Nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị
BHG - Khắc ghi lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Dân vận khéo thì việc gì cũng thành công”, tỉnh đã đưa công tác dân vận trở thành nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Trên cơ sở đó, khơi dậy sức mạnh trong nhân dân, tạo đà thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Ngày 19.5.2023, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Nghị quyết 33 tăng cường sự lãnh đạo của Đảng về đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác dân vận trong hệ thống chính trị trên địa bàn tỉnh Hà Giang, giai đoạn 2023 – 2025, định hướng đến năm 2030. Đây tiếp tục là minh chứng cho thấy tỉnh ta luôn nhất quán quan điểm “dân là gốc”, dựa vào dân để chăm lo cuộc sống cho nhân dân. Thông qua công tác dân vận nhằm thắt chặt hơn mối quan hệ mật thiết giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân, vận động nhân dân thực hiện tốt chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đồng thời, phát huy sức mạnh to lớn của nhân dân, tạo thành phong trào cách mạng rộng khắp, bảo đảm giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội; đẩy nhanh phát triển KT-XH, góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp đã đề ra.
Nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp, ngành, tỉnh đã tập trung đổi mới công tác quán triệt, thông tin, tuyên truyền các chỉ thị, nghị quyết của Đảng về công tác dân vận theo hướng: “Tuyên truyền rộng, vận động sâu, cán bộ đi đầu, nhân dân hưởng ứng”; phát huy thế mạnh không gian mạng xã hội (Facebook, Zalo) để tăng cường sự tương tác, tiếp cận, nắm tình hình nhân dân, dư luận xã hội một cách kịp thời, hiệu quả. Đồng thời, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận đảm bảo nguyên tắc: Mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đều xuất phát từ lợi ích và nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Song song với đó, tỉnh ta thường xuyên quán triệt, kiểm tra, giám sát việc chấp hành kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức, nhất là trong lĩnh vực liên quan trực tiếp đến quyền, lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân. Điều này góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ cán bộ “trọng dân, gần dân, hiểu dân, học dân và có trách nhiệm với nhân dân”.
Để nâng cao chất lượng công tác dân vận, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội đã tăng cường nắm bắt tư tưởng đoàn viên, hội viên, tình hình dân tộc, tôn giáo; xây dựng nội dung giám sát, phản biện xã hội tập trung vào những vấn đề bức thiết, thực tiễn đặt ra gắn với quyền, lợi ích chính đáng của đoàn viên, hội viên và các tầng lớp nhân dân. Chỉ chưa đầy 1 năm thực hiện Nghị quyết 33, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến huyện đã tổ chức hàng trăm cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với nhân dân, tập trung vào những vấn đề mà nhân dân quan tâm. Nổi bật trong đó, đồng chí Quyền Bí thư Tỉnh ủy đối thoại trực tiếp với cán bộ, đảng viên trẻ Khối Cơ quan – Doanh nghiệp tỉnh, đối thoại với công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế. Riêng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh đối thoại trực tiếp với thanh niên về chủ đề “Thanh niên Hà Giang tiên phong chuyển đổi số và phát triển kinh tế”; đối thoại với nông dân về chủ đề “Hỗ trợ nông dân phát huy nội lực, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị với các sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn, đặc trưng gắn với du lịch của tỉnh; thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn bền vững”. Còn người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các huyện: Yên Minh, Mèo Vạc, Bắc Quang tổ chức 112 cuộc tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với gần 5.900 công dân, tiếp nhận hàng nghìn lượt ý kiến liên quan đến các lĩnh vực của đời sống xã hội. Thông qua đối thoại, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, giảm bức xúc, tăng cường sự thống nhất trong nhận thức và hành động của nhân dân để cùng các cấp, ngành thực hiện thắng lợi nhiệm vụ chính trị của địa phương.
Đặc biệt, tỉnh ta đã xây dựng và triển khai hiệu quả 1.115 mô hình “Dân vận khéo” thuộc lĩnh vực: Kinh tế 573 mô hình; văn hóa, xã hội 253 mô hình; an ninh 198 mô hình; xây dựng hệ thống chính trị 91 mô hình. Nhiều mô hình có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, điển hình như: Xóa bỏ hủ tục, phong tục tập quán lạc hậu, xây dựng nếp sống văn minh tại xã Đường Thượng, Mậu Long (Yên Minh); “Thôn biên giới bình yên” tại xã Tả Ván (Quản Bạ); “Đảng bộ bốn tốt”, “Chi bộ bốn tốt” tại thành phố Hà Giang; “Cán bộ chiến sỹ Quân đội nâng bước em tới trường” của Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, mô hình này đã giúp đỡ 32 học sinh người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh khó khăn đến trường với tổng số tiền hỗ trợ gần 270 triệu đồng. Ngoài các mô hình trên, lực lượng Công an duy trì hơn 2.000 tổ tự quản về an ninh trật tự; vận động hơn 3.000 chức sắc tôn giáo, người có uy tín tham gia bảo đảm an ninh trật tự vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Hiện nay, để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận, tỉnh tiếp tục thực hiện nghiêm cơ chế “Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân làm chủ”; mọi quan điểm, chủ trương của cấp ủy, cơ chế, chính sách của chính quyền phải vì lợi ích chính đáng của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân; cán bộ, đảng viên, nhất là người đứng đầu nêu cao tính tiên phong, gương mẫu, thực sự là công bộc của nhân dân. Trên cơ sở đó, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, “nghe dân nói, nói dân hiểu, làm dân tin”.