Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên
Chiều nay (23/4), tại ĐH Kinh tế quốc dân, Hà Nội, Báo Điện tử Tiếng nói Việt Nam (VOV), Chương trình Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP – Việt Nam) và Trung tâm Phát triển Khoa học Công nghệ và Tài năng trẻ - Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức chương trình 'Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên - 'Skill Our Future'.
Chương trình hướng đến mục tiêu trang bị cho thanh thiếu niên nhận thức đúng đắn, kiến thức và kỹ năng số cần thiết để học tập, làm việc, khởi nghiệp và sáng tạo trong thời đại số, qua đó góp phần nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh quốc gia.
Việt Nam đang bước vào giai đoạn tăng tốc của công cuộc chuyển đổi số toàn diện, nhằm bắt kịp với làn sóng của Cách mạng công nghiệp 4.0 và xu hướng toàn cầu hóa mạnh mẽ. Theo báo cáo "Tương lai việc làm 2025" của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF), đến năm 2030, 92 triệu việc làm sẽ bị thay thế do tự động hóa, nhưng đồng thời sẽ có 170 triệu việc làm mới được tạo ra – chủ yếu trong các lĩnh vực như dữ liệu, AI, công nghệ số và nội dung số. Trong quá trình này, nguồn nhân lực số chất lượng cao đóng vai trò then chốt, quyết định đến năng lực cạnh tranh và sự phát triển bền vững của quốc gia.

Việt Nam đã cam kết mạnh mẽ trong việc thúc đẩy chuyển đổi số gắn với phát triển nguồn nhân lực, việc làm và khởi nghiệp. Chương trình “Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” do Thủ tướng Chính phủ ban hành, đặt mục tiêu hình thành nền kinh tế số, xã hội số và chính phủ số. Trong chiến lược ấy, người dân chính là trung tâm của chuyển đổi số. Xây dựng một xã hội số đồng nghĩa với việc hình thành những công dân số và do đó năng lực số của công dân, đặc biệt là của lực lượng thanh thiếu niên phải được nâng cao, đáp ứng được yêu cầu của sự phát triển nhanh và bền vững. Đại hội toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh nhiệm kỳ 2022 – 2027 đã xác định nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên được xác định là một trong ba nhiệm vụ đột phá của nhiệm kỳ.
Đặc biệt, Nghị quyết số 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đã mở đường cho việc xây dựng hệ sinh thái đổi mới sáng tạo toàn diện, đồng thời tạo nền tảng chính sách để nâng cao năng lực số, khuyến khích khởi nghiệp số – đặc biệt với lực lượng thanh niên – nhằm tạo ra giá trị mới và thúc đẩy phát triển bền vững. Cùng với đó, các chương trình chuyên biệt như “Chuyển đổi số trong giáo dục nghề nghiệp đến năm 2025, tầm nhìn 2030” và dự án “Tăng cường ứng dụng CNTT và chuyển đổi số trong giáo dục và đào tạo giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030” hướng đến việc hình thành một thế hệ công dân số năng động – những người có đủ năng lực để thích ứng, dẫn dắt đổi mới và sẵn sàng bước vào thị trường lao động trong kỷ nguyên số.
Trong khuôn khổ của chương trình, tọa đàm “Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên với khởi nghiệp và việc làm” diễn ra với 02 phiên thảo luận:
Thảo luận 1: Nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên
Thảo luận 2: Thanh niên với khởi nghiệp và việc làm
Cũng tại chương trình, Ban Tổ chức phát động cuộc thi “Thách thức đổi mới sáng tạo thời đại số - Youth Digital Innovation Challenge”. Cuộc thi với chủ đề “Thu hẹp khoảng cách số” nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực số cho thanh thiếu niên và đưa công nghệ, kỹ thuật số đến gần hơn với người dân, đặc biệt là những người yếu thế hoặc vùng khó khăn. Cuộc thi hướng tới khuyến khích các ý tưởng, giải pháp sáng tạo giúp mọi người tham gia hiệu quả vào nền kinh tế số, phát triển xã hội số, từ đó thúc đẩy sự bình đẳng, phát triển bền vững và nâng cao chất lượng sống.