Nâng cao hiệu quả quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ tám, sáng 23-11, Quốc hội nghe tờ trình về dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp.
Không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp
Trình bày tờ trình dự án luật, Phó thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long nêu rõ, việc xây dựng dự án Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp là cần thiết để nâng cao hiệu quả quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp, trước yêu cầu mới từ thực tiễn quản lý và hội nhập quốc tế; kịp thời khắc phục những hạn chế, tồn tại của luật hiện hành, bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về phạm vi điều chỉnh, dự án luật điều chỉnh phạm vi theo hướng không quy định cụ thể nội dung “sử dụng vốn, tài sản tại doanh nghiệp”. Theo đó, việc sử dụng vốn, tài sản được quy định theo hướng “đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp”; các quy định về huy động vốn; mua, bán, sử dụng tài sản cố định; quản lý nợ phải thu, phải trả được giao cho doanh nghiệp quyết định nhằm xác định rõ Nhà nước là chủ sở hữu đầu tư vốn, quản lý theo phần vốn góp tại doanh nghiệp, không can thiệp hành chính vào hoạt động của doanh nghiệp; tăng cường phân cấp gắn với trách nhiệm giải trình của doanh nghiệp.
Về đối tượng áp dụng được quy định trong dự thảo luật là doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp, tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ hơn 50% vốn điều lệ (không bao gồm: Bảo hiểm tiền gửi và ngân hàng chính sách). Cơ quan đại diện chủ sở hữu vốn, người đại diện chủ sở hữu vốn tại các doanh nghiệp nhà nước theo quy định của Luật Doanh nghiệp và tổ chức tín dụng do Nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ.
Xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước
Thẩm tra nội dung này, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội cơ bản tán thành với tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Quản lý và đầu tư vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Ủy ban nhận thấy, quy định của dự thảo luật sẽ góp phần thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả doanh nghiệp nhà nước; đảm bảo doanh nghiệp nhà nước hoạt động theo cơ chế thị trường, tôn trọng và nâng cao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp; tăng cường kiểm tra, giám sát của nhà nước trong quản lý, đầu tư vốn tại doanh nghiệp. Đồng thời, đề nghị cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát các quy định cụ thể trong dự thảo luật để thể chế hóa đầy đủ, đồng bộ các chủ trương, nguyên tắc nêu trên.
Về phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng, Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội nhận thấy, phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng quy định tại dự thảo luật đã bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy định về doanh nghiệp nhà nước của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, bên cạnh các doanh nghiệp có hơn 50% vốn nhà nước, hiện còn có những loại hình doanh nghiệp khác có vốn nhà nước đầu tư mà chưa được quy định trong phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật. Do vậy, đề nghị cần xem xét, bổ sung phạm vi quản lý, đầu tư vốn nhà nước để có các quy định có tính nguyên tắc trong dự thảo luật.