Chuyên gia cảnh báo gì về diễn biến bão số 10?
Ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, bão số 10 sẽ suy yếu thành áp thấp nhiệt đới, khả năng ảnh hưởng đất liền thấp.
Theo Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, 4h ngày 24/12, vị trí tâm bão ở trên vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 8 (62-74km/h), giật cấp 10; di chuyển theo hướng Tây, tốc độ 5-10km/h.
Tới 4h ngày 25/12, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 5-10km/h và suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới trên vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận. Sức gió vùng gần tâm bão mạnh cấp 6-7, giật cấp 9. Vùng rủi ro thiên tai cấp 3: Vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông, vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa); vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận.
Vào 4h ngày 26/12, bão di chuyển theo hướng Tây Tây Nam, 5-10 km/h và suy yếu dần thành vùng áp thấp trên vùng biển từ Ninh Thuận đến Bà Rịa-Vũng Tàu. Sức gió vùng gần tâm bão dưới cấp 6.
Về tác động của bão, Trung tâm dự báo, vùng biển phía Tây Nam khu vực Giữa Biển Đông và vùng biển phía Tây Bắc khu vực Nam Biển Đông (bao gồm vùng biển phía Tây Bắc quần đảo Trường Sa) có gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 8, giật cấp 10, sóng biển cao 4,0-6,0m; biển động mạnh. Vùng biển từ Khánh Hòa đến Bình Thuận (bao gồm đảo Phú Quý) có gió mạnh cấp 6, có lúc cấp 7, giật cấp 8-9, sóng biển cao 3,0-6,0m; biển động mạnh. Tàu thuyền hoạt động trong các vùng nguy hiểm nói trên đều có khả năng chịu tác động của dông, lốc, gió mạnh, sóng lớn.
Trước đó, tối ngày 23/12, ông Hoàng Phúc Lâm, Phó Giám đốc Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia cho hay, chiều 23/12, áp thấp nhiệt đới trên khu vực Nam Biển Đông đã mạnh lên thành bão số 10 trong năm nay.
Tính tới thời điểm hiện tại, năm 2024, trên Biển Đông đã có 10 cơn bão và 1 áp thấp nhiệt đới. Các dự báo hiện tại cho thấy, bão di sẽ chuyển theo hướng Tây Tây Bắc, sau đó đổi hướng Tây Tây Nam và hướng về các tỉnh từ Phú Yên đến Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trong quá trình đổi hướng di chuyển thì bão sẽ giảm trở lại thành áp thấp nhiệt đới. Theo nhận định của ông Hoàng Phúc Lâm, bão sẽ suy yếu trên biển nên ít có khả năng sẽ ảnh hưởng đến đất liền Việt Nam.
Tuy nhiên, do tương tác của bão với không khí lạnh nên miền Trung sẽ có mưa to (bắt đầu từ khoảng ngày 25/12). Trong khi các tỉnh miền Bắc có thời tiết dịp lễ Giáng sinh khá thuận lợi đến ngày 24/12. Từ đêm 25/12, miền Bắc có thể có mưa nhỏ. Nam Bộ và Nam Trung Bộ có khả năng mưa dông trong những ngày tới.
Về tình hình mưa lớn ở khu vực Trung và Nam Trung Bộ, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn cho biết, từ sáng sớm 24/12 đến đêm 25/12, ở khu vực từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa có mưa vừa, mưa to, cục bộ có nơi mưa rất to và dông với lượng mưa phổ biến từ 70-170mm, cục bộ có nơi trên 300mm. Cảnh báo nguy cơ có mưa cục bộ cường suất lớn (>100mm/6h).
Bên cạnh đó, chiều tối và đêm 24/12, khu vực Ninh Thuận, Bình Thuận và phía Đông khu vực Tây Nguyên có mưa, mưa vừa và rải rác có dông, cục bộ có nơi mưa to, với lượng mưa phổ biến từ 15-40mm, cục bộ có nơi trên 70mm.
Bắt đầu từ ngày 26/12, mưa lớn có khả năng giảm dần. Trong mưa dông có khả năng xảy ra lốc, sét và gió giật mạnh. Mưa lớn có khả năng gây ra tình trạng ngập úng tại các vùng trũng, thấp; lũ quét trên các sông, suối nhỏ, sạt lở đất trên sườn dốc.