Khoảng cách an toàn từ nhà máy điện hạt nhân đến khu dân cư là bao xa?

UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị phối hợp tham vấn, xác định khoảng cách an toàn giữa khu vực xây dựng nhà máy và khu dân cư cũng như các công trình dân sinh trong vùng ảnh hưởng.

Tính toán khoảng cách an toàn từ nhà máy điện hạt nhân đến khu dân cư

Ngày 23/4, Sở Công Thương tỉnh Ninh Thuận thông tin về tiến độ triển khai hai dự án Nhà máy điện hạt nhân số 1 và số 2, dự kiến đặt tại huyện Thuận Nam và huyện Ninh Hải.

Cụ thể, UBND tỉnh Ninh Thuận đã có văn bản gửi Bộ Khoa học và Công nghệ đề nghị phối hợp tham vấn, xác định khoảng cách an toàn giữa khu vực xây dựng nhà máy và khu dân cư cũng như các công trình dân sinh trong vùng ảnh hưởng. Khi có ý kiến chính thức từ các cơ quan Trung ương, địa phương sẽ công bố công khai để người dân và doanh nghiệp nắm rõ.

UBND tỉnh cũng đã trình HĐND tỉnh Ninh Thuận thông qua nghị quyết về cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho các hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án.

Tính toán khoảng cách an toàn từ nhà máy điện hạt nhân đến khu dân cư.

Tính toán khoảng cách an toàn từ nhà máy điện hạt nhân đến khu dân cư.

Ban Chỉ đạo di dân tái định cư đã được thành lập với sự phân công cụ thể cho từng sở, ngành và địa phương. Ban Quản lý Dự án Đầu tư và Phát triển quỹ đất tỉnh cũng được giao phối hợp với chuyên gia điều chỉnh quy hoạch hai khu tái định cư, bảo đảm đầy đủ hạ tầng kỹ thuật và môi trường sống cho người dân.

Ngoài ra, tỉnh đã lập Ban Chỉ đạo di dân tái định cư dự án, phân công cho từng sở, ngành, địa phương, lên các mốc thời gian cụ thể và kiểm đếm số lượng người dân bị ảnh hưởng.

Theo đó, Nhà máy điện hạt nhân số 1 (xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam) sẽ ảnh hưởng đến 617 hộ dân với 2.910 người. Khu tái định cư dự kiến xây dựng trên diện tích 64,85ha, với tổng kinh phí khoảng 6.450 tỷ đồng. Còn Nhà máy điện hạt nhân số 2 (xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải) sẽ ảnh hưởng đến 844 hộ dân với 2.319 người. Khu tái định cư dự kiến rộng 54,4ha, kinh phí khoảng 6.560 tỷ đồng.

Đặc điểm dân cư tại khu vực có nhà máy điện hạt nhân được quy định tại Khoản 1 Điều 7 Thông tư 28/2011/TT-BKHCN Quy định về yêu cầu an toàn hạt nhân đối với địa điểm nhà máy điện hạt nhân do Bộ Khoa học và Công nghệ ban hành.

Theo đó, nghiên cứu, đánh giá đặc điểm và phân bố dân cư hiện tại và trong tương lai tại khu vực có khả năng chịu ảnh hưởng của phát tán phóng xạ từ nhà máy điện hạt nhân. Việc nghiên cứu, đánh giá phải bao gồm cả việc đánh giá sử dụng đất, nước và đặt trong mối quan hệ với các đặc điểm có tính đặc thù liên quan đến mức độ phát tán phóng xạ gây nguy hại cho con người.

TS Tạ Văn Thưởng, Chuyên gia Viện Năng lượng (Bộ Công Thương) nhận định, trong phát triển điện hạt nhân, vấn đề an toàn cần đặt lên hàng đầu, hướng tới mục tiêu rủi ro bằng 0. Trên thế giới, các quốc gia thường tập trung vào việc giảm thiểu rủi ro đến mức thấp nhất có thể thông qua các biện pháp kỹ thuật, quản lý và pháp lý, trong đó việc nâng cao văn hóa an toàn được đặt lên hàng đầu.

"Việc lựa chọn công nghệ, đảm bảo an toàn, xử lý chất thải, xây dựng niềm tin của công chúng và hợp tác quốc tế là những yếu tố quyết định thành công của một dự án điện hạt nhân", TS. Tạ Văn Thưởng nói.

Về công nghệ hạt nhân, Việt Nam nên ưu tiên lựa chọn các công nghệ hạt nhân thế hệ mới (đã qua kiểm chứng), có tính năng an toàn cao và hiệu quả kinh tế. Cần lựa chọn các nhà cung cấp công nghệ có uy tín, kinh nghiệm và cam kết cao về an toàn. Việt Nam cũng cần theo dõi sát sao các tiến bộ công nghệ, liên tục cập nhật thông tin về các công nghệ hạt nhân mới để đưa ra những quyết định đầu tư, cập nhật quy hoạch phù hợp cho chương trình phát triển lĩnh vực điện hạt nhân dài hạn của đất nước.

An toàn hạt nhân phải là ưu tiên số một trong mọi giai đoạn của dự án, từ thiết kế, xây dựng đến vận hành và xử lý chất thải. Việt Nam cần xây dựng một hệ thống giám sát và quản lý an toàn hạt nhân chặt chẽ, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế; cũng như đầu tư vào đào tạo nguồn nhân lực có trình độ cao về an toàn hạt nhân.

Bên cạnh đó, Việt Nam cần đầu tư xây dựng các cơ sở hạ tầng để xử lý và lưu trữ chất thải hạt nhân một cách an toàn và lâu dài; theo dõi và nghiên cứu các công nghệ xử lý chất thải hạt nhân tiên tiến mà các nước trên thế giới đã áp dụng để tìm ra giải pháp tối ưu.

Bài toán an toàn của điện hạt nhân Ninh Thuận

TS. Trần Chí Thành, Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam (Bộ KH&CN), người từng tham gia lập Báo cáo Nghiên cứu tiền khả thi Dự án nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 và 2, cho biết, hiện nay trên thế giới có 62 tổ máy điện hạt nhân (lò hạt nhân) đang được xây dựng, và hơn 400 tổ máy đang vận hành, bao gồm các lò hạt nhân thế hệ II, III và III+. Tất cả đều đã được kiểm tra đánh giá an toàn đầy đủ sau sự cố Fukushima (2011), nên đều đáp ứng các tiêu chí an toàn khắt khe nhất được Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đưa ra sau 2011.

Công nghệ điện hạt nhân không dễ thay đổi trong một thời gian ngắn. Các công nghệ điện hạt nhân cơ bản đã được phát triển trong hơn 70 năm qua và hầu như không thay đổi nhiều (về nguyên lý).

"Khi chúng ta nói thay đổi thì có nghĩa là chỉ thay đổi về thiết kế theo xu hướng hoàn thiện hơn, an toàn hơn (nhiều hệ thống đảm bảo an toàn nhằm bảo vệ theo chiều sâu), với các hệ thống trang thiết bị tiên tiến, hiện đại nhất theo sự phát triển của khoa học công nghệ trên thế giới", TS. Trần Chí Thành nói.

Về vấn đề bảo đảm an toàn, theo ông Trần Chí Thành, trong ngành điện hạt nhân, các sự cố lớn xảy ra là Three Miles Irland (TMI) năm 1979, Chernobyl năm 1986 và Fukushima năm 2011. Bài học rút ra là ngoài đào tạo nguồn nhân lực hạt nhân đảm bảo chất lượng, cần xây dựng hệ thống pháp quy hạt nhân chặt chẽ, thực hiện tốt, đầy đủ và trách nhiệm các nhiệm vụ kiểm tra giám sát liên quan đến đánh giá an toàn, thiết kế, liên quan đến xây dựng và giám sát vận hành nhà máy (cũng như các hệ thống thiết bị), quản lý dự án cũng là lĩnh vực cần con người giỏi, kinh nghiệm.

Ngoài nhân lực để vận hành và làm việc trong nhà máy, một đội ngũ chuyên gia giỏi về công nghệ và an toàn hạt nhân, để luôn luôn nắm rõ các vấn đề khoa học, kỹ thuật, và khía cạnh pháp quy là rất quan trọng để chương trình điện hạt nhân thành công.

Về công nghệ, do thiết kế điện hạt nhân được đưa ra bởi các tổ chức, hoặc công ty về hạt nhân của các nước tiên tiến, của các nước làm chủ công nghệ, nên vấn đề ở Việt Nam (nếu có) là kiểm tra đánh giá tính phù hợp của thiết kế trong điều kiện thực tế Việt Nam.

Việt Nam cũng cần chú trọng xây dựng cơ quan pháp quy hạt nhân mạnh và độc lập, chú trọng việc đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là đội ngũ chuyên gia hạt nhân.

Hai nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận từng được Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư từ năm 2009. Nhà máy số 1 quy hoạch tại thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, với diện tích 440ha; Nhà máy số 2 tại thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, rộng khoảng 380ha. Tổng công suất thiết kế là 4.000 MW.

Hai dự án này từng bị tạm dừng theo Nghị quyết của Quốc hội vào cuối năm 2016. Đến tháng 11/2024, Quốc hội đã thống nhất tiếp tục triển khai dự án điện hạt nhân Ninh Thuận.

Tô Hội

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/khoang-cach-an-toan-tu-nha-may-dien-hat-nhan-den-khu-dan-cu-la-bao-xa-169250424211457282.htm
Zalo