chuyển giao công nghệ ngay tại cơ sở.

Chủ tịch Liên minh hợp tác xã Việt Nam Cao Xuân Thu Vân phát biểu tại Hội thảo bảo hiểm cho hợp tác xã nông nghiệp. (Ảnh: VCA)
Như vậy, với nguồn lực hiện tại, việc khắc phục các lỗ hổng về thể chế, tài chính, quản trị và liên kết chuỗi sẽ tạo ra nền tảng vững chắc, giúp các hợp tác xã nâng cao năng lực cạnh tranh, vươn lên tại thị trường trong và ngoài nước.
Cùng với đó, các hợp tác xã cũng nỗ lực liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp và các bộ, ngành để tìm đầu ra cho sản phẩm, đem lại nguồn thu tốt, hỗ trợ công tác sản xuất.