Vĩnh Linh quyết tâm chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa
Triển khai hiện thực hóa kế hoạch của UBND huyện Vĩnh Linh về chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan nhà nước, Phòng Văn hóa và Thông tin huyện quyết liệt thực hiện công tác này. Tuy trong quá trình thực hiện còn gặp không ít khó khăn nhưng đơn vị đã đạt được nhiều kết quả quan trọng.
Chuyển đổi số là xu hướng tất yếu trong phát triển KT-XH hiện nay. Ở lĩnh vực văn hóa, chuyển đổi số được xem là một nội dung quan trọng để vừa bảo tồn, gìn giữ, vừa mở rộng, giao lưu, phát huy các giá trị văn hóa, quảng bá hình ảnh mảnh đất và con người Vĩnh Linh ra trong nước và thế giới.
Phó Trưởng phòng Văn hóa và Thông tin Vĩnh Linh Trần Bá Dũng cho biết, Hội nghị Văn hóa toàn quốc tháng 11/2021 đã đề ra 6 nhiệm vụ cần làm, trong đó có nội dung xây dựng môi trường văn hóa số phù hợp với nền kinh tế số, xã hội số và công dân số, làm cho văn hóa thích nghi, điều tiết sự phát triển bền vững đất nước trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư.
Cụ thể hóa nhiệm vụ này, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như tỉnh Quảng Trị, huyện Vĩnh Linh đã ban hành các quyết định phê duyệt thực hiện Chương trình Chuyển đổi số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Đến nay, có thể khẳng định hệ thống chính sách về chuyển đổi số trong lĩnh vực văn hóa trên địa bàn Vĩnh Linh đã cơ bản từng bước được hoàn thiện, cơ sở hạ tầng số được tăng cường đầu tư, các nguồn lực về con người và tài chính đang được chú trọng.
Phòng Văn hóa và Thông tin đã tổ chức 6 lớp tập huấn nâng cao kỹ năng số cho cán bộ công chức cấp xã và người dân; phối hợp Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn cán bộ, công chức từ huyện đến xã tham gia các lớp bồi dưỡng về chuyển đổi số và an toàn thông tin mạng theo hình thức trực tuyến.
Các xã, thị trấn, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn thường xuyên tổ chức các hoạt động tuyên truyền nâng cao nhận thức về chuyển đổi số trên các phương tiện thông tin đại chúng như: Hướng dẫn người dân thường xuyên theo dõi kênh zalo chuyển đổi số quốc gia, theo dõi trang Làng số tại địa chỉ https://langso.dx.gov.vn/; phát thanh thường xuyên chuyên mục chuyển đổi số trên hệ thống truyền thanh cơ sở. Trong các nội dung hạ tầng số, dữ liệu số, nền tảng số, nhân lực số, chính quyền số, an toàn thông tin mạng luôn được phòng quan tâm, tham mưu UBND huyện chỉ đạo các đơn vị, địa phương thực hiện tốt.
Mới đây, phòng đã tổ chức 3 lớp tập huấn nhằm nâng cao kỹ năng số và năng lực tiếp cận thông tin cho đồng bào dân tộc thiểu số các xã Vĩnh Ô, Vĩnh Khê, Vĩnh Hà . Qua tập huấn giúp người dân tìm hiểu về thương mại điện tử; biết đưa các sản phẩm chủ lực lên sàn thương mại điện tử, các kênh bán hàng trên mạng.
Chị Hồ Thị Đoàn ở xã Vĩnh Khê cho biết: “Nội dung tập huấn thiết thực, gắn với nhu cầu của người dân. Qua tập huấn, chúng tôi đã biết thiết kế hình ảnh sản phẩm đẹp mắt, ấn tượng, tận dụng mạng xã hội để chia sẻ rộng rãi sản phẩm của mình cho xã hội biết được thế mạnh KT-XH, nhất là giá trị văn hóa vật chất và tinh thần của người dân tộc thiểu số miền Tây huyện Vĩnh Linh”.
Trưởng Phòng Văn hóa và Thông tin huyện Vĩnh Linh Lê Thị Anh Chi cho biết, thời gian gần đây, nhiều hoạt động liên quan đến chuyển đổi số trong văn hóa được triển khai hiệu quả. Phòng từng bước xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về di sản văn hóa trên nền tảng số. Trên địa bàn Vĩnh Linh hiện có 180 di tích lịch sử, văn hóa được các cấp xếp hạng, tiêu biểu là Khu Di tích quốc gia đặc biệt Đôi bờ Hiền Lương - Bến Hải, Di tích quốc gia đặc biệt Địa đạo Vịnh Mốc, Di tích quốc gia Bến đò Tùng Luật, Di tích hầm Khu ủy Vĩnh Linh và nhiều di tích, thắng cảnh nổi tiếng như biển Cửa Tùng, biển Vĩnh Thái...cùng với nhiều lễ hội đặc sắc. Đây là kho tàng di sản đồ sộ và khi được số hóa sẽ trở thành tài sản vô giá phục vụ phát triển văn hóa, nhất là du lịch, mang về giá trị kinh tế lớn.
Tuy vậy, nhìn một cách tổng thể, chuyển đổi số trên lĩnh vực văn hóa chưa diễn ra đồng đều ở các nội dung di sản, du lịch, bảo tàng, thư viện, phim ảnh, lễ hội về Vĩnh Linh. Trên thực tế đến nay, việc chuyển đổi số trong văn hóa phần lớn mới chỉ dừng lại ở mức tiếp cận cơ bản ban đầu như số hóa các dữ liệu, tư liệu hiện vật dưới dạng thông tin. Quá trình này vẫn còn không ít khó khăn do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Một số địa phương, nhất là các xã miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số vẫn còn khá xa lạ với cụm từ chuyển đổi số trong văn hóa. Cùng với đó, cơ sở vật chất hạ tầng mạng, trang thiết bị chưa đồng bộ, nguồn nhân lực thiếu, kinh phí hạn hẹp. Việc thực hiện chuyển đổi số văn hóa ở một số địa phương còn nhỏ lẻ, chưa xây dựng được hệ sinh thái phần mềm chung hệ thống dữ liệu để áp dụng xuyên suốt. Vì vậy, thời gian đến Phòng Văn hóa và Thông tin chủ trì, phối hợp với Trung tâm Văn hóa - Thông tin và Thể dục Thể thao huyện chọn lọc, tổng hợp dữ liệu, hình ảnh chính xác để số hóa.
Phó Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Linh Nguyễn Thiên Tùng cho biết, chuyển đổi số là xu hướng tất yếu, cần thiết, mà lĩnh vực văn hóa càng không thể đi chậm, đi sau các lĩnh vực khác. UBND huyện đã ban hành kế hoạch ứng dụng công nghệ số để quảng bá du lịch địa phương và bước đầu phát huy hiệu quả.
Chuyển đổi số, ứng dụng các thành tựu khoa học, kỹ thuật mới vào bảo tồn, gìn giữ, phát triển các giá trị văn hóa, du lịch, mở ra những cánh cửa lớn để thế giới biết nhiều hơn về nền văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc của huyện Vĩnh Linh. Với người dân, khi các giá trị văn hóa được số hóa trên các nền tảng mạng, việc tiếp cận và sáng tạo văn hóa sẽ trở nên dễ dàng hơn. Khi đó văn hóa không chỉ có ý nghĩa là nền tảng tinh thần mà còn là một tiềm lực trong phát triển KT-XH.