Việc đánh thuế nước ngọt có đường gây ra nhiều tranh cãi

Đề xuất bổ sung nước giải khát có đường với hàm lượng từ 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất là 10% đã nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ các bộ, ngành, chuyên gia, doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ làm tác động đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan.

Việc bổ sung thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát có đường sẽ làm tác động đến 9 ngành giải khát và 24 ngành liên quan.

Các nghiên cứu, trong đó có nghiên cứu của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), đã chỉ ra rằng nếu áp dụng mức thuế tiêu thụ đặc biệt 10% đối với nước giải khát thì thu ngân sách từ thuế gián thu (thuế tiêu thụ đặc biệt) năm đầu tiên (2026) sẽ tăng khoảng 8.507 tỷ đồng, nhưng thu ngân sách từ thuế trực thu sẽ giảm khoảng 2.152 tỷ đồng.

Từ năm 2027 trở đi, tổng thu ngân sách từ cả thuế gián thu và thuế trực thu dự kiến sẽ giảm trung bình 0,495% mỗi năm, tương ứng ước tính giảm khoảng 4.978 tỷ đồng/năm. Điều này dẫn tới giảm giá trị tăng thêm, giảm giá trị sản xuất, giảm lợi nhuận doang nghiệp, kéo theo làm giảm tổng nguồn thu ngân sách ở các chu kỳ sau.

Bên cạnh đó, báo cáo đánh giá việc áp dụng chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt này sẽ không những tác động trực tiếp lên ngành đồ uống, mà còn tác động lan tỏa tới 25 ngành trong nền kinh tế và dẫn đến sụt giảm khoảng 0,448% GDP, tương ứng 42.570 tỷ đồng. Do vậy, CIEM đề xuất chưa áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với nước giải khát có đường.

Nếu áp dụng mức thuế cao hơn (ví dụ 40%) thì tác động đối với các doanh nghiệp trong ngành cũng như các doanh nghiệp trong chuỗi cung ứng nước giải khát sẽ lớn hơn và thu ngân sách cũng sẽ giảm khi doanh thu thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp từ các doanh nghiệp này giảm do lượng tiêu thụ nước giải khát ít hơn trước.

Chia sẻ về vấn đề này, TS. Cấn Văn Lực phân tích, toàn bộ thuế tiêu thụ đặc biệt chiếm 8,8% tổng thu ngân sách Nhà nước. Nếu tăng thu 2.400 tỷ đồng từ áp thuế tiêu thụ đặc biệt với nước giải khát có đường cũng chiếm một tỷ lệ rất nhỏ, chỉ dưới 2% trong tổng thu thuế mỗi năm. Trong khi đó, giả sử việc đánh thuế sẽ điều chỉnh hành vi khiến tiêu thụ nước giải khát có đường giảm, như vậy số thu 2.400 tỷ đồng chắc chắn sẽ không đạt. Chưa kể, để thu đúng, thu đủ số thuế này cũng là vấn đề không đơn giản bởi không loại trừ tình trạng lách thuế.

Bên cạnh đó, các nghiên cứu trên phạm vi toàn cầu cho thấy việc đánh thuế đường chưa chắc là giải pháp tối ưu để giải quyết vấn đề thừa cân, béo phì. TS. Cấn Văn Lực chỉ ra rằng, hơn 20 quốc gia đã áp dụng chính sách này trong giai đoạn từ năm 2016 - 2024, nhưng tình trạng thừa cân, béo phì vẫn không có dấu hiệu cải thiện, như Mỹ từ 42,1% lên 42,7% và Brunei từ 14,1% lên 23,2%. Trong khi đó, 65 quốc gia chưa đánh thuế đường lại ghi nhận xu hướng giảm, bao gồm Trung Quốc và Indonesia.

Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung -l(Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc) đề nghị Ban soạn thảo dự án Luật xem xét lại một cách toàn diện về đề xuất bổ sung mặt hàng nước giải khát có đường theo Tiêu chuẩn Việt Nam có hàm lượng đường trên 5g/100ml vào đối tượng chịu thuế. Vì hiện nay còn nhiều ý kiến trái chiều từ các cơ quan quản lý Nhà nước, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia cũng như người tiêu dùng.

Theo đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung, công cụ thuế này không hiệu quả trong việc làm thay đổi hành vì người tiêu dùng, đặc biệt là khi các đối tượng tiêu dùng mặt hàng nước giải khát có đường phần lớn là trẻ em. Các cơ quan nên tập trung vào các biện pháp tuyên truyền và giáo dục trong gia đình và trường học để các em thay đổi nhận thức và từ đó thay đổi hành vi tiêu dùng.

Đồng thuận với quan điểm trên, đại biểu Trần Thị Nhị Hà - Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội cho rằng, việc áp thuế cần hướng tới điều tiết hành vi của người tiêu dùng hơn là tăng thu ngân sách. Việc áp thuế nước giải khát có đường thực chất là điều chỉnh lượng đường đưa vào cơ thể cho hợp lý chứ không làm giảm thừa cân béo phì. Do đó cần bổ sung thêm đánh giá tác động tới sức khỏe, bởi đây là vấn đề rất được quan tâm nhưng dự thảo lại thiếu đánh giá về y tế.

Đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An) đề nghị Ban soạn thảo xem xét kỹ lưỡng chính sách này, bởi qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra, đại biểu nhận thấy hiệu quả của việc áp thuế 10% lên nước giải khát có đường trong việc hạn chế, hoặc giảm tỷ lệ béo phì chưa được nghiên cứu toàn diện.

Hơn nữa, chính sách thuế này có thể thiếu công bằng khi chỉ nhắm vào các sản phẩm đồ uống đóng chai sẵn, trong khi các loại đồ uống pha chế tại chỗ như cà phê, trà sữa, nước mía, trà chanh... rất khó bị đánh thuế do không thể xác định chính xác hàm lượng đường… Điều này sẽ dẫn đến bất lợi cho các doanh nghiệp sản xuất đồ uống trong nước, đặc biệt là các doanh nghiệp thuần Việt.

Vì vậy, đại biểu Lê Thị Song An đề nghị Ban soạn thảo đánh giá kỹ lưỡng tác động, các biện pháp thực hiện, cũng như lộ trình phù hợp cho chính sách thuế tiêu thụ đặc biệt đối với đồ uống có đường, đảm bảo tính khả thi và công bằng, đồng thời hỗ trợ sự phát triển của doanh nghiệp trong nước.

Hồng Hạnh

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/viec-danh-thue-nuoc-ngot-co-duong-gay-ra-nhieu-tranh-cai-158163.html
Zalo