Nâng cao kỹ năng số cho người dân

Xác định việc trang bị kỹ năng, kiến thức để người dân tham gia vào quá trình chuyển đổi số là rất quan trọng, tỉnh Phú Thọ đã tập trung nâng cao nhận thức, phổ cập kỹ năng số cho người dân.

Người dân xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập) thực hiện thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt tại Bưu điện văn hóa xã.

Người dân xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập) thực hiện thanh toán dịch vụ không dùng tiền mặt tại Bưu điện văn hóa xã.

Công tác tuyên truyền được các cấp, các ngành của tỉnh chú trọng tổ chức tập huấn kiến thức, kỹ năng, hướng dẫn cách thức thực hiện các thủ tục hành chính trên môi trường điện tử... cho cả người dân và cán bộ, công chức, viên chức thực hiện nhiệm vụ. Trên địa bàn tỉnh đã tuyên truyền, vận động, tổ chức cấp trên 1,2 triệu tài khoản định danh điện tử, trong đó đã kích hoạt trên 957.000 tài khoản, góp phần tích cực trong việc triển khai các tiện ích từ xác thực điện tử phục vụ chuyển đổi số quốc gia, đăng nhập dịch vụ công thực hiện thủ tục hành chính.

Người dân từng bước hình thành thói quen ứng dụng công nghệ vào đời sống, được trang bị kỹ năng cần thiết để làm chủ các thiết bị số và khai thác hiệu quả tiện ích. Đến nay, tỷ lệ người dân trong độ tuổi trưởng thành có điện thoại thông minh đạt trên 87%.

Khu 6, xã Sơn Vi (huyện Lâm Thao) được công nhận khu dân cư thông minh, hạ tầng số được đầu tư đồng bộ đã mở ra nhiều cơ hội để người dân trong khu tiếp cận và sử dụng công nghệ một cách thiết thực. Đồng chí Nguyễn Tiến Dũng - Bí thư Chi bộ khu 6 cho biết: “Hiện nay, tại khu dân cư, 95% công dân từ 15 tuổi trở lên sử dụng điện thoại thông minh, 98% số hộ sử dụng mạng Internet cáp quang, đã lắp đặt 18 hệ thống camera trên các trục đường chính của khu dân cư. Nhà văn hóa khu được trang bị tivi, bộ máy tính phục vụ công tác chuyển đổi số và thực hiện các tiêu chí mô hình khu dân cư thông minh. Điều quan trọng là chính từ nền tảng hạ tầng số, kỹ năng số của người dân trong khu đang từng bước được nâng lên. Đặc biệt, Tổ công nghệ số cộng đồng đã hướng dẫn, hỗ trợ người dân cài đặt ứng dụng, truy cập các dịch vụ công trực tuyến và các tiện ích công nghệ. Nhờ đó, công nghệ trở nên gần gũi, dễ tiếp cận và phục vụ hiệu quả cho đời sống hằng ngày của mỗi người dân trong khu”.

Xã Phúc Khánh (huyện Yên Lập) với hơn 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đã có những tiến bộ đáng kể, từ việc phát triển hạ tầng công nghệ thông tin đến việc nâng cao kỹ năng số của người dân. Đồng chí Nguyễn Thành Luân - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: “Chuyển đổi số trên địa bàn được triển khai từng bước, bắt đầu từ việc thay đổi nhận thức và nâng cao kỹ năng ứng dụng công nghệ của người dân, nhằm thu hẹp khoảng cách số. Hiện nay, khoảng 80% hộ dân đã lắp đặt Internet và hơn 90% hộ có thành viên sử dụng điện thoại thông minh. Việc nâng cao kỹ năng số cho người dân được chú trọng nhằm hướng dẫn người dân cách sử dụng công nghệ vào cuộc sống hằng ngày, đặc biệt là trong các thủ tục hành chính. Hình thức tuyên truyền được tổ chức qua hội nghị, loa truyền thanh, nhóm Zalo... giúp người dân từng bước thành thạo các thao tác số như tạo tài khoản, nộp hồ sơ trực tuyến, sử dụng dịch vụ công. Qua đó, người dân có thể tiếp cận và thụ hưởng hiệu quả các tiện ích từ chuyển đổi số”.

Ngày 8/5/2025, Tỉnh ủy đã ban hành Kế hoạch số 160-KH/TU về triển khai phong trào “Bình dân học vụ số” trên địa bàn tỉnh. Kế hoạch đặt ra một số chỉ tiêu cụ thể đối với các đối tượng cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong khu vực công; học sinh trung học và sinh viên; người lao động trong các doanh nghiệp, hợp tác xã... trong sử dụng công nghệ, nền tảng số. Đối với người dân, chỉ tiêu đặt ra năm 2025 là 80% người dân trong độ tuổi trưởng thành có tri thức cơ bản về chuyển đổi số, có kỹ năng số, sử dụng được thiết bị thông minh để khai thác thông tin, sử dụng nền tảng, dịch vụ số thiết yếu, biết bảo vệ bản thân trên môi trường số. 70% người dân trong độ tuổi trưởng thành được xác nhận đạt phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số trên nền tảng VNeID.

Để đạt được các yêu cầu và chỉ tiêu đề ra, các nhiệm vụ giải pháp được đưa ra gồm: Truyền thông và tuyên truyền; triển khai thực hiện chương trình phổ cập kỹ năng số; ứng dụng các nền tảng; phổ cập tri thức về chuyển đổi số, kỹ năng số cho từng nhóm đối tượng; triển khai các mô hình, lan tỏa kỹ năng số cho cộng đồng...

Thực hiện đồng bộ các giải pháp giúp người dân ngày càng chủ động hơn trong môi trường số, nắm bắt, tận dụng, khai thác, thụ hưởng những thành quả của khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số mang lại. Qua đó, góp phần đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số, nâng cao hiệu quả quản lý, phát triển kinh tế - xã hội và chất lượng cuộc sống người dân.

Nguyễn Huế

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn/nang-cao-ky-nang-so-cho-nguoi-dan-232552.htm
Zalo