Giảm khí thải đi kèm giảm rác thải

Tương lai không phát thải ròng là trọng tâm trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu của nhân loại. Các công nghệ tái tạo như pin Mặt trời, turbine gió và xe điện đóng vai trò quan trọng trong tiến trình này. Nhưng rác thải từ đó cũng đặt ra bài toán cần giải quyết.

Khi các quốc gia đẩy nhanh quá trình khử carbon, khối lượng các module năng lượng Mặt trời, cánh turbine và pin lithium-ion bị loại bỏ đang tăng vọt. Nếu không hành động ngay lập tức, có nguy cơ cuộc khủng hoảng môi trường hiện nay được thay thế bằng một cuộc khủng hoảng môi trường khác, làm suy yếu tính bền vững mà thế giới đang phấn đấu.

Cơ quan năng lượng tái tạo quốc tế ước tính rằng, rác thải tấm pin Mặt trời toàn cầu có thể đạt 78 triệu tấn vào năm 2050. Chỉ riêng tại Mỹ, lượng tấm pin bị loại bỏ có thể lên tới 10 triệu tấn vào giữa thế kỷ 21.

Năng lượng gió cũng phải đối mặt với những rào cản tương tự. Các cánh turbine gió được làm từ vật liệu composite, nổi tiếng là khó tái chế và ngày càng thiếu chỗ chôn lấp.

Tại châu Âu, ước tính có 25.000 tấn cánh quạt sẽ hết tuổi thọ vào năm 2025, con số này dự kiến sẽ tăng gấp đôi lên 52.000 tấn vào năm 2030. Việc thiếu cơ sở hạ tầng tái chế hiệu quả càng làm trầm trọng thêm vấn đề, gây ra những rủi ro lâu dài cho môi trường.

 Cánh quạt turbine điện gió trở thành rác thải sau khi hết hạn sử dụng. Ảnh: CRANK

Cánh quạt turbine điện gió trở thành rác thải sau khi hết hạn sử dụng. Ảnh: CRANK

Lưu trữ năng lượng tạo thêm nan giải về rác thải. Pin lithium-ion rất quan trọng đối với xe điện và lưu trữ điện, có tuổi thọ hạn chế. Nhu cầu ngày càng tăng đối với loại pin này làm dấy lên mối lo ngại về chất thải nguy hại và tình trạng khan hiếm tài nguyên. Nếu không thu hồi hiệu quả các vật liệu chính, như lithium và kim loại đất hiếm, quá trình chuyển đổi năng lượng sạch có nguy cơ tạo ra các cuộc khủng hoảng sinh thái và chuỗi cung ứng mới.

Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), nền kinh tế tuần hoàn được xây dựng dựa trên phòng ngừa, giảm thiểu, tái sử dụng và tái chế có thể giúp giải quyết vấn đề. Điều này cũng đảm bảo rằng các công nghệ năng lượng sạch mang lại lợi ích lâu dài về môi trường và xã hội mà không gây ra hậu quả sinh thái không mong muốn.

Theo WEF, phòng ngừa là chiến lược hiệu quả nhất trong nền kinh tế tuần hoàn, ưu tiên giảm thiểu chất thải ngay từ đầu. Điều này bắt đầu bằng thiết kế bền vững, trong đó các nhà sản xuất phát triển các công nghệ năng lượng tái tạo, có thể sửa chữa và tái chế. Chính phủ đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự thay đổi này bằng cách đưa ra các ưu đãi, đặt ra các tiêu chuẩn về độ bền, đầu tư vào nghiên cứu và phát triển các vật liệu, thiết kế sản phẩm thế hệ tiếp theo giúp kéo dài tuổi thọ, tăng khả năng sửa chữa và giảm chất thải tại nguồn.

Ngoài ra, mở rộng các ứng dụng vòng đời thứ hai, chẳng hạn như tái sử dụng pin cũ để lưu trữ năng lượng cố định hoặc tân trang các thành phần turbine, sẽ tối đa hóa hiệu quả sử dụng tài nguyên và trì hoãn việc tạo ra chất thải.

WEF nhấn mạnh, tái chế vẫn đóng vai trò quan trọng, theo đó các nhà sản xuất phải chịu trách nhiệm về quản lý sản phẩm cuối vòng đời, từ đó có thể thúc đẩy đầu tư vào cơ sở hạ tầng tái chế toàn cầu. Việc mở rộng quy mô các cơ sở chuyên dụng để thu hồi các vật liệu quan trọng như lithium, bạc và các nguyên tố đất hiếm giúp giảm sự phụ thuộc vào việc khai thác tài nguyên thô, đồng thời đảm bảo chuỗi cung ứng.

KHÁNH MINH

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/giam-khi-thai-di-kem-giam-rac-thai-post792367.html
Zalo